Khám phá họ tên lửa Buk Nga muốn bán cho VN, TG

Google News

Những năm 70 của thế kỷ trước, các tổ hợp tên lửa phòng không Buk đã trở thành một trong những phương tiện phòng không chủ yếu của Quân đội Liên Xô.

Đến nay, đã có nhiều thế hệ tên lửa phòng không họ “Buk” được chế tạo và đưa vào trang bị trong quân đội. Với tính năng ưu việt, các tổ hợp tên lửa này dự kiến sẽ còn được sử dụng trong nhiều năm nữa.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG
Các phiên bản của tổ hợp tên lửa phòng không Buk. (đồ họa: Minh Châu) 
Tổ hợp tên lửa phòng không 9K37 “Buk”
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk (còn gọi là 9K37 - theo ký hiệu của Tổng cục Pháo binh - Tên lửa Quân đội Liên Xô - GRAU) bắt đầu được chế tạo vào ngày 13/1/1972 nhằm thay thế cho tổ hợp 2K12 “Kub”. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra đối với tên lửa của tổ hợp này là cũng phải bắn được từ bệ phóng của tổ hợp tên lửa trên hạm M-22 Uragan.
Buk được chế tạo nhằm tiêu diệt các mục tiêu trên không bay ở trần bay trung bình và thấp với vận tốc lên đến 800 m/giây và trong phạm vi lên đến 30 km, đồng thời có khả năng cải tiến để đánh chặn các tên lửa đường đạn chiến thuật của đối phương.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-2
 Tổ hợp tên lửa Buk. (ảnh: topwar.ru)
Buk gồm 4 thành phần chính: đài phát hiện và chỉ thị mục tiêu 9S18 “Kupol”, có chức năng theo dõi và giám sát các tình huống tác chiến trên không; bệ phóng tự hành 9A310 và hệ thống nạp đạn 9A39 - có chức năng phóng tên lửa; đài chỉ huy 9S470, có chức năng phối hợp hoạt động của tất cả các thành phần trong tổ hợp; tên lửa phòng không có điều khiển 9M38 là phương tiện trực tiếp tiến công, tiêu diệt mục tiêu.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-3
Hệ thống nạp đạn-khai hỏa của tổ hợp Buk. (ảnh: topwar.ru) 
Đài phát hiện và chỉ thị mục tiêu 9S18 “Kupol” đặt trên xe bánh xích tự hành, được trang bị hệ thống ra-đa xung 3 tọa độ, có chức năng giám sát tình huống, cung cấp dữ liệu mục tiêu đến đài chỉ huy. Bán kính phát hiện mục tiêu tối đa của hệ thống này lên tới 115 - 120 km. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ giảm đáng kể nếu mục tiêu bay ở tầm thấp. Chẳng hạn đối với các máy bay hoạt động ở độ cao 30 m, hệ thống chỉ có thể phát hiện ở khoảng cách không quá 45 km. Bên cạnh đó, hệ thống ra-đa này còn có khả năng tự điều chỉnh tần số để duy trì hoạt động trong trường hợp bị đối phương gây nhiễu chủ động.
Đài chỉ huy 9S470 cũng được đặt trên một xe tự hành và được trang bị các thiết bị cần thiết để xử lý tín hiệu và chỉ thị mục tiêu cho hệ thống phóng. Với một chu kỳ quét, đài chỉ huy có thể xử lý thông tin về 46 mục tiêu khác nhau ở khoảng cách không quá 100 km và trần bay không quá 20 km, cung cấp thông tin cho hệ thống phóng về 6 mục tiêu khác nhau. Kíp trắc thủ làm việc trên đài chỉ huy gồm 6 người. Bệ phóng tự hành 9A310 đặt trên xe bánh xích, có kết cấu quay tròn, có thể phóng tên lửa theo 4 hướng khác nhau, cùng các thiết bị vô tuyến điện tử chuyên dụng.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-4
Hệ thống hỏa lực tự hành của Buk. (ảnh: topwar.ru) 
Hệ thống nạp đạn 9A39 được đặt trên xe bánh xích mang theo 8 tên lửa dự trữ, có chức năng tiếp đạn cho bệ phóng 9A310 của tổ hợp. Nó cũng được trang bị 4 ống phóng tên lửa được đặt trên bệ phóng có kết cấu tương tự với bệ phóng của xe 9A310. Trong tình huống tác chiến khẩn cấp, 9A39 có thể tự phóng tên lửa để tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên, do không được trang bị ra-đa nên việc chỉ thị mục tiêu trong trường hợp này sẽ phải thao tác từ bên ngoài.
Tên lửa 9M38 sử dụng động cơ một tầng, nhiên liệu rắn, có trọng lượng phóng 690 kg, chiều dài 5,5 m và vận tốc tối đa là 850 m/giây. Đầu đạn của 9M38 là đầu đạn tự dẫn bằng ra-đa bán chủ động, có kết cấu nổ phá mảnh. Để tránh bị lệch trọng tâm khi nhiên liệu cháy, nhiên liệu của tên lửa được bố trí ở phần giữa, cùng với đó, luồng khói dài phía sau cũng giúp duy trì tính ổn định của quỹ đạo bay.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-5
Sơ đồ cấu tạo tên lửa 9M38. (ảnh: topwar.ru) 
Tổ hợp tên lửa Buk có thể tiến công tiêu diệt các mục tiêu từ cự ly cách 30 km và tầm cao không quá 20 km. Thời gian phản ứng của nó là 22 giây, thời gian cần thiết để đưa tổ hợp này vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu là 5 phút. Buk có khả năng tiêu diệt các mục tiêu là máy bay tiêm kích với xác suất 0,9; máy bay trực thăng với xác suất là 0,6 và tên lửa đường đạn với xác suất là 0,5.
Năm 1990, sau khi thử nghiệm thành công ở các điều kiện tác chiến khác nhau, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk chính thức được đưa vào trang bị trong Quân đội Liên Xô.
Tổ hợp 9K37-1 Buk-1/Kub-M4
Do nhu cầu cấp thiết để trang bị cho các đơn vị phòng không của lục quân, năm 1974 Liên Xô quyết định chế tạo một phiên bản đơn giản hơn của tổ hợp 9K37, lấy tên là 9K37-1 (Buk-1). Theo đó, bệ phóng tự hành mới 9A38 sẽ được chế tạo để bổ sung vào thành phần của tổ hợp Kub-M3 hiện có, được ký hiệu là Buk-1 (còn gọi là 2K12M4 Kub-M4). Với sự bổ sung này, số lượng các kênh mục tiêu của một trung đoàn tên lửa sẽ được tăng thêm 5 - 10 đơn vị, số lượng tên lửa sẵn sàng sử dụng của trung đoàn cũng tăng thêm 60 - 75 đơn vị, khả năng chiến đấu của trung đoàn cũng được tăng cường đáng kể nhờ tính năng ưu việt của hệ thống 9A38.
Về thiết kế, 9A38 không khác nhiều so với hệ thống 9A310 của Buk. Xe tự hành bánh xích mang theo một bệ phóng tên lửa có kết cấu quay tròn, một ra-đa phát hiện và chỉ thị mục tiêu 9S35. Bệ phóng của 9A38 có các ray dẫn hướng luân phiên dành cho 2 loại tên lửa khác nhau (9M38, 9M9M3 và một số loại tên lửa khác).
Các cuộc thử nghiệm cấp quốc gia đối với tổ hợp Buk-1 được tổ chức vào tháng 8/1975 tại trường bắn Emba. Kết quả thử nghiệm cho thấy, ra-đa 9S35 của hệ thống 9A38 có khả năng phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách 65 - 70 km (với điều kiện trần bay không dưới 3 km). Đối với các mục tiêu ở trần bay dưới 100 m, ra-đa này chỉ có thể phát hiện từ khoảng cách không quá 40 km. Tính năng chiến đấu và các tính năng kỹ - chiến thuật khác như cự ly và độ cao tiêu diệt mục tiêu phụ thuộc vào loại tên lửa mà hệ thống này sử dụng.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-6
 Các hệ thống nạp đạn của Buk-1. (ảnh: topwar.ru)
Tổ hợp Buk-1 với bệ phóng tự hành 9A38 và các tên lửa 9M38 được đưa vào trang bị năm 1978 và trở thành phương tiện phòng không chủ đạo của lục quân lúc bấy giờ.
Tổ hợp Buk-M1
Để nâng cao khả năng chiến đấu của tổ hợp Buk, ngày 30/11/1979, Liên Xô lập dự án cải tiến tổ hợp này và lấy tên gọi là Buk-M1. Buk-M1 được hoàn thành vào năm 1982. Tổ hợp Buk-M1 sử dụng đài phát hiện và chỉ thị mục tiêu mới 9S18M1 “Kupol-M1” với ăng-ten mảng pha. Hệ thống này (và các hệ thống khác của tổ hợp) được đặt trên xe tự hành bánh xích mới GM-567M với tính năng vượt trội hơn so với các xe của tổ hợp Buk cơ sở.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-7
Đài phát hiện và chỉ thị mục tiêu 9S18M1 của tổ hợp Buk-M1. (ảnh: topwar.ru) 
Để xử lý dữ liệu mục tiêu, tổ hợp Buk-M1 sử dụng đài chỉ huy 9S470M1 với trang thiết bị đi kèm hoàn toàn mới. Đài chỉ huy 9S470M1 thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin đồng thời từ ra-đa phát hiện và chỉ thị mục tiêu của tổ hợp cùng với thông tin từ trạm điều hành phòng không của sư đoàn.
Bệ phóng tự hành 9A310M1 của Buk-M1 được trang bị ra-đa dẫn đường và nhận dạng mục tiêu mới, giúp tăng khoảng cách tiêu diệt mục tiêu thêm 25 -30%. Xác suất nhận dạng chính xác các mục tiêu khí động học và tên lửa đạn đạo cũng được tăng lên 0,6. Khả năng chống nhiễu của ra-đa này cũng cao gấp 2 lần so với ra-đa của hệ thống 9A310 trên tổ hợp Buk phiên bản cơ sở.
Cự ly tiêu diệt mục tiêu của Buk-M1 là không đổi so với Buk, tuy nhiên với cùng một loại tên lửa, xác suất tiêu diệt mục tiêu của Buk-M1 bằng một phát bắn tăng lên 0,95 (so với 0,9 của Buk). Xác suất tiêu diệt các tên lửa đường đạn của Buk-M1 cũng được tăng lên là 0,6.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-8
 Bệ phóng tự hành của Buk-M1. (ảnh: topwar.ru)
Từ tháng 12/1982, Buk-M1 được thử nghiệm tại trường bắn Emba. Kết quả thử nghiệm cho thấy sự vượt trội của tổ hợp mới này so với các tổ hợp phòng không hiện hành. Năm 1983, Buk-M1 chính thức được đưa vào trang bị trong Quân đội Liên Xô.
Buk-M1 là tổ hợp đầu tiên của họ Buk được Nga xuất khẩu với ký hiệu là “Gang”. Năm 1997, Nga bàn giao cho Phần Lan một số tổ hợp này để thanh toán một khoản nợ công.
Tổ hợp 9K317 “Buk-M2”
Cuối những năm 1980, Liên Xô hoàn thành việc cải tiến các tổ hợp tên lửa họ Buk, tổ hợp mới này sử dụng các tên lửa 9M317 và được ký hiệu là 9K317 “Buk-M2”. Các tên lửa kiểu mới giúp tăng đáng kể cự ly tiêu diệt mục tiêu của Buk-M2. Ngoài ra, các tính năng kỹ - chiến thuật khác của tổ hợp này cũng được nâng cao nhờ việc sử dụng một loạt các trang thiết bị hiện đại hơn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đã không cho phép Liên Xô đưa Buk-M2 vào trang bị. Thay vào đó, họ chế tạo một phiên bản khác để trang bị cho các đơn vị phòng không - tổ hợp Buk-M1-2. Cùng với đó, việc phát triển tổ hợp Buk-M2 và biến thể xuất khẩu Buk-M2E của nó vẫn được tiếp tục cho đến giữa những năm 2000.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-9
 Bệ phóng tự hành của tổ hợp Buk-M2. (ảnh: topwar.ru)
Điểm khác biệt lớn nhất ở Buk-M2 so với các phiên bản trước là ở việc sử dụng tên lửa điều khiển kiểu mới 9M317. Tên lửa này có cánh ngắn hơn so với 9M38, nhưng trọng lượng phóng lớn hơn - 720 kg. Sự thay đổi về cấu trúc và việc sử dụng động cơ kiểu mới giúp tăng tầm bắn cực đại của tên lửa này lên 45 km. 9M317 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở trần bay tới 25 km.
Buk-M2 được trang bị bệ phóng tự hành mới 9A317 đặt trên xe bánh xích GM-569. Bệ phóng này có khả năng tự tìm kiếm và bám sát mục tiêu, phóng các tên lửa 9M317 và kiểm soát quỹ đạo của chúng, khi cần thiết có thể điều chỉnh quỹ đạo thông qua hệ thống chỉ huy vô tuyến. Bệ phóng 9A317 được trang bị ra-đa dẫn đường với ăng-ten mạng pha, có khả năng cùng lúc xác định tới 10 mục tiêu và tiến công tiêu diệt 4 mục tiêu. Để tăng cường khả năng chiến đấu, 9A317 còn được trang bị hệ thống quang điện tử với 2 kênh ngày/đêm.
Buk-M2 sử dụng đài chỉ huy điều khiển kiểu mới 9S510 được lắp đặt trên xe bánh xích GM-579. Hệ thống tự động hóa của nó có khả năng tiếp nhận thông tin từ thiết bị theo dõi và bám nắm cùng lúc 60 mục tiêu, chỉ thị tới 16 - 36 mục tiêu và thời gian phản ứng không quá 2 giây.
Thiết bị phát hiện mục tiêu chính trong thành phần tổ hợp Buk-M2 là đài phát hiện và chỉ thị mục tiêu 9S13M1-3. Hệ thống 9S13M1-3 được trang bị ăng-ten mạng pha quét điện tử, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tới 160 km và có khả năng duy trì hoạt động ngay cả trong điều kiện địch sử dụng nhiễu chủ động hoặc thụ động.
Tổ hợp Buk-M2 sử dụng đài ra-đa nhận dạng mục tiêu và dẫn đường tên lửa mới 9S36, được đặt trên xe tự hành bánh xích hoặc xe kéo với cột ăng-ten cơ động, có thể nâng lên hạ xuống. Kết cấu này cho phép nâng hệ thống ăng-ten mạng pha lên tới độ cao 22 m nhằm nâng cao khả năng phát hiện mục tiêu của ra-đa. Đài ra-đa 9S36 có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tới 120 km, bám đồng thời 10 mục tiêu và dẫn đường tên lửa tới 4 mục tiêu.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-10
 Ra-đa nhận dạng mục tiêu và dẫn đường tên lửa của tổ hợp Buk-M2 trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. (ảnh: topwar.ru)
Tổ hợp Buk-M2 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách tới 50 km và trần bay tới 25 km. Đối với mục tiêu là các tên lửa đường đạn chiến thuật linh hoạt, các chỉ số trên lần lượt là 20 km và 16 km. Ngoài ra, Buk-M2 cũng có khả năng tiêu diệt các loại trực thăng, tên lửa có cánh và tên lửa chống ra-đa của đối phương, thậm chí có thể tiến công tiêu diệt các mục tiêu mặt nước hoặc mặt đất có phản xạ sóng vô tuyến khi cần thiết. Buk-M2 chính thức được trang bị trong quân đội vào năm 2008 với một số điều chỉnh nhằm nâng cao tính năng kỹ - chiến thuật.
Tổ hợp Buk-M1-2
Điều kiện kinh tế đã không cho phép Liên Xô sản xuất loạt các tổ hợp Buk-M2. Thay vào đó, năm 1992 họ quyết định chế tạo phiên bản đơn giản hóa của tổ hợp này bằng cách sử dụng các thành phần tương tự như Buk-M2 nhưng đơn giản hơn và rẻ hơn. Tổ hợp này được ký hiệu là Buk-M1-2 hay còn gọi là Ural.
Buk-M1-2 sử dụng bệ phóng tự hành mới 9A310M1-2 cho nhiệm vụ nhận dạng mục tiêu và phóng tên lửa. Các thành phần còn lại trong tổ hợp hầu như ít thay đổi so với Buk-M2.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-11
Đài chỉ huy 9S470 của tổ hợp Buk-M1-2. (ảnh: topwar.ru) 
Để đảm bảo bí mật, tăng khả năng sống sót cũng như mở rộng phạm vi hoạt động, bệ phóng tự hành của Buk-M1-2 được trang bị khả năng định vị thụ động bằng cách sử dụng kính ngắm quang truyền hình và thiết bị đo xa la-de. Các thiết bị này được sử dụng trong trường hợp chiến đấu với các mục tiêu trên mặt đất và mặt nước.
Buk-M1-2 được đưa vào trang bị trong Quân đội Nga vào năm 1988. Sau đó, một số tổ hợp này cũng được xuất khẩu ra nước ngoài.
Tổ hợp Buk-M2E
Vào nửa sau những năm 2000, Nga đưa tổ hợp Buk-M2 ra thị trường xuất khẩu và lấy ký hiệu 9K317E Buk-M2-E. Buk-M2E có một số điều chỉnh so với Buk-M2 để nâng cao khả năng vận hành.
Điểm thay đổi lớn nhất trên Buk-M2E so với Buk-M2 là việc sử dụng các máy vi tính hiện đại thay cho các thiết bị điện tử cũ, giúp nâng cao hiệu quả cả trong huấn luyện và chiến đấu. Mọi thông tin về hoạt động của hệ thống cũng như về tình huống chiến đấu sẽ được hiển thị trên các màn hình tinh thể lỏng. Buk-M2E cũng sử dụng hệ thống quan sát nhiệt truyền hình thay cho kính ngắm quang truyền hình trên Buk-M2, cho phép tự động tìm và bám sát mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, ngày/đêm. Ngoài ra, các thiết bị liên lạc, lưu trữ thông tin và một số hế thống khác của tổ hợp cũng được nâng cấp. Bệ phóng tự hành của Buk-M2E có thể được đặt trên xe bánh xích hoặc bánh hơi tùy lựa chọn của bên đặt hàng.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-12
 Tổ hợp Buk-M2E trên xe tự hành bánh hơi. (ảnh: topwar.ru)
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3
Vài năm trước, Nga đã thông báo về kế hoạch chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không mới Buk-M3 nhằm nâng cao tính năng kỹ - chiến thuật và khả năng chiến đấu của dòng tên lửa họ Buk này. Theo một số thông tin, Buk-M3 sẽ được chế tạo bằng cách thay thế các thiết bị của Buk-M2 bằng các thiết bị kỹ thuật số hiện đại hơn.
Kham pha ho ten lua Buk Nga muon ban cho VN, TG-Hinh-13
Mô phỏng tổ hợp Buk-M3. (ảnh: topwar.ru) 
Để nâng cao khả năng chiến đấu, Buk-M3 dự kiến sẽ được trang bị các tên lửa kiểu mới đặt trong ống phóng thay cho ray định hướng như đối với các phiên bản trước. Kiểu bố trí mới này giúp tăng gấp đôi số lượng tên lửa sẵn sàng chiến đấu của tổ hợp lên con số 12.
Tính năng của Buk-M3 hiện vẫn được giữ bí mật, tuy nhiên truyền thông Nga cho biết, Buk-M3 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu từ cự ly 75 km, xác suất 0,95 - 0,97 chỉ với 1 tên lửa.
Dự kiến cuối năm 2015, Buk-M3 sẽ được thử nghiệm cấp quốc gia. Năm 2016, Nga sẽ tiến hành sản xuất loạt và đưa các tổ hợp này vào trang bị trong quân đội.
Theo Minh Châu/ Báo Điện Tử Quốc Phòng