Truyền thông Nga ngày 17/4 cho hay, Pakistan có thể tạm thời từ bỏ hợp đồng trị giá 1,4 tỷ USD mua 36 máy bay chiến đấu J-10B của Trung Quốc được ký năm 2009. Lý do Pakistan hoãn mua máy bay J-10B của Trung Quốc chủ yếu là bị hạn chế bới các điều kiện vay vốn của IMF đối với Pakistan.
Chuyên gia quân sự Pakistan ông Kaiser Tufail cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn không cho phép Pakistan thực hiện việc mua vũ khí mới trong vòng 2-3 năm tới. Điều kiện vay vốn mà tổ chức IMF đưa ra rất nghiêm ngặt, hạn chế lớn đến chi phí chính phủ, bao gồm cả chi tiêu quốc phòng. Ông này cũng cho biết, tháng 9/2013 đoàn đại biểu cấp cao quân sự Trung Quốc đã có chuyến thăm Pakistan và bàn luận về vấn đề hợp đồng chưa được hai bên giải quyết.
|
Tiêm kích đa năng thế hệ 4 J-10B.
|
J-10B là biến thể cải tiến tiêm kích đa năng thế hệ 4 J-10A do Trung Quốc sản xuất dựa trên việc học hỏi công nghệ tiêm kích IAI Lavi của Israel hay F-16 của Mỹ thông qua Pakistan.
Mẫu thử nghiệm J-10B xuất hiện lần đầu vào năm 2009, tới thời điểm hiện tại thì J-10B dường như đã đi vào sản xuất loạt trang bị cho Không quân Trung Quốc. So với J-10A, J-10B được cải tiến nhiều về khung thân, đặc biệt là thiết kế cửa hút khí tăng lực động cơ cho phép máy bay đạt sự an toàn cao khi bay tốc độ lớn.
Ngoài ra, J-10B được cho là nâng cấp nhiều về hệ thống điện tử hàng không với hệ thống trinh sát – theo dõi hồng ngoại, hệ thống radar mạng pha chủ động, hệ thống tác chiến điện tử tối tân hơn J-10A.
Về vấn đề động cơ – “điểm yếu chí tử” của công nghiệp hàng không Trung Quốc, lâu nay hầu hết các máy bay J-10A, J-11 thậm chí là cả J-20 đều đang sử dụng động cơ AL-31F/FN của Nga. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì ít nhất một mẫu thử J-10B đang thử nghiệm động cơ phản lực nội địa WS-10A. Dù vậy, vẫn chưa rõ là liệu lô sản xuất loạt J-10B dùng WS-10A hay AL-31F.
Mặc dù khả năng rất cao, Pakistan sẽ tạm hoãn hoàn toàn mua J-10B nhưng chuyên gia Trung Quốc tin là mẫu máy bay có giá 50-60 triệu USD như J-10B có thể thu hút được các quốc gia khác như Venezuela, Argentina, Peru, Malaysia, Indonesia.
Bằng Hữu