Theo báo Quân đội Nhân dân, sáng 17/4, tại Đà Nẵng, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã tổ chức Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ (MBĐC) năm 2013 cho 80 đồng chí là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Kỹ thuật, trưởng ban, trợ lý MBĐC các đơn vị không quân, Học viện Phòng không – Không quân, Trường Sĩ quan Không quân, Giám đốc, Phó Giám đốc kỹ thuật các nhà máy sửa chữa Kỹ thuật hàng không A32, A42, A41, A45.
Trong thời gian hai ngày tập huấn, các học viên được giới thiệu về vũ khí trang bị mới như máy bay CASA-212, L-410, DH-6, EC-255; thống nhất cách tính hệ số kỹ thuật, cách đăng ký ghi chép hồ sơ, lý lịch của Kỹ thuật hàng không khi xuất xưởng tại nhà máy và trong quá trình khai thác sử dụng tại đơn vị; thống nhất các loại mẫu biểu, nội dung và các qui định của báo cáo kỹ thuật chuyên ngành MBĐC trong toàn Quân chủng; tham quan thực tế dây chuyền sửa chữa máy bay của Nhà máy A32.
|
Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ. |
Điều đặc biệt là trong số những loại máy bay mà các học viên được giới thiệu tại Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ có sự xuất hiện của cái tên L-410 – một loại máy bay vận tải hạng nhẹ do Cộng hòa Czech chế tạo chưa bao giờ phục vụ trong quân đội ta.
Việc L-410 xuất hiện trong danh sách vũ khí trang bị mới mà các học viện của trường không quân, nhà máy hàng không quân sự cho thấy, có thể trong tương lai gần L-410 sẽ có mặt trong Không quân Nhân dân Việt Nam. Hay dễ hiểu hơn là chúng ta có thể đã ký mua máy bay L-410.
L-410 có "tên họ" đầy đủ là L-410 Turbolet - máy bay vận tải 2 động cơ tầm ngắn do nhà sản xuất LET Cộng hòa Czech nghiên cứu phát triển và được sản xuất từ 1971 tới tận ngày nay. Hiện, có khoảng 1.000 chiếc phục vụ rộng rãi trong lĩnh vực dân sự, quân sự ở khoảng 9-10 quốc gia trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, có Philippines đang sử dụng L-410 cho hoạt động bay chở khách.
|
Vận tải cơ hạng nhẹ L-410 Turbolet phục vụ trong Không quân Nga.
|
L-410 Turbolet dài 14,42m, cao 5,83m, sải cánh 19,48m, trọng lượng cất cánh tối đa 6,4 tấn, máy bay có tải trọng 1,6 tấn hàng hóa hoặc chở 19 người. Máy bay được trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt Walter M601E cho phép đạt tốc độ tối đa 380km/h ở trần bay 4,2km hoặc tốc độ hành trình 365km, tầm bay tới gần 1.400km.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa trang bị máy bay không quân đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Chúng ta đã có hợp đồng lớn mua tiêm kích đa năng Su-27SK, Su-30MK2 và một số máy bay trinh sát biển. Đối với lực lượng không quân vận tải cũng đang bước đầu hiện đại hóa.
Gần đây, đã có thông tin việc Việt Nam bày tỏ quan tâm tới loại máy bay vận tải hạng trung CN295 do Công ty PT Dirgantara Indonesia và hãng Airbus Military hợp tác sản xuất.
“Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh có kế hoạch gửi một phái đoàn không quân đến để nghiên cứu ngành công nghiệp hàng không Indonesia và tìm hiểu thêm về CN295”, hãng tin Antara Indonesia viết. PT Dirgantara hy vọng Việt Nam sẽ đặt hàng mua 3 vận tải cơ CN295.
Hoàng Lê