Một máy bay hành khách của Malaysia vừa bị rơi tại Ukraine làm 295 hành khách thiệt mạng. Các nguồn tin ở Ukraine cho biết nhiều khả năng máy bay của Malaysia đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk do Nga sản xuất đang có trong biên chế quân đội Nga và Ukraine.
Vậy hệ thống tên lửa này có gì đặc biệt?
9K37 Buk (NATO định danh SA-11 Gadfly) là một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung di động được phát triển và đưa vào trang bị trong lực lượng phòng không mặt đất Liên Xô vào những năm 1970. Buk là hậu duệ trực tiếp của hệ thống phòng không tầm trung di động 2K12 Kub (NATO định danh là SA-6 Gainfull) từng được mệnh danh là “3 ngón tay thần chết” trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
|
Buk là hệ thống phòng không di động tầm trung hàng đầu thế giới hiện nay.
|
Cấu hình khẩu đội Buk bao gồm: 1 xe radar tìm kiếm mục tiêu 9S18, 3 xe phóng tên lửa, 1 xe nạp đạn và các thành phần hỗ trợ khác.
Trong đó, hệ thống radar 9S18 có phạm vi phát hiện mục tiêu đường không bay cao ở khoảng cách 140km, phát hiện tên lửa hành trình và các mục tiêu bay thấp ở khoảng cách 10-20km.
Xe phóng được đặt trên khung bệ bánh xích lắp 4 đạn tên lửa. Đặc biệt, trên xe cũng được tích hợp sẵn radar điều khiển hỏa lực 9S35 Fire Dome, này có khả năng dẫn bắn cho 4 tên lửa trong phạm vi 85km.
Nguyên bản 9K37 sử dụng đạn tên lửa 9M38 với 4 vây lái ở đuôi cùng 4 cánh ổn định dài ở giữa thân tên lửa. Đạn tên lửa 9M38 có tầm bắn khoảng 30km, tầm cao 14km, được dẫn hướng kết hợp quán tính và radar bán chủ động giai đoạn cuối, đầu đạn được kích nổ bằng ngòi nổ cận đích điều khiển bằng radar.
9K37M1 Buk-M1
Hệ thống Buk liên tục được tiến hành nâng cấp nhằm đáp ứng các thách thức trong tác chiến phòng không hiện đại. Biến thể nâng cấp 9K37M1 Buk-M1 được thực hiện vào những năm 1980. Biến thể này sử dụng đạn tên lửa 9M38M1 với tầm bắn được mở rộng lên 42km, tầm cao tăng lên đến 20km.
|
Cấu hình tiêu chuẩn của một khẩu đội tên lửa phòng không tầm trung di động Buk.
|
9K317M1 Buk-M1-2
Biến thể hiện đại hóa tiếp theo là 9K317M1 Buk-M1-2 được thực hiện vào những năm 1990 (NATO định danh SA-17 Grizzly), trang bị radar tìm kiếm mục tiêu 9S18M với phạm vi tìm kiếm mục tiêu được mở rộng lên đến 160km. Radar điều khiển hỏa lực nâng cấp 9S35M với phạm vi dẫn đường tên lửa tăng lên 95km.
9K317M1 sử dụng đạn tên lửa 9M317 với đường kính thân sau lớn hơn, vây ổn định giữa thân ngắn hơn. Tên lửa mới có khả năng linh hoạt cao hơn cho phép nó tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu nhỏ bay nhanh như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật. Tầm bắn của tên lửa được mở rộng lên đến 50km, tầm cao 25km.
Biến thể nâng cấp 9K317M1 Buk-M1-2 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tầm trung tốt nhất thế giới hiện nay. Cụ thể, xác suất tiêu diệt tiêm kích F-15 từ 90-95%, tên lửa hành trình tấn công mặt đất từ 70-80%, tên lửa đạn đạo chiến thuật từ 60-70%, trực thăng, UAV từ 70-80%.
9K317E Buk-M2E
9K317E Buk-M2E là biến thể xuất khẩu của hệ thống 9K317M1, biến thể này sử dụng khung gầm bánh lốp MZTK-6922 6x6 bánh. Nó có thể sử dụng đạn tên lửa 9M317E với tầm bắn tối đa 45km, tầm cao 22km.
|
Nếu nghi án Buk bắn hạ MH17 là đúng sự thật thì quả là đã tạo ra một vụ bê bối chính trị lớn và tạo nên một vết đen lớn trong tên tuổi của hệ thống này.
|
Các thông số kỹ thuật trên cho thấy rằng, hệ thống tên lửa phòng không Buk hoàn toàn có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu đường không nào trong phạm vi bán kính 50km, tầm cao 25km. Với sức mạnh khủng của Buk thì việc bắn hạ một máy bay hành khách bay ở độ cao 10km mà bản thân nó không có khả năng phòng vệ quả là dễ như chơi.
Theo Globalsecurity, lực lượng phòng không mặt đất Ukraine đang sở hữu khoảng 61 hệ thống tên lửa phòng không 9K37 và 9K37M1-2. Trong khi đó, lực lượng phòng không mặt đất Nga đang hoạt động hơn 300 hệ thống 9K37M1 và 9K317.
Hiện tại có rất nhiều thông tin trái chiều về nghi án hệ thống tên lửa Buk đã bắn hạ chiếc máy bay MH17 của Malaysia. Theo The Guardian, lực lượng ly khai tại Cộng hòa Donetsk đã nắm quyền kiểm soát một căn cứ quân sự có hệ thống tên lửa phòng không Buk.
Với hệ thống tên lửa phòng không thì không thể chỉ leo lên xe và nhấn nút phóng bởi nó đòi hỏi những kiến thức chuyên môn về sử dụng radar, làm thế nào để khóa một mục tiêu và tiêu diệt chúng. Nếu máy bay bị bắn rơi nó chỉ có thể được thực hiện bởi các lực lượng chuyên môn của Nga hoặc Ukraine.
Trong khi đó, nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các đơn vị vũ trang của quân đội Ukraine gần khu vực máy bay bị bắn rơi được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1. Hệ thống này có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 160km và có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hơn 30km.
Mặc dù, thông tin chính xác về tai nạn của chiếc máy bay hành khách mang số hiệu MH17 vẫn chưa được xác định, nhưng rõ ràng nếu nghi án Buk đã bắn hạ nó được làm sáng tỏ nó có thể tạo nên một vụ bê bối chính trị lớn với rất nhiều hậu quả khó lường.
Quốc Minh