Lộ hành động tàn bạo của biệt kích SEAL ở Việt Nam

Google News

Biệt kích Hải quân Mỹ (SEAL) đã sang Việt Nam tham gia nhiều hoạt động quân sự đặc biệt, trong đó có chiến dịch Phượng Hoàng của CIA.

Trong số tất cả các lực lượng đặc nhiệm thuộc quân đội Mỹ, SEAL có thời gian huấn luyện lâu nhất và có lẽ cũng khắc nghiệt nhất. Lực lượng này đã tham gia 20 chiến dịch ở nước ngoài mà nổi bật nhất thời gian gần đây là Đinh ba Hải vương - tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011 ở Pakistan. Ngay trong năm thành lập - 1962, SEAL đã sang Việt Nam tham gia nhiều hoạt động quân sự đặc biệt, trong đó có chiến dịch Phượng Hoàng của CIA, với nhiều hành động dã man, tàn bạo.
Lo hanh dong tan bao cua biet kich SEAL o Viet Nam
Đội SEAL 1 trên thuyền tấn công xuôi dòng sông Hậu (ảnh chụp tháng 11/1967). Ảnh: J. D. Randall.
Đầu năm thành lập, cuối năm sang Việt Nam
Quan tâm tình hình Đông Nam Á, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhận ra sự cần thiết của chiến tranh phi truyền thống và các chiến dịch đặc biệt trong việc chống lại chiến tranh du kích. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 25/5/1961, Tổng thống Kennedy nói ông rất quan tâm, trân trọng các lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ. Trong bài phát biểu rất được quan tâm này (vì Tổng thống Kennedy công bố kế hoạch của chính phủ là đưa người lên Mặt trăng), ông cũng thông báo ý định chi hơn 100 triệu USD để tăng cường các lực lượng đặc nhiệm và nâng cao năng lực Mỹ trong chiến tranh phi truyền thống.
Tháng 3/1961, Arleigh Burke, chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ, đề xuất thành lập các đơn vị du kích và chống du kích, có khả năng hoạt động ở trên biển, trên không, trên đất liền. Đây chính là khởi đầu của SEAL hải quân. Tất cả thành viên SEAL đều đến từ các đội phá hủy dưới nước (UDT) của Hải quân Mỹ - những người giàu kinh nghiệm chiến tranh biệt kích trên bán đảo Triều Tiên. Hai đội đầu tiên được thành lập vào tháng 1/1962 và đồn trú trên bờ biển Mỹ: Đội 1 tại bang California và Đội 2 tại bang Virginia.
Do nhân sự hoàn toàn đến từ UDT nên nhiệm vụ của SEAL là tiến hành chiến tranh chống du kích và các chiến dịch bí mật trong môi trường biển, ven sông. Thành viên của các đội SEAL mới thành lập được huấn luyện trong các lĩnh vực phi truyền thống như, cận chiến tay không, nhảy dù từ trên cao, phá hủy, ngoại ngữ… Theo thành viên sáng lập đội SEAL Roy Boehm, những nhiệm vụ đầu tiên của SEAL là chống Cuba, gồm triển khai quân từ tàu ngầm, trinh sát bãi biển chuẩn bị cho kế hoạch đổ bộ. Có lần Boehm và một biệt kích SEAL khác đưa một nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lên bờ để chụp ảnh tên lửa của Liên Xô được dỡ xuống ở bến cảng.
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhận thấy Việt Nam là một điểm nóng tiềm tàng cho các lực lượng phi truyền thống. Đầu năm 1962, UDT bắt đầu khảo sát thủy văn, và cùng với các đơn vị khác của quân đội Mỹ, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam được thành lập. Tháng 3/1962, các thành viên SEAL được triển khai tới miền Nam Việt Nam với tư cách cố vấn phục vụ mục đích huấn luyện biệt kích của quân lực Việt Nam Cộng hòa theo đúng những phương pháp mà họ từng được đào tạo.
Lo hanh dong tan bao cua biet kich SEAL o Viet Nam-Hinh-2
Trung đội SEAL tên là “X-quang” chụp ảnh trên bến tàu gần tỉnh Bến Tre. Ảnh: National Archives’.
Những hành động tàn bạo
CIA bắt đầu sử dụng SEAL trong các chiến dịch bí mật hồi đầu năm 1963. Các thành viên SEAL tham gia Chiến dịch Phượng Hoàng do CIA tài trợ với mục đích bắt giam, ám sát các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nằm vùng, những người tuyển dụng, đào tạo cơ sở cộng sản ở miền Nam Việt Nam, những người ủng hộ Việt Cộng. SEAL làm việc với các đơn vị thám sát tỉnh gồm các tay súng địa phương để tìm diệt Việt Cộng. Họ có nhiều hành động tàn bạo, khiến nhiều người bị giết trong các cuộc bố ráp, truy lùng, đột kích, nhiều người bị hành hình tại chỗ, không qua xét xử.
Phía Mỹ thống kê, riêng năm 1969 có 19.534 người bị coi là Việt Cộng bị vô hiệu hóa, gồm 6.187 người bị giết, 8.515 người bị bắt, 4.832 người chiêu hồi. Phía Sài Gòn đưa ra con số cao hơn nhiều. Nhiều người bị gán là Việt Cộng sau khi bị sát hại. Theo báo cáo của Mỹ, 26.000 người bị gán là Việt Cộng bị giết trong giai đoạn 1968-1972.
Trong cuốn sách A Question of Torture: CIA Interrogation, from the Cold War to the War on Terror (Vấn đề tra tấn: Thẩm vấn của CIA, từ Chiến tranh lạnh tới cuộc chiến chống khủng bố) của Alfred McCoy xuất bản năm 2006, CIA đã sử dụng các biện pháp tra tấn một cách có hệ thống. Barton Osborn, một sĩ quan tình báo quân đội tham gia chiến dịch Phượng Hoàng, kể rằng, trong số hình thức tra tấn dã man có gí điện vào cơ quan sinh dục người bị hỏi cung, đóng đinh vào tai cho đến chết… Osborn tham gia chiến dịch suốt 18 tháng, nhưng không thấy người nào sống sót sau khi bị hỏi cung.
Lo hanh dong tan bao cua biet kich SEAL o Viet Nam-Hinh-3
 
Tối 25/2/1969, một toán biệt kích SEAL do trung úy Bob Kerry dẫn đầu tới ấp 5, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhóm biệt kích này dùng dao găm KA-BAR để cắt cổ ông Bùi Văn Vát (66 tuổi) và bà Lưu Thị Cảnh (62 tuổi). Ba đứa cháu nội của ông Vát (6 tuổi, 8 tuổi và 10 tuổi) trốn trong ống cống cũng không thoát. Biệt kích Mỹ lôi 3 cháu nhỏ ra, đâm chết 2 cháu gái và mổ bụng cháu trai. Sau đó, nhóm SEAL lùng sục hầm trú ẩn của các gia đình khác, bắn chết 15 dân thường, trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai, mổ bụng một bé gái.
Người duy nhất sống sót là một bé gái 12 tuổi, bị thương ở chân, tên là Bùi Thị Lượm. Vì SEAL thường dùng dao găm KA-BAR để giết người theo kiểu man rợ, nên KA-BAR được gọi là dao đồ tể. Năm 2001, New York Times và chương trình truyền hình Mỹ 60 Minutes II thực hiện các phóng sự về hành động của nhóm biệt kích do trung úy Bob Kerry dẫn đầu ở xã Thạnh Phong.
Đến tháng 4/2001, Bob Kerry (lúc đó là thượng nghị sĩ Mỹ) mới thú nhận tội ác của mình và các thành viên SEAL khác. Năm 2009, nhân ngày giỗ lần thứ 40 của các nạn nhân, gia đình ông Vát tặng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3, TPHCM) chiếc ống cống- nơi 3 cháu nhỏ trốn mà không thoát.
Lo hanh dong tan bao cua biet kich SEAL o Viet Nam-Hinh-4
Một lính biệt kích hải quân Mỹ ôm súng máy hạng nhẹ Stoner 63A Commando đang quan sát động tĩnh (ảnh chụp tháng 10/1968 ở Đồng bằng sông Cửu Long). Ảnh: National Archives. 
Vươn vòi bạch tuộc sang Lào, Campuchia
Ban đầu, SEAL được triển khai ở Đà Nẵng và vùng phụ cận, chuyên huấn luyện lính Việt Nam Cộng hòa lặn chiến đấu, phá hủy, chiến thuật du kích và chống du kích. Lính biệt kích Mỹ sơn mặt màu xanh lá cây để ngụy trang mỗi khi thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Khi chiến tranh tiếp diễn, SEAL được triển khai ở trong đặc khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TPHCM)- nơi họ có nhiệm vụ chặn đường tiếp tế và chuyển quân của đối phương. SEAL cũng được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long để hoàn thành các chiến dịch ven sông, chiến đấu trên đường thủy nội địa.
Tháng 2/1966, một biệt đội SEAL thuộc Đội 1 tới Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ hành động trực tiếp. Hoạt động từ khu vực Nhà Bè, trong đặc khu Rừng Sác, biệt đội này báo hiệu sự có mặt liên tục của tổng cộng 8 trung đội SEAL ở Việt Nam. SEAL cũng hoạt động với vai trò cố vấn cho các đơn vị thám sát tỉnh và người nhái của quân lực Việt Nam Cộng hòa. SEAL tiếp tục các hoạt động quấy phá ở miền Bắc Việt Nam và Lào, đồng thời bí mật xâm nhập Campuchia. Đội 2 bắt đầu triển khai thành viên SEAL hoạt động độc lập với lực lượng biệt kích của Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1967, một đơn vị SEAL tên là Det Bravo được thành lập, hoạt động hỗn hợp cả lính Mỹ và biệt kích Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, các đơn vị thám sát tỉnh lần lượt ra đời. Tính đến năm 1968, SEAL hoạt động theo nhóm nhỏ 6 người, 2 nhóm tạo thành 1 đội. SEAL thường phục kích ban đêm theo kiểu đánh nhanh rút gọn, nhưng cũng có lúc rầm rộ tấn công đối phương bằng thuyền và trực thăng. Choáng váng bởi cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Hải quân Mỹ phân tích rồi kết luận rằng, SEAL lẽ ra phải được huy động tốt hơn cho mục tiêu thu thập tin tức tình báo, thay vì chỉ chăm chăm phá hủy các mục tiêu của đối phương.
Theo tài liệu của Mỹ về lịch sử lực lượng biệt kích hải quân của nước này, trung đội SEAL cuối cùng rời Việt Nam ngày 7/12/1971. Cố vấn SEAL cuối cùng rời nước ta vào tháng 3/1973. Đến khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, có 48 biệt kích SEAL thiệt mạng ở Việt Nam, theo cuốn The Sheriff of Ramadi (Quận trưởng Ramadi) của cựu thành viên SEAL Dick Couch, do Viện Báo chí Hải quân Mỹ xuất bản năm 2008. Theo New York Times, SEAL thuộc những đơn vị được tặng thưởng huân huy chương nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam.
Nhóm biệt kích SEAL cắt cổ ông Bùi Văn Vát và bà Lưu Thị Cảnh, đâm chết 2 cháu gái và mổ bụng 1 cháu trai. Sau đó, chúng lùng sục hầm trú ẩn của các gia đình khác, bắn chết 15 dân thường, trong đó có 3 bà bầu, mổ bụng một bé gái.
Theo Tiền Phong