“Mổ xẻ” những vũ khí đáng sợ nhưng chết yểu

Google News

(Kiến Thức) - Không thực tế, thiết kế kỳ dị, giá “khủng” là những nguyên nhân trong nhiều nguyên nhân khiến vũ khí cực khủng phải chết yểu.

Trong lịch sử phát triển vũ khí thế giới, các quốc gia luôn cố gắng tạo ra cho mình vũ khí tối tân nhất, sức hủy diệt mạnh nhất để “tấn công hoặc răn đe” đối phương. Tuy nhiên, trong quá trình đó, không ít vũ khí khiến người ta phải khiếp sợ được tạo ra nhưng rốt cuộc lại chết yểu vì không thực tế hoặc công nghệ chưa đáp ứng nổi.
Dưới đây là một số dự án vũ khí nguy hiểm nhưng chết yểu:
Bom hạt nhân trên Mặt Trăng
Dự án tuyệt mật có tên “Nghiên cứu về các chuyến bay lên Mặt Trăng” hay còn gọi là “Dự án A119” từng được lãnh đạo Quân đội Mỹ vạch ra vào thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh.
 Ảnh minh họa.
Mỹ định sử dụng một quả bom nguyên tử (vì bom hydro sẽ quá nặng), và một quả tên lửa mang bom sẽ được phóng từ một địa điểm bí mật trên Trái đất và bay đến Mặt Trăng, nơi nó sẽ được kích nổ nhờ vào sức va chạm.
Dự án từng được tính toán thực hiện vào năm 1959 song bị các sĩ quan quân đội hủy bỏ vì lo ngại nó sẽ gây nguy hiểm cho con người sống trên Trái đất nếu thất bại. Nó được thai nghén từ năm 1958, khi Mỹ và Liên Xô ở thế đối đầu trong một cuộc chạy đua hạt nhân kéo dài nhiều thập kỷ và đẩy hai cường quốc này ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tàu sân bay bằng băng
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939-1945), nền công nghiệp quốc phòng của các nước đồng minh, trong đó có Anh, rất thiếu thốn nguyên vật liệu (chủ yếu là thép) để chế tạo tàu chiến.
Vì vậy, một dự án quân sự bí mật mang tên là Habbakuk đã ra đời nhằm xây dựng tàu sân bay chống đạn bằng loại vật liệu quái dị: băng đá.
 Dự án không tưởng - tàu sân bay bằng băng.
Tất nhiên, đây không phải là băng thông thường. Loại băng của dự án Habbakuk mang tên Pykrete (được đặt theo tên của Geoffrey Pyke, người đầu tiên có ý tưởng về dự án Habbakuk), là hỗn hợp đông lạnh của nước và cellulose (bột gỗ, chiếm 10-20%). Điều đáng nói là hỗn hợp này có tính bền vững không kém gì bê tông và có thể dùng chống đạn vô cùng hiệu quả.
Tuy nhiên, từ lý thuyết tới thực tế là một quãng đường quá xa. Vì nhiều lý do khác nhau, ý tưởng xây dựng những con tàu sân bay từ Pykrete và dự án Habbakuk đã không thành hiện thực trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
A-12 Avenger II
A-12 Avenger II là một chương trình thiết kế chế tạo máy bay của Mỹ được McDonne Douglas và General Dynamics hợp tác thực hiện, đây là một mẫu thiết kế được mong đợi thay thế cho loại A-6 Intruder trong biến chế của Hải quân Mỹ và Lính thủy Đánh bộ Mỹ, loại máy bay này được dùng để tấn công lén lút trong mọi thời tiết.
 A-12 Avenger II.
Điều đặc biệt ở mẫu thiết kế A-12 Avenger II này là kiểu dáng hình dạng tam giác cân - khác nhiều so với thiết kế máy bay truyền thống. Máy bay trang bị 2 động cơ phản lực F412-GE-D5F2, toàn bộ vũ khí được chứa trong khoang thân máy bay. Lối thiết kế này có thể dễ dàng hiểu rằng đây là máy bay chiến đấu tàng hình.
Mẫu thiết kế này đã gặp phải nhiều vấn đề trong khi phát triển, đặc biệt là vật liệu để chế tạo, và khi chi phí dự đoán đối với mỗi chiếc máy bay ước lượng khoảng 165 triệu USD, thì dự án này đã bị hủy bỏ bởi Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Dick Cheney vào tháng 1 năm 1991.
Máy bay chiến đấu không cần đường băng
Lockheed XFV (còn gọi là the Salmon) là một mẫu máy bay tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) thử nghiệm của Mỹ, do hãng Lockheed thiết kế chế tạo vào đầu năm 1950.
Chính phủ Mỹ muốn máy bay chiến đấu có thể cất cánh trên tất cả các tàu chiến của họ thay vì có một chiếc máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay duy nhất. Máy bay XFV đã được thiết kế với các bộ phận hạ cánh trên đuôi của nó.
Máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng Lockheed XFV.
Nhưng sau các thử nghiệm thực tế khi các phi công không thể hạ cánh ngược trên các boong tàu cũng như nó chậm hơn các loại máy bay chiến đấu phản lực hiện đại khác và quá phức tạp để các phi công có thể lái nó dễ dàng. Rốt cuộc, ý tưởng của người Mỹ việc có một chiếc máy bay chiến đấu có thể cất và cánh trên các tàu chiến đã bị hủy bỏ.
Ở thời điểm đó, do những giới hạn về mặt công nghệ mà Lockheed XFV đã không thành công. Tuy nhiên, theo thời gian ý tưởng về máy bay không cần đường băng đã thành hiện thực với mẫu máy bay AV-8B Harrier II hay F-35B của Mỹ hoặc Yak-38/141 của Liên Xô.
XB-70: Kẻ xâm nhập từ tương lai
North American XB-70 Valkyrie là một mẫu máy bay ném bom chiến lược tốc độ siêu âm để trang bị cho Không quân Mỹ. Phát triển vào cuối năm 1950, chiếc Valkyrie có tới 6 động cơ phản lực cỡ lớn, đạt được tốc độ lớn nhất Mach 3 ở cao độ 21.000m.
Máy bay ném bom siêu thanh XB-70.
Chỉ có 2 chiếc XB-70 được sản xuất, vì cái giá “khủng” mỗi chiếc là khoảng 750 triệu USD, tất cả giao cho Không quân Mỹ thử nghiệm.
Ngoài hạn chế vì giá “khủng” thì sự ra đời của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chính phủ Mỹ hủy bỏ chương trình XB-70 năm 1969.
Trong 2 mẫu thử nghiệm, một chiếc gặp nạn vào năm 1966, chiếc còn lại đã nghỉ hưu vào năm 1969.
Tiếng sét XF-84F
Republic XF-84H Thunderscreech là một mẫu máy bay thử được phát triển dựa trên mẫu F-84F Thunderstreak, nhằm đáp ứng yêu cầu của Không quân Hải quân Mỹ về loại máy bay cất cánh trên tàu sân bay không cần máy phóng.
Vì thế, XF-84H là trang bị một động cơ tuốc bin phản lực kết hợp động cơ tuốc bin cánh quạt đặt ở đầu mũi. Kiểu kết hợp này có lẽ là nhằm tăng lực đẩy cho máy bay cất cánh trên hạm.
XF-84H.
Tuy nhiên, cấu hình kỳ lạ này khiến máy bay bị mất ổn định và đặc biệt là tạo tiếng ồn rất lớn. Theo các tài liệu được công bố, những tiếng ồn mà động cơ của XF-84H tạo ra có thể nghe được cách 40km. Khi nó cất cánh có thể gây ra biểu hiện buồn nôn nghiêm trọng và làm thủng màng nhĩ của các nhân viên hàng không phục vụ dưới mặt đất.
Những vấn đề nghiêm trọng về khí động học và tiếng ồn quá lớn khiến chương trình này bị hủy bỏ hoàn toàn.
Trà Khánh