* Bài viết có tham khảo các cuốn sách Bách khoa tri thức toàn dân và Tri thức quân sự.
Máy bay ném bom chiến lược (hay còn được gọi là máy bay hạng nặng giai đoạn trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 *) là một trong 4 kiểu máy bay ném bom, được thiết kế dành cho các phi vụ tấn công tầm xa vào các mục tiêu chiến lược như các căn cứ hậu cần, cầu cống, nhà máy, xưởng đóng tàu và các thành phố với ý đồ gây ngăn cản nỗ lực chiến tranh của đối phương.
Máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên trên thế giới
Chiếc Sikorsky Ilya Muromets do công ty Russo-Baltic Wagon (Đế quốc Nga) chế tạo thành công năm 1913 được ghi nhận là máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên trong lịch sử thế giới. Hơn 85 chiếc đã được sản xuất trong giai đoạn 1913-1917, thực hiện 400 phi vụ và thả 65 tấn bom trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
|
Máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên trên thế giới chỉ mang được 500kg bom.
|
Oanh tạc cơ hạng nặng đầu tiên trên thế giới thiết kế với 2 tầng cánh: tầng trên dài 29,8m, tầng dưới là 21m, trọng lượng cất cánh tối đa 4,6 tấn. Máy bay trang bị 4 động cơ V8 148 mã lực/chiếc cho tốc độ bay 110km/h, hoạt động liên tục 5 tiếng với 300kg bom, trần bay 3.000m.
Trên máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên trong lịch sử thế giới được trang bị nhiều ụ súng máy (12,7mm, 15,3mm, 7,62mm) thậm chí là pháo 37mm để phòng thủ chống tiêm kích địch và mang được tối đa 500kg bom.
Máy bay ném bom chiến lược có sải cánh dài nhất thế giới
Oanh tạc cơ B-36 do Công ty Convair sản xuất là máy bay ném bom chiến lược cỡ lớn trang bị cho Không quân Mỹ và cũng là máy bay ném bom có sải cánh dài nhất thế giới – lên tới 70,10m.
Cánh của chiếc B-36 thật lớn ngay cả khi so sánh với những chiếc máy bay hiện đại, vượt hơn, ví dụ như, cả của chiếc C-5 Galaxy, và nó cho phép B-36 mang đủ nhiên liệu cho những chuyến bay rất dài mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Diện tích cánh lớn cho phép nó bay ở độ cao 12.000 m, bên trên tầm bay của những chiếc máy bay tiêm kích trong những năm 1940, dù là phản lực hay cánh quạt.
|
Máy bay ném bom chiến lược nhiều động cơ nhất thế giới.
|
Ngoài độ “khủng bá đạo” về cánh, hệ thống động lực của B-36 cũng thuộc hàng có “1-0-2”. Tất cả các phiên bản của B-36 trang bị 6 động cơ piston Pratt & Whitney R-4360 Wasp Major với cánh quạt đẩy sau thay vì đẩy trước khi máy bay cánh quạt truyền thống.
Bắt đầu từ phiên bản B-36D, Convair bổ sung thêm một cặp động cơ phản lực General Electric J47-19 trên mỗi bên cánh. Các động cơ phản lực giúp gia tăng đáng kể tính năng bay khi cất cánh và tốc độ lướt khi thả bom.
Trong chuyến bay đường trường thông thường, các động cơ phản lực được tắt bớt để tiết kiệm nhiên liệu. Do vậy, B-36 có đến mười động cơ, nhiều hơn bất kỳ kiểu máy bay sản xuất hàng loạt nào khác.
Đáng lưu ý, ngoài kỷ lục về sải cánh, động cơ, B-36 còn giữ kỷ lục là máy bay ném bom chiến lược đạt tầm bay xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới – tầm bay ước tính gần 11.000km.
Máy bay ném bom chiến lược phản lực đầu tiên trên thế giới
Không chỉ giành vị trí thiết kế tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới, người Đức cũng là tác giả của máy bay ném bom phản lực đầu tiên trong lịch sử loài người với mẫu Ar-234B-2 do Công ty Arado của Đức nghiên cứu chế tạo.
|
Máy bay ném bom phản lực Ar 234.
|
Oanh tạc cơ phản lực Ar 234 dài 12,64m, sải cánh 14,41m, cao 4,29m, trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Junmo 004B-1 và 2 pode rocket nhiên liệu lỏng HWK 109-500A-1 cho tốc độ tối đa 742km/h, tầm bay với 500kg bom là 1.556km.
Lượng bom tối đa mà máy bay ném bom Ar-234B-2 có thể mang theo là 1,5 tấn bom. Một số máy bay loại này còn được trang bị 2 khẩu pháo hàng không 20mm dùng để phòng vệ phía sau.
Máy bay ném bom chiến lược tốc độ siêu âm đầu tiên trên thế giới
Nói đến máy bay ném bom có khả năng đạt tốc độ siêu âm, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ ngay tới cái đầu tiên phải thuộc Liên Xô. Thực tế, Mỹ là quốc gia đi đầu trong phát triển các “quái vật” mang bom khổng lồ tốc độ siêu âm.
|
"Quái vật khổng lồ" B-58 phá vỡ bức tường âm thanh.
|
Ngày 11/11/1956, máy bay ném bom tầm trung cánh tam giác kiểu Hustler B-58 do Công ty Convair của Mỹ nghiên cứu chế tạo đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Đây là chiếc máy bay ném bom đạt tốc độ siêu âm đầu tiên trên thế giới.
B-58 có 4 động cơ tua bin phản lực, được lắp treo trên cánh. Phần dưới của thân máy bay có thể mang theo khoang vũ khí cỡ lớn, có thể mang theo bom hạt nhân cỡ l.000 kiloton, trọng lượng cất cánh tối đa 7 tấn, do 3 phi công điều khiển, tầm bay 4.850km.
Máy bay ném bom chiến lược đầu tiên trên thế giới có tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh
Với tốc độ hơn 2.000km/h, chiếc Tu-160 của Nga hiện nay được ghi nhận là máy bay ném bom nhanh nhất thế giới. Dẫu vậy, nếu so với chiếc XB-70 Valkyerie của Mỹ thì nó vẫn thua xa.
Với 6 động cơ tuốc bin phản lực có đốt tăng lực YJ93-GE-3, máy bay ném bom chiến lược XB-70 có thể đạt tốc độ cực đại 3.309km/h (gấp hơn 3 lần vận tốc âm thanh), tốc độ hành trình 3.200km/h.
|
May mắn cho Liên Xô khi XB-70 không bao giờ được biên chế.
|
XB-70 thiết kế áp dụng kiểu cánh tam giác có bố cục khí động học giống như một con vịt: Phần đầu máy bay nhọn, dài, hai bên phía trước lắp cánh kiểu cánh vịt hình tam giác tỷ lệ co nhỏ. Thân máy bay nhỏ, dài, dưới cánh có đường dẫn khí động và khoang động cơ, đuôi kép cụp xuống, có càng cất hạ cánh.
Trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ 17 ngày 14/10/1965, XB-70 đã đạt tốc độ Mach 3. Loại máy bay này chỉ được sản xuất 2 chiếc, chủ yếu dùng để nghiên cứu vấn đề khí động học và kêt cấu của máy bay ném bom khi bay với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh. Việc nghiên cứu bay thử kết thúc vào năm 1969.
Máy bay ném bom chiến lược động cơ cánh quạt nhanh nhất thế giới
Nếu như người Mỹ tạo ra máy bay ném bom động cơ phản lực nhanh nhất thế giới thì trong lĩnh vực phát triển máy bay ném bom dùng động cơ cánh quạt, Liên Xô giữ kỷ lục tạo ra thiết kế nhanh nhất thế giới. Không ai khác đó là máy bay ném bom Tu-95 (NATO định danh là Bear) - là thiết kế máy bay ném bom và mang tên lửa thành công nhất, có thời gian phục vụ lâu nhất của hãng Tupolev.
|
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Không quân Nga.
|
Với 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Kuznetsov NK-12MV (công suất 14.800 mã lực/chiếc), mỗi chiếc lại lắp 2 cánh quạt 4 lá quay ngược chiều nhau cung cấp tốc độ 925km/h - nhanh hơn cả máy bay tiêm kích phản lực những năm 1940-1950.
Bên cạnh đó, với hệ thống động lực như vậy, Tu-95 hiện cũng giữ kỷ lục là máy bay ném bom hạng nặng cấp chiến lược dùng động cơ cánh quạt duy nhất còn phục vụ trên thế giới.
Máy bay ném bom chiến lược có thời gian phục vụ lâu nhất
Thiết kế huyền thoại B-52 do Công ty Boeing sản xuất được trang bị cho không quân Mỹ là loại máy bay ném bom chiến lược có thâm niên lâu nhất trong lực lượng không quân của các nước trên thế giới hiện nay.
Máy bay ném bom B-52 được bắt đầu thiết kế tháng 10/1948. Tháng 4/1952 chiếc máy bay mẫu thực hiện chuyên bay thử đầu tiên, tháng 6/1955 bắt đầu trang bị cho quân đội, tháng 10/1962 ngừng sản xuất, tổng cộng có 744 chiếc được sản xuất.
|
Pháo đài bay B-52.
|
B-52 có sải cánh 56,39m, chiều dài 49,05m, cao 12,4m, trọng lượng 81 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 221 tấn, chở 27 tấn bom, tốc độ cực đại l.000km/h (ở độ cao 12.200m), tốc độ tuần hành từ 800-896km/h, tầm bay cực đại 16.090km, cự ly đường băng cất cánh 2.900m.
Từ khi được đưa vào phục vụ trong quân đội đến nay, B-52 có 8 loại cả nguyên mẫu và phiên bản cải tiến, trong đó có máy bay A-H; thiết bị trên máy bay và thiết bị điện tử bên trong không ngừng được cải tiến, ngoài bom hàng không, B-52 còn có thể mang theo tên lửa tuần hành AGM-86, tên lửa chống hạm Harpoon... thích ứng với yêu cầu mới đặt ra do sự thay đối về chức năng và nhiệm vụ của không quân Mỹ suốt hơn 40 năm qua.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 đã tham gia từ chiến tranh Việt Nam đến chiến tranh vùng Vịnh, là một trong những máy bay ném bom thiết kế thành công nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trong chiến tranh Việt Nam, dù hiện đại đến mấy, B-52 cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề.
* Máy bay ném bom hạng nặng là một lớp máy bay ném bom quân sự có kích thước lớn, mang được nhiều bom và tầm bay xa. Thuật ngữ này được sử dụng chủ yếu trước và trong thời gian xảy ra Chiến tranh Thế giới 2.
|
Máy bay ném bom hạng nặng B-29.
|
Sau CTTG 2, thuật ngữ này được sử dụng giới hạn để miêu tả những máy bay ném bom dành cho vai trò chiến lược, nhưng chăng bao lâu sau nó đã được sử dụng để chỉ những máy bay ném bom chiến lược, trong khi những thiết kế khác trở thành máy bay ném bom chiến thuật.
Đại Dương