“Lộ” thêm radar cảnh giới tối tân của Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Bên cạnh loại "mắt thần" tối tân Nebo-UE, Vostock E, lực lượng radar cảnh giới của Việt Nam còn được trang bị hệ thống radar cảnh giới tầm thấp 36D6.

Để tổ quốc không bị bất ngờ trước bất kỳ mục tiêu nào lực lượng radar cảnh giới của Việt Nam đã được đầu tư trang bị những đài radar trinh sát tối tân nhất thế giới hiện nay.

Báo Quân đội nhân dân đưa tin, trong cuộc diễn tập thực binh ĐK-13 của trạm radar 53 (Trung đoàn 293, Sư đoàn Phòng không 361 Hà Nội) đã có sự xuất hiện làm nhiệm vụ của các trạm radar như: PRV-16, P-18 và 36D6.

Trong đó đài radar 36D6 (Tổ hợp Khoa học và Sản xuất ISKRA, Ukraine sản xuất) lần đầu được công khai một cách chính thức. Vậy đài 36D6 có những tính năng nổi bật nào để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới?

Đài 36D6 thuộc loại radar giám sát không phận được thiết kế để sử dụng như một phần của hệ thống phòng không tích hợp. Đài làm nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) nhỏ bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và nhiễu bị động mạnh.

Đây là một radar di động 3 tham số, hoạt động ở băng tần S với dải tần hoạt động từ 2700-2900 MHz. Đài 36D6 có thể hoạt động một cách độc lập trong vài trò giám sát không phận phát hiện địch – ta, các mục tiêu bay thấp và rất thấp. Đài 36D6 cung cấp tham số về mục tiêu cho các hệ thống tên lửa phòng không , hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa.

Đặc biệt, đài 36D6 là một thành phần quan trọng của hệ thống hỗ trợ điều khiển trong hệ thống phòng không tích hợp S-300PMU1/2, nơi nó hoạt động với vai trò là hệ thống trinh sát và nhắm mục tiêu cho tên lửa S-300PMU1/2.
Tháp an-ten và buồng điều khiển đặt trên xe rơ moó của đài radar 36D6.

Tháp an-ten và buồng điều khiển được đặt trên khung gầm xe rơ moóc KRAZ mang lại khả năng cơ động rất cao. An-ten có thể được đặt trên tháp 40B6M1 với chiều cao 23m để cải thiện khả năng bắt thấp và rất thấp của hệ thống. Mỗi đài 36D6 bao gồm 1 xe mang an-ten, buồng điều khiển cùng một xe phát điện.

Ưu điểm của đài 36D6 là có khả năng kháng nhiễu chủ động và nhiễu bị động rất cao. Mục tiêu  được xử lý qua thiết bị xử lý dữ liệu thô cho phép loại bỏ các mục tiêu giả trong môi trường lộn xộn. Tiếp đến bộ vi xử lý kỹ thuật số sẽ cho phép phát hiện mục tiêu một cách chính xác với đầy đủ 3 tham số. Radar có thể xử lý 120 mục tiêu cùng lúc, trong đó có 30-60  mục tiêu được xử lý trong chế độ tự động.

Các dữ liệu về mục tiêu được hiển thị trên màn hình dưới dạng ký tự số tạo thuận lợi cho ê kíp vận hành trong việc đọc dữ liệu về mục tiêu. Đài 36D6 có thể được điều khiển từ xa trong quá trình hoạt động, một hệ thống kiểm tra tích hợp sẽ cho phép phát hiện và loại bỏ các lỗi kỹ thuật của hệ thống.

Thông số kỹ thuật của hệ thống như sau:

- Với mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) 0.1m2

+ Mục tiêu bay ở độ cao 50m, phạm vi phát hiện không dưới 27km.
+ Mục tiêu bay ở độ cao 100m, phạm vi phát hiện 42km.
+ Mục tiêu bay ở độ cao 1.000-6.000m, phạm vi phát hiện không dưới 80km.

- Với mục tiêu có diện tích phản hồi radar 1m2

+ Mục tiêu bay ở độ cao 50m, phạm vi phát hiện 31km.
+ Mục tiêu bay ở độ cao 100m, phạm vi phát hiện 46km.
+ Mục tiêu bay ở độ cao trên 1.000m, phạm vi phát hiện từ 110-115km.
+ Mục tiêu bay ở độ cao 6.000- 18.000m, phạm phát hiện từ 147-175km.
Việt Nam đã có hệ thống phòng không tầm xa tích hợp tích hợp Favorit?

Trước đó có thông tin cho rằng, hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 của Việt Nam đã được nâng cấp lên chuẩn hệ thống phòng không tầm xa tích hợp Favorit. Trong đó đài 36D6 đảm nhiệm vai trinh sát và nhắm mục tiêu kết hợp cùng với bộ khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E2 để kết nối các hệ thống S-300PMU1 cùng với các hệ thống cũ như S-75 và S-125 để tạo nên mạng lưới phòng không tích hợp. Như vậy việc đài 36D6 có mặt trong biên chế  Sư đoàn 361 càng củng cố thêm thông tin nói trên.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Bình Đức