Một sản phẩm độc đáo và sáng tạo của Daewoo Precision
Daewoo Precision, hãng sản xuất vũ khí nổi tiếng của Hàn Quốc đã từng rất thành công với súng trường tấn công K1/K2, shotgun USAS-12, súng máy hạng nhẹ K3... Các vũ khí của Daewoo thường có sự khác biệt, độc đáo trong thiết kế, và có lẽ nổi trội nhất trong những sản phẩm của họ chính là súng trường K11.
|
XM-29 - Súng trường kết hợp độc đáo nhưng “yểu mệnh” của quân đội Mỹ. |
Những người đam mê tìm hiểu vũ khí cá nhân hẳn sẽ không thể quên khẩu súng “bất hạnh” XM-29 OICW. Vũ khí này đã kết hợp được một khẩu súng trường tầm ngắn 5,56 mm và một khẩu súng phóng lựu nổ trên không 20 mm.
Sau khi đã chi hàng triệu USD, chương trình phát triển XM-29 bị hủy bỏ vì nhiều lí do. Sau đó, súng trường kết hợp Daewoo K11 đã nổi lên như một ứng viên sáng giá cho dự án PICW (tương tự như OICW của Mỹ).
Kẻ kế thừa hoàn hảo của XM-29
Rõ ràng, súng trường kết hợp K11 cũng tương tự như XM-29 của Mỹ về tính năng và thiết kế. Súng có ba thành phần chính: một súng carbine 5,56 mm, một súng phóng lựu 20 mm và một thiết bị ngắm quang học cũng như lập trình đường đạn.
|
Súng trường kết hợp K11. |
Khác với XM-29, cốt lõi của K11 chính là hệ thống súng trường tấn công 5,56 mm. Qua thử nghiệm, súng không được tháo rời nhưng kiểm tra sơ bộ cho thấy K11 hiện đại và tin cậy. Nòng súng dài 310 mm làm bằng thép tốt, đầu nòng được gắn loa che lửa 4 mảnh (4 vết khoét xuyên tâm).
Nút chọn chế độ bắn được nhà sản xuất đặt bên thân trái, một vị trí truyền thống so với hầu hết các khẩu súng của phương Tây. Xạ thủ có thể chọn chế độ bắn dễ dàng bằng ngón cái của bàn tay đang nắm tay nắm chính.
Cụ thể, nút chọn chế độ bắn của K11 có 4 vị trí, được chú thích rõ bằng chữ Hangeul. Một chút khác biệt so với các khẩu súng khác ở chỗ vị trí an toàn nằm ở hướng 9 giờ thay vì 6 giờ như truyền thống.
|
K11 với 2 hộp tiếp đạn STANAG 30 viên 5,56 mm NATO. |
Các vị trí còn lại bao gồm: hướng 6 giờ, đưa súng vào chế độ bắn loạt 3 viên, tốc độ bắn tương đương với khẩu carbine M4 của Mỹ; vị trí 3 giờ là chế độ bán tự động; cuối cùng, vị trí 0 giờ kết hợp khả năng bắn tự động hoàn toàn trên súng trường tấn công lẫn khai hỏa khẩu súng phóng lựu.
Cần lên đạn được đặt bên thân trái, ngay phía trên cò. Với thoi nạp đạn mở, cần lên đạn sẽ chuyển động liên tục. Một bộ phận đặc biệt dẫn hướng vỏ đạn thoát về bên dưới, nhằm tránh văng vỏ đạn nóng vào đồng đội ở cự ly gần.
Súng trường tấn công này sử dụng đạn 5,56 mm và hộp tiếp đạn STANAG 30 viên theo tiêu chuẩn NATO.
|
Một quan chức của Hàn Quốc đang sử dụng thử K11. |
Phần ống phóng lựu sử dụng lựu 20 mm từ hộp tiếp đạn polymer trong suốt, cơ chế nạp đạn kiểu bolt-action với thoi nạp đạn lớn và cần quay nằm về phía bên phải, tương tự như nhiều loại súng bắn tỉa.
Khi phóng lựu, cò súng sẽ chuyển sang hoạt động theo double-action (cơ chế kép). Loại lựu của K11 do Poongsan (một nhà máy sản xuất đạn dược nổi tiếng ở Hàn Quốc với nhiều sản phẩm đang bán tại Mỹ) cung cấp.
Hộp tiếp đạn có thể chứa được 5 viên lựu 20 mm. Có 2 loại lựu chính là lựu huấn luyện và lựu nổ mạnh (dùng trong chiến đấu). Loại lựu huấn luyện chỉ có thuốc phóng mà không có thuốc nổ. Còn loại lựu nổ mạnh có 4 cài đặt với chip điện tử bên trong: nổ điểm, nổ điểm giữ chậm, nổ trên không và tự hủy.
Một thành phần quan trọng khác của K11 chính là hệ thống ngắm thông minh tích hợp. Hệ thống này có thể sử dụng cho cả súng trường tấn công lẫn súng phóng lựu. Ống ngắm bao gồm cả khả năng nhìn ban đêm, nhưng hiện chưa rõ nó có thể nhìn tầm nhiệt hay không.
Tương tự XM-29 và sau này là XM-25, hệ thống ngắm thông minh có khả năng tính toán khoảng cách tới mục tiêu và cho nổ theo cài đặt của xạ thủ.
Trong ống ngắm có nhiều ô kẻ như một ống ngắm thông thường, tuy nhiên bên dưới tâm ngắm chính một chút là tâm phụ của công cụ đo khoảng cách mục tiêu bằng tia laser.
Với tâm phụ này, xạ thủ chỉ cần đặt mục tiêu vào tầm ngắm và kéo cò. Công cụ trên được kích hoạt thông qua việc đẩy nút bên thân phải của súng.
Việc lựa chọn thời điểm nổ viên lựu cũng rất quan trọng và được nhà sản xuất khá quan tâm. Như đã nói, súng có các cài đặt nổ tùy theo tính chất của mục tiêu. Cơ chế nổ điểm giống như các loại súng phóng lựu thông thường, khi chạm mục tiêu đạn sẽ phát nổ.
Cơ chế nổ điểm giữ chậm dành cho các mục tiêu mềm, giúp viên lựu xuyên sâu vào mục tiêu và phát nổ bên trong một cách hiệu quả hơn. Còn nổ trên không chính là tính năng lập trình cho viên lựu có thể nổ tại vị trí định trước.
Chi tiết về cơ chế nổ điểm giữ chậm không được nhà sản xuất tiết lộ. Cơ chế nổ giữ chậm và nổ trên không sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi nổ trước và sau mục tiêu nhờ công cụ đo khoảng cách bằng tia laser.
Giả sử xạ thủ lập trình viên lựu ở một chế độ nổ nào đó nhưng không khai hỏa trong vòng 2 phút thì viên lựu sẽ tự động bị vô hiệu hóa. Xạ thủ phải chờ 5 phút để dữ liệu cài đặt bên trong viên lựu hoàn toàn bị xóa và cài đặt lại cơ chế nổ.
Nếu viên lựu bị trúng phải các môi trường như bùn hoặc cát, nó sẽ tự động phát nổ sau 2 giây để tạo hiệu quả chiến đấu triệt để trên chiến trường, cũng như tránh việc tồn đọng các quả chưa nổ gây ảnh hưởng sau này.
Tuy nhiên, súng trường kết hợp này cũng tồn tại một số nhược điểm như khối lượng nặng (6,1 kg), tính cơ động không cao. Hơn nữa, nó khó bắt mục tiêu trong tư thế nằm sau công sự.
Nhược điểm lớn nhất của súng cũng giống như XM-29 chính là sức mạnh của loại lựu 20 mm là chưa đủ để tiêu diệt các vùng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn 5 m.
Vì vậy, trong tương lai K11 sẽ rất khó trở thành vũ khí cá nhân tiêu chuẩn của quân đội Hàn Quốc, mà chỉ là một trong những vũ khí hỗ trợ hỏa lực cho trung đội hoặc tiểu đội.
Theo Phan Tô Asura/Soha