Giữa những năm 1970, Mỹ bắt đầu triển khai chương trình phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới nhằm thay thế dòng xe tăng M48, M60 thế hệ cũ. Năm 1980, Quân đội Mỹ chính thức đưa vào trang bị xe tăng M1 Abrams hiện đại do hãng General Dynamics sản xuất theo thiết kế của Chrysler Defence. Kể từ khi bắt đầu sản xuất từ 1980 tới nay đã có 9.000 chiếc ra đời và trang bị chủ yếu trong Quân đội Mỹ.
Xe tăng M1 Abrams ra đời ngoài việc đáp ứng yều cầu hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp Mỹ còn làm nhiệm vụ chiến lược chặn đứng hoặc cầm chân “làn sóng” xe tăng Liên Xô tràn tới eo biển Manche trong một kịch bản giả tưởng chiến tranh. Vì thế, M1 Abrams thiết kế như một phương tiện chống tăng với hệ thống hỏa lực mạnh, giáp bảo vệ cực tốt và tính cơ động cao.
|
Xe tăng M1 Abrams. |
Hỏa lực “khủng”
M1 Abrams ban đầu được trang bị pháo nòng trơn M68 cỡ 105mm nhưng sau đó được hiện đại hóa lên pháo M256 120mm trên biến thể M1A1 và M1A2.
Yếu tố làm nên sức mạnh của pháo chính 105/120mm là nó sử dụng đạn xuyên giáp sabot đặc biệt được cấu tạo với một thanh kim loại nhỏ với một đầu được vót nhọn mà một đầu được gắn cánh nhằm ổn định đường bay.
Đầu xuyên đạn Sabot làm bằng vật liệu Uranium nghèo, nó có tính dễ bốc cháy để tăng sự phá hủy mục tiêu, và có khả năng tự làm nhọn cho phép xuyên sâu hơn vào vỏ giáp gây thiệt hại nặng đến kíp lái xe tăng địch.
Viên đạn sabot gắn với thanh xuyên chỉ bằng một lớp nhựa mỏng, do đó phần vỏ đạn sẽ rơi ra ngay sau khi viên đạn vừa thoát khỏi nòng pháo. Thanh xuyên sẽ bay đi với một tốc độ cao, hướng thẳng đến mục tiêu. Động năng cực lớn này tập trung vào một điểm cực kỳ nhỏ, do đó sức xuyên phá của nó là rất khủng khiếp. Và khi đã chui được vào trong xe tăng địch, nó sẽ vỡ thành từng mảnh, phá tan tành mọi thứ bên trong xe.
|
Pháo chính cùng đạn sabot với đầu xuyên uranium nghèo tạo nên hỏa lực cực mạnh của M1 Abrams. |
Ngoài khẩu pháo uy lực cùng đạn đặc biệt, M1 Abrams còn trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép đạt độ chính xác cao với các mục tiêu tĩnh và động.
Theo đó, xe được trang bị máy tính đạn đạo tính đường đạn pháo dựa trên các thông số: góc bắn (xác định bằn cảm biến đầu nòng), khoảng cách (xác định bằng hệ thống laser), tốc độ và hướng gió (cảm biến gió trên nóc xe), thông số từ con quay hồi chuyển, tốc độ của mục tiêu(xác định bằng máy đếm số vòng), nhiệt độ, áp suất khí quyển, loại đạn, nhiệt độ của đạn. Tổng hợp tất cả yếu tố, máy tính đạn đạo cho khả năng bắn chính xác 95% ở khoảng cách bình thường.
Về hệ thống phòng vệ, nhà thiết kế tập trung vào việc đảm bảo an toàn tối đa cho tổ lái xe. Xe được trang bị giáp đa lớp (như kiểu giáp Chobham của xe tăng Challenger) nhưng được bổ sung thêm vật liệu Uranium nghèo tỉ khối lớn.
Khi xe tăng bị bắn đạn xuyên thì trên một diện tích rất nhỏ viên đạn bắn vào sẽ tập trung đa phần năng lượng, thổi bay khối lượng kim loại trong lỗ thủng đạn bắn vào. Vì thế, nếu sử dụng kim loại có tỉ khối thấp, thì đạn xuyên càng tốn ít năng lượng để xuyên giáp. Do đó, sử dụng giáp uranium nghèo với tỉ khối lớn sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả các loại đạn bắn vào xe tăng.
Để chống lại các tên lửa chống tăng có điều khiển, xe được trang bị thiết bị gây nhiễu AN/VLQ-8A. Khi tác chiến trong đô thị, xe được bổ sung gói nâng cấp TUSK (Tank Urban Survability Kit) với giáp phản ứng nổ ERA và giáp lồng để bảo vệ xe khỏi súng chống tăng.
|
Nặng tới 67,6 tấn nhưng M1 Abrams vẫn phi với tốc độ 67,7km/h. |
Dù có trọng lượng tới 67,6 tấn nhưng M1 Abrams có độ cơ động rất tuyệt vời do được trang bị động cơ tuốc bin khí 1.500 mã lực mạnh mẽ. Xe có thể đạt vận tốc 67,7km/h trên đường nhựa, và 48,3km/h khi đường xấu, khả năng leo dốc 30 độ, vượt vách đứng 1,24 m, vượt hào rộng 2,77 m, lội nước sâu 1,22 m. Tuy nhiên, động cơ tuốc bin khí rất ngốn nhiên liệu và chỉ có “con nhà giàu” mới nuôi nổ M1 Abrams.
Nhờ thiết kế như vậy, nên trong thực chiến, xe tăng M1 Abrams đã giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường trước các loại xe tăng do Liên Xô sản xuất.
“Thảm sát” lực lượng xe tăng Iraq
Trong cuộc chiến trang vùng Vịnh 1991, trong khi Không quân Mỹ mất 43 ngày không kích với cường độ cao để tiêu diệt 50% lực lượng tăng Iraq thì tăng – thiết giáp Mỹ chỉ mất 4 ngày diệt thêm 25%.
Nhiều trận đấu tăng nổi tiếng đã xảy ra, như trận 73 Easting với một phe là liên quân Mỹ - Anh (gồm Trung đoàn Kỵ binh thiết giáp 2) với bên kia là tăng – thiết giáp Vệ binh Cộng hòa Iraq (trang bị xe tăng T-72 của Liên Xô). Nhiệm vụ được đặt ra là tiến công về phía Tây, quét sạch quân phòng ngự phía Iraq và dọn đường cho bộ binh hạng nặng phía sau tiến quân.
Đại đội tiên phong quân Mỹ dưới sự chỉ huy của Đại úy H.R McMaster chỉ huy đơn vị gồm 9 chiếc M1 Abrams và 12 chiếc M2 Bradley ngay lập tức khai hỏa khi gặp xe tăng Iraq. Trong vòng chưa đầy 1 tiếng, tuyến phòng ngự phía Iraq đã được dọn dẹp sạch sẽ. Cuộc phản công sau đó của Iraq cũng nhận lấy kết cục tương tự, với 120 xe tăng – thiết giáp bị phá hủy và hơn 600 binh lính bị loại khỏi vòng chiến.
Cũng trong trận này, một chiếc M1 đã xác lập kỷ lục bắn hạ 3 xe tăng Iraq trong vòng chưa đầy 10 giây!
|
Tranh vẽ miêu tả xe tăng M1 Abrams "thảm sát" xe tăng, xe chiến đấu bộ binh Iraq. |
Hoặc như trận chiến Medina Ridge, đây được coi là cuộc đấu tăng có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trận chiến diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ, với thiệt hại là toàn bộ lực lượng xe thiết giáp của Iraq cùng với khoảng 400 binh lính bị loại khỏi vòng chiến. Con số này bên phía Mỹ là...gần như bằng 0.
Trong cuộc chiến này, phía Iraq đã sử dụng chiến lược phòng thủ hết sức khôn ngoan, đó là việc tận dụng sườn núi để che khuất tầm nhìn phía Mỹ và hạn chế tối đa hỏa lực từ xe tăng M1 Abrams và xe bọc thép M2 Bradley. Nhưng những nỗ lực này dường như cũng không đem lại hiệu quả gì nhiều.
Kết thúc cuộc chiến, phía Mỹ chỉ ghi nhận duy nhất một binh lính trường hợp thiệt mạng, tổn hai 5 xe tăng M1 Abrams và 5 xe bọc thép M2 Bradley. Con số này của phía Iraq là gần 400 binh lính, 186 chiếc xe tăng (T-72, Type 69) và 127 chiếc xe bọc thép.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lương Minh