Theo trang mạng Strategypage, có thể một chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào Syria sắp diễn ra. Mỹ, như cách họ vẫn làm, là “kẻ đi tiên phong” cho các cuộc tấn công. Vấn đề là người Mỹ sẽ thực hiện tấn công như thế nào trước những đe dọa không nhỏ từ hệ thống phòng không dày đặc và nhiều bí ẩn của Syria?
Có lẽ người Mỹ đã rút ra được nhiều điều quý giá từ đồng minh thân cận nhất của mình tại Trung Đông, Israel. Chỉ tính trong năm nay, máy bay chiến đấu của Không quân Israel đã thực hiện tới 5 vụ tấn công vào lãnh thổ Syria mà không gặp bất cứ tổn thất gì.
|
Lưới phòng không Syria tuy tồn tại điểm yếu nhưng vẫn khiến Mỹ phải lo ngại.
|
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thành công đó là các máy bay Israel đã sử dụng vũ khí tầm xa chính xác cao, họ không cần phải mạo hiểm xâm nhập không phận Syria mà chỉ cần bay ở khu vực biên giới để tấn công. Và gần như chắc chắn, Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự trong chiến dịch tại Syria.
Với Mỹ, để thực hiện chiến thuật tấn công từ xa là không mấy khó khăn nếu không muốn nói là dễ dàng. Kho vũ khí của họ chứa đầy bom liệng có điều khiển và tên lửa hành trình.
Một trong những loại vũ khí mà Mỹ có thể sử dụng trong chiến dịch không kích Syria là các loại bom thông minh. Những quả bom trang bị thêm bộ dẫn đường vệ tinh hiện đại giúp nó đạt độ chính xác cực cao. Thậm chí, một số bom còn gắn thêm cánh để bay như tên lửa mà không cần động cơ.
Đầu tiên là bom JDAM (Joint Direct Attack Munition), tuy không phải là vũ khí mới nhưng là loại bom câm "thông minh" hơn. JDAM mang những đặc điểm của một loại bom tiêu chuẩn, sử dụng những cánh vây điều khiển và hệ thống định vị GPS để tấn công mục tiêu chính xác với bán kính lệch mục tiêu 13m, có khối lượng từ 226-900 kg. Mức giá của bom JDAM khá rẻ, chỉ khoảng 26.000 USD.
|
Bom thông minh JDAM.
|
Tiếp theo là bom liệng JSOW (Joint Standoff Weapon), được phát triển từ JDAM có gắn thêm cánh lái lớn và bộ dẫn đường hiệu quả hơn. Những trái bom JSOW có tầm hoạt động từ 22-130km.
JSOW sử dụng hệ dẫn quán tính (INS) kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) phát hiện mục tiêu từ xa. Chúng hiệu quả hơn trong việc tấn công các mục tiêu di động, tầm hoạt động cũng lớn hơn. Hiện nay, JSOW có giá khá đắt, 460.000 USD/quả.
Hai dòng bom trên đều đang được Mỹ phát triển biến thể nâng cấp mang tên JDAM-ER và JSOW-ER. Chữ ER là viết tắt của từ Extended Range dịch ra là tăng tầm.
|
Bom liệng thông minh JSOW-ER.
|
Thứ ba là tên lửa không đối đất AGM-158 JASSM (Joint Air-to-Surface Standoff Missile) có chiều dài gần 4 m, trọng lượng 1 tấn có khả năng tiêu diệt hầm hào bê tông vững chắc. Chúng có giá từ 500.000 USD (biến thể có tầm bắn 400km) tới 930.000 USD/quả (đối với biến thể JASSM-ER tăng tầm lên 900km).
Tên lửa AGM-158 JASSM có trọng lượng tổng thể 1.045 kg với phần đầu nổ 455 kg cùng động cơ phản lực. Loại tên lửa này được trang bị module chống cướp quyền điều khiển và có khả năng chọc thủng trận địa phòng không, tấn công các mục tiêu được bảo vệ kỹ càng của đối phương.
Chúng là kình địch với các hệ thông phòng không tiên tiến như S-300 vì khả năng bay xa, ở độ cao thấp, độ bộc lộ trước sóng radar tương đối nhỏ, máy thu GPS có khả năng chống nhiễu và đầu tự dẫn hồng ngoại khiến chỉ số bán kính lệch mục tiêu nhỏ hơn 3m.
|
Tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM.
|
Ngoài ra, họ vũ khí này còn có biến thể bom JDAM cỡ đường kính nhỏ, có giá 75.000 USD/quả. Bom được trang bị cho quân đội Mỹ từ tháng 9/2006. Biến thể được đưa vào trang bị đầu tiên cho Quân đội Mỹ là GBU-39/B. Bom có trọng lượng khá nhỏ, chỉ 130 kg, đường kính gần 190 mm, chiều dài gần 1,8m.
Bom có khả năng tiêu diệt khá chính xác các loại mục tiêu với sai số vòng tròn xác suất là 5-8m nhờ bộ dẫn GPS và các kênh quán tính. Tuy nhiên, chúng chủ yếu dùng để tiêu diệt các hầm hào, công sự bê tông và các mục tiêu vô cùng kiên cố. Trái bom có thể xuyên qua gần 3m bê tông tiêu chuẩn để đưa một đầu đạn 17kg vào bên trong. Tầm bay của bom từ máy bay phóng tới mục tiêu có thể đạt 110km.
Thế hệ tiếp theo của bom này là SDB II (GBU-40 của Boeing hay GBU-53 của Raytheon) có thêm hệ thống nhận dạng mục tiêu và cảm biến ảnh nhiệt, cho phép bom tiêu diệt cơ động như xe tăng và các phương tiện kỹ thuật mặt đất khác, trong thời tiết xấu.
GBU-53 có kênh truyền dữ liệu mã hóa liên lạc với các hệ thống của không quân (Link 16) cho phép tiêu diệt mục tiêu động. Kênh liên lạc đó cho phép điều khiển chuyển động của bom SDB nhờ mạng máy tính trên khoang. Bom thế hệ SDB II có giá khoảng 90.000 USD/quả.
|
Bom đường kính nhỏ lắp trên máy bay tiêm kích.
|
SDB có thể trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress, B-1 Lancer, B-2 Spirit; tiêm kích F-15E Strike Eagle, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor, F-35 Lightning II, cũng như cường kích A-10 Thunderbolt II.
Chúng được xếp trên các giá bom chuyên dụng BRU-61/A chứa 4 quả bom này. Một “bó bom 4 quả” như vậy chiếm gắn một vị trí trên mấu treo trong khoang vũ khí hoặc trên giá treo ngoài cánh (tiêm kích).
Trang mạng Strategypage nhận định, với các loại vũ khí tầm xa chính xác, Mỹ có khả năng tấn công trực tiếp vào hệ thống phòng không, không quân hùng hậu và các mục tiêu trọng yếu như các kho vũ khí hóa học của Syria mà vẫn đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng của mình. Cuộc tấn công có thể kéo dài trong vài ngày.
Những đánh giá về kết quả và hiệu quả của cuộc tấn công sẽ được xác nhận bởi các máy bay trinh sát và vệ tinh. Mục tiêu của chiến dịch đường không rõ ràng là để bẻ gãy “nanh vuốt” vũ trang, làm tê liệt hoàn toàn khả năng kháng cự và “trả đũa” của chính quyền tổng thống Bashar al-Assad.
Theo đánh giá của phương Tây thì Syria rất ít có cơ hội để chống lại một cuộc tấn công bằng các vũ khí tầm xa hiện đại như vậy. Ngay cả việc họ gây nhiễu hệ thống GPS cũng khó có tác dụng, Mỹ là bậc thầy của chiến tranh điện tử, hơn nữa các đầu thu tín hiệu GPS trên bom lượn và tên lửa đều được nâng cấp khả năng chống nhiễu tốt và cho dù chúng không hoạt động thì vẫn còn những hệ thống dẫn đường thay thế như hệ dẫn quán tính INS.
Anh Trần