Theo National Interest, kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, Mỹ đã chế tạo nhiều máy bay chiến đấu xuất sắc như P-51 Mustang, F4U Corsair, F-86 Sabre, F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F-22 Raptor.
Tuy nhiên, bên cạnh những chiến đấu cơ xuất sắc, nền công nghiệp hàng không Mỹ còn tạo ra những chương trình phát triển máy bay tồi tệ. Thông thường mỗi lần thất bại sẽ giúp rút ra bài học và tránh lặp lại lần sau, nhưng sai lầm ở những dự án chiến đấu cơ dưới đây lại không giúp người Mỹ học được gì từ chúng.
Bell P-59 Airacomet
|
P-59 phản lực cơ đầu tiên của Mỹ có màn trình diễn kém thuyết phục. Ảnh: Wikipedia |
P-59 là nỗ lực đầu tiên của Mỹ trong việc chế tạo một chiến đấu cơ phản lực. Tuy nhiên, so với Gloster Meteor của Anh và Messerschmitt Me 262 của Đức, P-59 là một thiết kế đáng thất vọng. Trong quá trình kiểm tra, so sánh với Lockheed P-38 Lightnings, Republic P-47 Thunderbolts and và Mitsubishi Zero thu được của Nhật Bản. Các phi công nhận thấy, P-59 không mang lại lợi thế nào so với các máy bay động cơ cánh quạt.
Trong một số tình huống thử nghiệm, máy bay động cơ cánh quạt còn cho thấy sự vượt trội so với chiến đấu cơ phản lực mới. Bên cạnh đó, tốc độ tối đa của P-59 khoảng 665 km/h, chỉ tương đương với P-38. Dự án chiến đấu cơ phản lực này chỉ mang tính thử nghiệm, tạo nền móng cho những dự án tiếp theo hiệu quả hơn.
Vought F7U Cutlass
|
Mẫu thử nghiệm F7U trong bảo tàng Hàng không hải quân Pensacola, Florida. Ảnh: Wikipedia |
Trong một thời gian khá dài, Hải quân Mỹ gặp khó khăn với việc phát triển máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Nỗ lực đầu tiên là dự án Vought F7U Cutlass. Các phi công thử nghiệm ví von chiến đấu cơ này là “Cutlass yếu ớt” vì 2 động cơ phản lực Westinghouse J46-WE-8B có lực đẩy rất yếu. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lực của máy bay thường xuyên gặp vấn đề.
Đô đốc nghỉ hưu Edward Lewis từng đệ đơn từ chức ngay lập tức khi cấp trên thông báo phi đội của ông sẽ sử dụng chiến đấu cơ này.
Grumman F-11 Tiger
|
Chiến đấu cơ F-11 là sản phẩm thất bại của tập đoàn Grumman. Ảnh: Aviation |
Grumman là một tập đoàn nổi tiếng trong việc chế tạo một số máy bay chiến đấu tốt nhất cho Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, F-11 Tiger lại không có được sự thành công như mong đợi, một dự án đáng quên của hãng này.
F-11 là một trong số ít những máy bay bị bắn bởi chính vũ khí của nó. Trong một lần thử nghiệm, phi công lái máy bay đã va vào luồng đạn pháo 20 mm mà ông ta bắn ra trước đó. Rất may, phi công thử nghiệm đã hạ cánh thành công.
Vấn đề của F-11 không nằm ở bản thiết kế. Động cơ J65-W-14 có độ tin cậy rất thấp và tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Hải quân Mỹ không hài lòng chiến đấu cơ này. Các chiến đấu cơ hoạt động trên biển phải có tầm bay xa, động cơ tin cậy và phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên biển. Hải quân Mỹ nhanh chóng cho F-11 nghỉ hưu chỉ sau 13 năm phục vụ.
Convair F-102 Delta Dagger
|
Tiêm kích đánh chặn F-102 của Không quân Mỹ. Ảnh: DMA |
Ban đầu F-102 được thiết kế để trở thành máy bay đánh chặn với tốc độ cao và độ cao lớn để chống lại các máy bay ném bom của Liên Xô trong tình huống Chiến tranh Lạnh có chuyển biến xấu. F-102 có thiết kế cánh tam giác, máy bay được trang bị 1 động cơ phản lực J57-P-25 có buồng đốt 2 lần mạnh mẽ.
Người ta trang bị cho F-102 hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cùng khoang vũ khí bên trong thân. Các nhà thiết kế tin rằng, F-102 là mẫu chiến đấu cơ đáng chú ý. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, chiến đấu cơ này không thể vượt qua tốc Mach 1 (1.200 km/h).
Trong quá trình thử nghiệm, khi máy bay gần đạt đến tốc độ âm thanh, người ta phát hiện ra hiện tượng sóng kéo khiến máy bay không vượt qua được bức tường âm thanh. Sau đó, các kỹ sư đã thiết kế lại F-102 nhưng nó vẫn không thể vượt qua tốc độ Mach 1,22.
Dù thiết kế lại, F-102 vẫn không đạt được kỳ vọng. Chiến đấu cơ này được thiết kế lại nhiều lần và phát triển thành mẫu F-106 Delta Dart.
Tiêm kích tiến công kết hợp F-35
|
F-35 tiêm kích "nhiều tiền, lắm tiếng" của Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Dự án tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 không phải là một thiết kế tồi. Tuy nhiên, quá trình phát triển kéo dài và ngân sách liên tục tăng. Ngoài ra, F-35 có thể không đạt được các năng lực như những gì mà các nhà thiết kế từng đề cập.
F-35 là một thiết kế đầy tham vọng với một khung máy bay duy nhất để thay thế cho tất cả các chiến đấu cơ hiện có của Mỹ. Kết quả của sự tham vọng này là F-35 sẽ không có những điểm nổi bật. Bên cạnh đó, sự phát triển của JSF đúng vào thời điểm mà các mối đe dọa đặt ra với Mỹ không thực sự rõ ràng.
Yêu cầu đề ra là phát triển một chiến đấu cơ đa năng hoạt động trong môi trường ít có mối đe dọa như Iraq hay Syria vì đối thủ lớn nhất là Liên Xô đã tan rã. Tuy nhiên, người Mỹ đã không ngờ đến sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng, F-35 khó lòng đáp ứng được các mối đe dọa mới ở châu Á – Thái Bình Dương.
Quốc Minh