Khám phá tính năng “khủng” của tàu chiến Pháp tới VN

Google News

(Kiến Thức) - Tàu đổ bộ hiện đại Mistral tới Việt Nam thiết kế đảm nhiệm nhiều vai trò, ít có lớp tàu nào trên thế giới có khả năng như vậy.

Chỉ ít ngày sau chuyến thăm tàu tuần tra tàng hình tối tân tới cảng Hải Phòng, từ ngày 18-21/6, 2 tàu chiến của Hải quân Pháp sẽ tiếp tục tới thăm Việt Nam. Một trong 2 tàu này là tàu đổ bộ hiện đại hàng đầu châu Âu mang tên Tonnerre (L9014) sẽ tới cảng Vũng Tàu.

Chiếc Tonnerre (L9014) thuộc lớp tàu Mistral do Tập đoàn sản xuất vũ khí Thales và Chantiers de l'Atlantique hợp tác thiết kế chế tạo theo đơn đặt hàng của Hải quân Pháp. Tàu được đóng tại hai nhà máy Arsenal de Brest và Chantiers de Saint-Nazaire.

Tàu đổ bộ lớp Mistral khá đồ sộ, với chiều dài 199m, chiều rộng 32m, mớn nước 6,2m, lượng giãn nước toàn tải lên tới 21.300 tấn. Con tàu tuy được thiết kế chính cho nhiệm vụ đổ bộ (bằng đường không, đường biển), nhưng vẫn có thể đảm nhiệm vai trò chỉ huy và là tàu bệnh viện cỡ lớn.
Tàu đổ bộ đa năng Tonnerre (L9014) của Hải quân Pháp.

Để làm nhiệm vụ đổ bộ, tàu thiết kế sân bay có diện tích 6.400m2 với 6 sàn cất hạ cánh trực thăng. Tàu có thể mang theo 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ, tiếp nhận nhiều loại trực thăng gồm: NH90, Tiger, Puma, Écureuil hay Panther.

Ở đuôi tàu bố trí khoang chứa có thể làm ngập nước, phục vụ việc hoạt động của tàu đổ bộ đệm khí, tàu đổ bộ thường. Khoang này có diện tích 885m2 cho phép triển khai 4 tàu đổ bộ thông thường loại CMT, hoặc 2 đổ bộ đệm khí LCAC. Khoang tàu có thể chứa tiểu đoàn 40 xe tăng Leclerc hoặc một đại đội 13 xe Leclerv và 46 xe bọc thép lội nước.

Ngoài khả năng chở phương tiện cơ giới, Mistral có thể vận chuyển 450 binh lính cùng hàng hóa hậu cần đủ trang bị cho số quân này trong vòng 45 ngày, hoặc có thể tăng gấp đôi sức vận chuyển lên 900 quân với các chiến dịch diễn ra trong thời gian ngắn.

Trong chiến dịch đổ bộ lực lượng quy mô lớn lên bờ, với sự yểm hộ và dọn bãi hỏa lực kỹ lượng từ đơn vị bạn. Các máy bay trực thăng từ tàu Mistral sẽ cất cánh áp chế hỏa lực phòng thủ bờ biển, đổ bộ quân đặc nhiệm lên bờ. Sau đó, xe bọc thép lội nước hạng nhẹ rời tàu Mistral tiến vào bờ, trong khi các xe tăng được vận chuyển bằng tàu đổ bộ vào bờ.
Hai tàu đổ bộ cỡ nhỏ chứa trong khoang đáy tàu Tonnerre (L9014).

Theo đánh giá, với chiến dịch đổ bộ quy mô lớn Mistral chỉ mất chừng 40 phút thực hiện. Đây là tốc độ cực nhanh, ngay cả lực lượng hải quân hàng đầu châu Âu – Nga cũng phải mất tới 26 giờ để hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ trong chiến dịch ở Gruzia 2008.

Ngoài vai trò thực hiện nhiệm vụ đổ bộ đường biển, Mistral có thể dùng làm tàu chỉ huy với trung tâm chỉ huy rộng 850m2 và tiếp nhận cùng lúc 150 nhân viên.

Thông tin từ các thiết bị trinh sát của tàu được tập trung vào hệ thống thông tin chiến thuật SENIT 9. Hệ thống này trang bị radar MRR3D-NG của hãng Thales, hoạt động trên băng tần C và tích hợp khả năng IFF (nhận dạng ta, địch). SENIT 9 cũng được liên kết với các định dạng trao đổi dữ liệu của NATO thông qua các thiết bị kết nối.

Trong chế độ giám sát bề mặt, đài radar MRR-3D NG có thể phát hiện các mục tiêu tầm thấp và trung bình ở khoảng cách tới 140km và ở khoảng cách 180km trong chế độ cảnh giới không gian 3 chiều tầm xa. Trong chế độ tự vệ, nó có thể phát hiện và theo dõi mối đe dọa bất kỳ trong vòng bán kính 60km.

Về thông tin liên lạc, tàu Mistral dùng hệ thống vệ tinh Thales Syracuse III, chúng đảm bảo cung cấp 45% lượng thông tin liên lạc tần số siêu cao của NATO.

Chức năng thứ 3 của tàu Mistral là thực hiện nhiệm vụ của tàu bệnh viện. Bệnh viện trên tàu được đánh giá có qui mô tương đương quân y viện cấp quân đoàn, hoặc một bệnh viện đa khoa cho 250.000 dân, với 69 giường bệnh và các phương tiện y tế hiện đại. Điều này mang đến cho tàu những khả năng mới, cả trong nhiệm vụ quân sự và dân sự.
Tàu lớp Mistral đạt tốc độ tối đa 35km/h.

Hệ thống động lực của tàu gồm 3 máy phát điện diesel 16V32 và một máy phát 18V200 cho phép di chuyển con tàu khổng lồ với vận tốc tối đa 35km/h, tầm hoạt động gần 20.000km.

Mistral là tàu đổ bộ đầu tiên của Hải quân Pháp mà toàn bộ hệ thống đều chạy hoàn toàn bằng điện. Tàu được trang bị 2 bộ dẫn động phương vị điện Alastom có khả năng thích ứng với bất kỳ góc độ nào. Công nghệ dẫn động này tạo cho các tàu có khả năng linh hoạt cao hơn, cũng như giải phóng không gian thông thường dành cho máy móc và các trục chân vịt.

Về hệ thống phòng vệ, tàu được trang bị hỏa lực nhẹ gồm: 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad (tầm bắn xa hơn 6km), 2 tổ hợp pháo cao tốc 30mm và 4 súng máy M2-HB Browning 12,7mm. Các loại vũ khí này hữu hiệu với mục tiêu bay thấp (tên lửa hành trình, máy bay), thậm chí có thể dùng để tiêu diệt tàu cỡ nhỏ, yểm trợ hỏa lực quân đổ bộ đường biển.

Tàu được thiết kế hợp lí, với khả năng hoạt động rất đa năng. Khi Quân đội Nga đặt mua tàu Mistral, Tổng Tham mưu trưởng Nikolai Makarov đã nhận xét: “Chúng ta không có loại tàu giống như tàu Mistral. Các tàu đổ bộ lớn nhất của chúng ta bé hơn tàu Mistral 3-4 lần. Đây không chỉ là tàu đổ bộ, mà tính năng của tàu cho thấy đây vừa là tàu sân bay trực thăng, vừa là tàu chỉ huy, vừa là tàu bệnh viện và đơn giản là tàu vận tải. Và cũng thật dễ dàng để tăng cường cho nó bất kì chức năng mới nào trong một thời gian ngắn”.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lương Minh