Việt Nam đóng 10 tàu tên lửa Molnya
Flotprom dẫn lời Tổng Giám đốc Nhà máy đóng tàu Vympel Oleg Belkov cho hay, tàu tên lửa lớp Molnya Project 12418 được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga sẽ được chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam vào cuối năm 2013.
“Chiếc thứ 2 đang trong xưởng và chúng tôi đang chuẩn bị đóng chiếc thứ 3”, ông Oleg Belkov cho hay.
Cũng theo ông này, nhà máy đóng tàu Vympel đang giúp đỡ Việt Nam đóng các tàu tên lửa lớp Molnya Project 12418. Toàn bộ quá trình đóng tàu đều được các kỹ sư của Cục thiết kế biển trung tâm Almaz từ Saint Peteburg và nhà máy đóng tàu Vympel giám sát về mặt kỹ thuật.
|
Hiện Việt Nam đã có 2 tàu tên lửa Molnya Project 1241.8 mua năm 2003.
|
“Việt Nam dự định đóng 10 chiếc tàu loại này, 6 trong số 10 chiếc này đã được ký hợp đồng đóng với Nga”, ông Belkov cho hay.
Quá trình cung cấp thiết bị (phụ tùng, linh kiện) để đóng tàu cho phía Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 2010 trong khuôn khổ một bản hợp đồng trị giá 30 triệu USD, và sẽ kéo dài đến năm 2016.
Trước đó, theo báo Quân đội Nhân dân, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức ký hợp đồng với Công ty đóng tàu Hồng Hà và nhà máy Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng mới tàu pháo TT400TP và tàu tên lửa Project 12418 vào ngày 8/10/2012.
Hai tàu này nằm trong chương trình trang bị tiếp theo cho Quân chủng Hải quân để nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ Quốc. Và góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân tiến lên cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới.
Sức mạnh tàu tên lửa Molnya Project 12418
Tàu tên lửa Molnya Project 12418 được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương.
Molnya có lượng giãn nước toàn tải 510 tấn, dài 56,9m, rộng 10,20m, mới nước (toàn tải) 2,5m. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Tuy tàu chỉ có kích cỡ nhỏ, nhưng hỏa lực con tàu đủ sức đánh chìm những chiến hạm lớn hơn nó gấp nhiều lần. Cụ thể, Molnya được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu.
|
Bệ phóng tên lửa Uran trên tàu tên lửa Molnya Project 12418. |
Hệ thống Kh-35 Uran-E được trang bị đạn tên lửa 3M-24E nặng 520kg, lắp phần chiến đấu nặng 145kg. Tên lửa trang bị 2 tầng động cơ: động cơ khởi tốc (đưa tên lửa rời bệ phóng) và động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy (trong hành trình bay). Tên lửa có thể đạt tầm bắn tối đa 130km, tốc độ bay cận âm.
Tên lửa được dẫn đường bằng hệ định vị quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-35E pha cuối (tức là khi cách mục tiêu 20km, radar trên tên lửa kích hoạt tự tìm, phát hiện, khóa mục tiêu tấn công).
Theo quảng cáo của Tập đoàn Tên lửa Chiến dịch – Chiến thuật (nhà sản xuất tên lửa Kh-35) thì, loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn.
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molnya trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm dùng để tiêu diệt mục tiêu tầm gần trên biển, hoặc khi cần pháo có thể bắn mục tiêu trên không. Pháo AK-176M đạt tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn 15km.
Hệ thống phòng không bảo vệ tàu trước các mối đe dọa trên không gồm: 2 pháo cao tốc AK-630M 6 nòng cỡ 30mm (tốc độ bắn 4.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 5km); 12 tên lửa đối không tầm thấp Igla.
Về thiết bị điện tử, tàu Molnya được trang bị hệ thống radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không và trên biển. Radar có một số tính năng gồm: phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1km từ cự ly 110km; phát hiện tên lửa chống tàu có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay độ cao 15m ở cự ly 15km; theo dõi 15 mục tiêu đồng thời và khóa 3-5 mục tiêu cùng lúc.
Ngoài ra, tàu còn trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống điều khiển hỏa lực (pháo, tên lửa), hệ thống đối phó điện tử…
Tàu tên lửa Molnya trang bị 2 động cơ tuốc bin khí cho phép đạt tốc độ tối đa tới 32 hải lý/h. Tàu có thể hoạt động trong điều kiện biển động cấp 7-8 nếu giảm tốc độ chạy.
Với 12 tàu tên lửa Molnya, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể sức mạnh giúp bảo vệ vững chắc biển đảo, nhất là quần đảo Trường Sa.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hoàng Lê