Trang mạng Malaysia Defence đưa tin, chính phủ Malaysia muốn mua 2 tàu chiến Trung Quốc để trang bị cho lực lượng hải quân nước này mặc dù Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) không mặn mà lắm với kế hoạch này.
Một số nguồn tin thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Malaysia tiết lộ, Bộ quốc phòng Malaysia đã lên kế hoạch mua số tàu chiến này từ hai năm qua sau đề xuất hỗ trợ tài chính từ một nhóm doanh nghiệp của Malaysia và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Thông tin này cũng được các quan chức cấp cao thuộc Bộ quốc phòng Malaysia xác nhận với Malaysia Defence, nhưng lại từ chối bình luận thêm về vấn đề này.
|
Trong ảnh là các tàu hộ vệ cỡ lớn C28A mà Trung Quốc đóng cho Algeria.
|
Theo kế hoạch, hợp đồng mua hai tàu chiến này sẽ được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia Najib Razak đến Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên đến phút chót thì việc ký kết bị tạm hoãn do nhiều lý do khác nhau và một trong số đó là có liên quan đến vấn đề tài chính.
Hiện vẫn chưa rõ là Malaysia sẽ mua loại tàu chiến nào từ Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng đó sẽ là một biến thể của tàu hộ vệ tên lửa C28A mà Trung Quốc từng bán cho Hải quân Algeria. Trong khi đó mô hình của loại tàu chiến này cũng được công ty thương mại công nghiệp hàng hải Trung Quốc (CSTC) mang tới triển lãm quốc phòng quốc tế Châu Á DSA-2014 diễn ra ở Kuala Lumpur vào tháng 4 năm ngoái. Theo CSTC, tàu hộ vệ C28A có chiều dài khoảng 120m và lượng giãn nước 2.880 tấn.
|
Mô hình tàu hộ vệ C28A được trưng bày tại triễn lãm quốc phòng DSA-2014 tại Malaysia.
|
Cả 3 tàu hộ vệ C28A của Algeria đều được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua ở Thượng Hải, còn hợp đồng này được Algeria và Trung Quốc ký kết vào năm 2012. Chiếc C28A đầu tiên của Algeria đã được hạ thủy vào tháng 8/2014 và dự kiến sẽ được bàn giao chính thức cho Hải quân Algeria trong năm nay.
Tuy nhiên, kế hoạch của Bộ Quốc phòng Malaysia có thể đẩy Hải quân Malaysia vào thế khó. Khi mà phải tích hợp các tàu chiến do Trung Quốc chế tạo với phần còn lại của hạm đội tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Malaysia vốn chỉ được trang bị các tàu chiến theo tiêu chuẩn Phương Tây. Do đó, có nguồn tin cho rằng, phần thân tàu và hệ thống động cơ chắc chắn sẽ được đóng hay lắp ráp tại Trung Quốc, còn các thiết bị điện tử, hệ thống quản lý tác chiến trên biển và hệ thống vũ khí do Phương Tây sản xuất sẽ được lắp ráp ở Malaysia.
Mặc dù hiện tại phía Hải quân Malaysia và CSTC của Trung Quốc vẫn bất đồng về thiết kế của các con tàu này nhưng chắc nó sẽ được trang bị các động cơ diesel MTU do Đức chế tạo. Hệ thống vũ khí chính trên các tàu này có thể sẽ tương tự như các tàu tuần tra ven biển thế hệ 2 SGPV-LCS của RMN đang được đóng mới bởi nhà máy đóng tàu hải quân Boustead của Malaysia.
|
Tàu tuần tra ven biển thế hệ thứ hai SGPV-LCS của Hải quân Hoàng gia Malaysia. |
Theo đó, phần thân tàu sau khi được đóng xong ở Trung Quốc sẽ được vận chuyển đến nhà máy đóng tàu Boustead ở Lumut để hoàn tất quá trình lắp ráp các thiết bị điện tử và hoàn thiện. Quá trình có thể sẽ diễn ra khá phức tạp một phần là do các công ty quốc phòng của Phương Tây sẽ không bao giờ đồng ý việc chuyển các thiết bị quân sự của mình sang Trung Quốc để lắp ráp.
Các làm này tương tự như các tàu hộ vệ C28A của Algeria, khi mà hệ thống quản lý tác chiến và hệ thống vũ khí chính của C28A đều do các công ty quốc phòng Phương Tây sản xuất và chúng chỉ được lắp ráp khi các tàu này đã về đến Algeria.
Trà Khánh