“Khám” sức khỏe đối thủ 22DDH đe dọa tàu ngầm TQ

Google News

(Kiến Thức) - Tàu chở trực thăng tương lai của Nhật Bản 22DDH được xem là “mối đe dọa” lớn đối với hạm đội tàu ngầm hùng hậu của Trung Quốc. 

Ngày 23/11/2009, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo kế hoạch đóng mới tàu chở trực thăng 22DDH. Dự kiến, phải tới tháng 3/2015 thì chiếc tàu đầu tiên mang số hiệu DDH-183 mới hoàn thiện và sẵn sàng gia nhập lực lượng Phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF). 

Khi chính thức có mặt trong JMSDF, DDH-183 sẽ chính thức soán ngôi tàu chở trực thăng lớp Hyuga trở thành tàu chiến lớn nhất JMSDF.

Hiểm họa với tàu ngầm Trung Quốc

Tàu chở trực thăng 22DDH được thiết kế cho mục đích chủ yếu là chống tàu ngầm và đối phó thảm họa thiên nhiên khi cần. 

Theo những thông tin ban đầu, 22DDH có lượng giãn nước lên tới 27.000-28.000 tấn (toàn tải), chiều dài tổng thể 248m, rộng 38m, mớn nước 7m. Với kích cỡ này, 22DDH có chiều dài vượt cả tàu sân bay hạng nhẹ mới nhất Cavour của Italia (dài 244m), lượng giãn nước tương đương. 

Hình ảnh mô phỏng tàu chở trực thăng 22DDH.

Hỏa lực phòng không của 22DDH được cho là gồm tổ hợp phòng không tầm gần Phalanx và tổ hợp tên lửa đối không tầm gần SeaRAM. Với vũ khí như vậy nên khi hoạt động 22DDH cần đội tàu hộ tống hùng hậu để chống lại mối đe dọa trên biển. 

Theo thông báo chính thức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, 22DDH có khả năng chở 9 trực thăng trên boong và 14 trực thăng trong kho chứa. Boong máy bay của tàu có thể cho phép 5 trực thăng cất hạ cánh cùng lúc. 

Phi đội trực thăng trên 22DDH có thể gồm các loại như:

- Trực thăng săn tàu ngầm SH-60J do Tập đoàn Misubishi sản xuất trong nước theo giấy phép của Mỹ. SH-60J có khả năng mang 2 ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk46 (tầm bắn 11km, xuyên sâu xuống mặt nước 365m). 


Trực thăng săn ngầm SH-60J của quân phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF).

- Trực thăng rà phá thủy lôi MCH-101 do Tập đoàn Kawasaki sản xuất trong nước theo giấy phép của Italia. MCH-101 ngoài vai trò đảm nhiệm rà phá thủy lôi thì có thể mang 4 ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ có tầm bắn 10km. 

- Trực thăng rà  phá thủy lôi MH-53E. 

- Trực thăng vận tải hạng nặng CH-47J (tối đa 15 chiếc) thực hiện vai trò chiến đấu đổ bộ đường không. 

Với phi đội máy bay săn ngầm và rà phá thủy lôi trên 22DDH, lực lượng tàu chiến Nhật Bản có thể tạm yên tâm khi phải đối đầu với hạm đội tàu ngầm hùng hậu của Trung Quốc.

Tạp chí “Tàu thủy thế giới” nhận định, với hệ thống định vị thủy âm có độ nhạy cao của 22DDH và khả năng tác chiến tầm xa của trực thăng kết hợp với nhau sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả lực lượng tàu ngầm đối phương, đảm bảo cho hạm đội tàu chiến quân phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF) hoạt động an toàn ở vùng biển trong phạm vi 300 dặm. 

Còn theo Want Daily thì 22DDH sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các tàu ngầm Trung Quốc nếu xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. 

Trở thành tàu sân bay thực thụ?

Mới đây, Want Daily trích dẫn tờ Duowei News cho hay, sau khi ký kết hợp đồng mua tiêm kích tàng hình F-35 Lighting II từ Mỹ, tàu chở trực thăng 22DDH đang chế tạo có thể được sửa đổi để biến thành tàu sân bay hoàn chỉnh. 

Mặc dù diện tích boong phóng máy bay của 22DDH có thể là không đủ để cất cánh máy bay và nó cũng không có hệ thống máy phóng. Nhưng với tiêm kích cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng (STVOL) F-35B hoàn toàn có khả năng cất cánh từ các loại tàu chở trực thăng hoặc tàu đổ bộ tấn công đa năng. Và 22DDH cũng không là ngoại lệ. 


Hình ảnh đã qua xử lý mô phỏng tiêm kích F-35 cất cánh trên tàu 22DDH.

Nếu điều này trở thành hiện nay, khả năng của 22DDH không còn nằm giới hạn trong vai trò phòng thủ mà có thể có sức mạnh tấn công mạnh mẽ với tiêm kích tối tân F-35.

Tuy nhiên, theo biên tập viên Andrei Chang của Tạp chí Khán Hòa (ở Canada) thì khoang chứa trong thân tàu 22DDH không thể đủ chỗ chứa cho hơn một chiếc F-35. 

Hiện chính giới Nhật Bản cũng chưa đưa ra thông tin xác nhận sửa đổi tàu 22DDH. Ngoài ra, Nhật Bản còn có những ràng buộc pháp lý trong Hiến pháp Nhật Bản mà theo đó việc phát triển tàu sân bay mục đích tấn công là không được phép. 

ĐANG ĐỌC NHIỀU: 
TIN LIÊN QUAN: 



Hoàng Lê