Một nguyên nhân khiến Trung Quốc không muốn máy bay trinh sát điện tử của Mỹ (như EP-3 của Hải quân Mỹ và RC-135 của Không quân Mỹ) tiến gần bờ biển nước này là để tránh việc để lộ những điểm yếu trong hệ thống phòng không nước này.
Trang mạng Strategy Page cho biết, hệ thống radar giám sát trên không và lực lượng phòng không của Trung Quốc thực tế là sự chắp vá thiết bị mới – cũ, chưa bao giờ có sự kết hợp chặt chẽ tạo thành hệ thống khả thi. Vì vậy, việc máy bay Mỹ tiến vào gần bờ biển nước này có thể tìm ra những lỗ hổng hệ thống kết hợp phòng không. Điều này đối với Trung Quốc là đặc biệt đáng lo ngại vì Mỹ là đồng minh với nhiều nước có mâu thuẫn không hề nhỏ với nước này, như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Đài Loan.
|
Máy bay do thám điện tử RC-135.
|
Đây là một trong những điểm yếu giúp mở đường cho chiến đấu cơ, máy bay ném bom chiến lược Mỹ đột kích, xuyên phá hệ thống phòng thủ Trung Quốc đánh sâu vào bên trong.
“Những lỗ hổng dọc theo bờ biển Trung Quốc sẽ cho phép không quân Mỹ vượt qua những chốt quan trọng như trung tâm chỉ huy và kiểm soát radar, tên lửa đất đối không của Trung Quốc. Từ đó máy bay của Mỹ sẽ phá hủy những điểm này trước khi tấn công vào những điểm quân sự nguy hiểm khác của Trung Quốc như tên lửa hành trình và các đơn vị tên lửa đạn đạo tầm ngắn”, Strategy Page cho biết.
Máy bay trinh sát EP-3 và RC-135 đang cũ dần và sẽ sớm được thay thế bằng máy bay không người lái, nhưng bây giờ nó vẫn là công cụ tốt nhất của Mỹ dùng để trinh sát tìm kiếm điểm yếu và lỗ hổng còn tồn tại trong khu vực bao phủ của radar và hệ thống phòng không của “kẻ thù” tiềm tàng. Với việc quân Mỹ rút khỏi Iraq và Afghanistan, sẽ có nhiều máy bay trinh sát điện tử của Mỹ có thể được chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực ven biển Trung Quốc.
|
Hệ thống phòng không Trung Quốc tồn tại nhiều "lỗ hổng".
|
“Dù vậy, tại vùng ven biển Trung Quốc tồn tại những nguy cơ va chạm rất lớn. Theo một số nguồn tin không chính thức, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ sử dụng máy bay đánh chặn ngăn cản trinh sát Mỹ trên không-hải phận quốc tế”, Strategypage cho biết.
Bài viết còn cho rằng, sau sự kiện va chạm giữa máy bay P-3 Mỹ và tiêm kích J-8 Trung Quốc tháng 4/2001, Trung Quốc đã từ bỏ xung đột khoảng cách gần này. Tuy nhiên, với tình hình phức tạp hiện nay ở Hoa Đông, Biển Đông, đã xuất hiện động thái cho thấy Trung Quốc quay lại kiểu xung đột khoảng cách gần.
Bằng Hữu