Mặc dù có những ý kiến cho rằng, pháo binh đang trở nên lép vế trên chiến trường trước sự xuất hiện của tên lửa. Nhưng vấn đề chi phí khiến tên lửa vẫn không thể thay thế được vai trò của pháo binh trên chiến trường.
Nhằm thích nghi với điều kiện chiến trường hiện đại, các nhà thiết kế vũ khí trên thế giới đang tập trung vào phát triển các loại pháo tự hành nhằm tăng khả năng cơ động trên chiến trường. Được xem là một cường quốc quân sự mới nổi, công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đang có những tiến bộ vượt bậc.
Một trong những thành công gần đây của họ là chế tạo thành công pháo tự hành Bhim 155mm. Pháo này được phát triển bởi Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) hợp tác cùng với công ty Denel của Nam Phi.
|
Mẫu thử đầu tiên của pháo tự hành Bhim dùng tháp pháo AS90D đặt trên khung gầm cơ sở xe tăng T-72.
|
Pháo tự hành Bhim được phát triển trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun do Ấn Độ sản xuất, tháp pháo T-6 được phát triển bởi Denel Nam Phi. Những năm gần đây, Ấn Độ đang tích cực phát triển các loại pháo tự hành trên cơ sở khung gầm các xe tăng chiến đấu chủ lực có trong trang bị như Arjun, T-72.
Đầu tiên các chuyên gia Ấn Độ đã cố gắng trang bị tháp pháo 155mm AS90D trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, nhưng họ đã không thành công do không đáp ứng được các yêu cầu về tác chiến trong điều kiện sa mạc.
Sau thất bại này, Ấn Độ đã bắt tay với công ty Denel của Nam Phi, một trong những công ty có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các loại pháo tự hành. Sự hợp tác này đã mang lại thành công rực rỡ cho Ấn Độ. Tháp pháo T-6 do Nam Phi sản xuất hoàn toàn tương thích với khung gầm xe tăng Arjun và các điều kiện chiến đấu tại Ấn Độ.
|
Bhim dùng khung gầm cơ sở xe tăng Arjun và tháp pháo T6.
|
Pháo tự hành mới được đặt tên là Bhim (lấy theo tên một chiến binh trong đền thờ Ấn Độ). Pháo này có kiểu bố trí theo truyền thống của các loại pháo tự hành khác của phương Tây với khối đạn dược nằm phía sau tháp pháo, khối điều khiển nằm phía trước. Toàn bộ pháo tự hành được thiết kế để bảo vệ ê kíp điều khiển khỏi tác nhân sinh hóa học NBC.
Tháp pháo, thân xe được bọc giáp Kanhai do Ấn Độ chế tạo, loại giáp này được đánh giá tương đương với giáp Chobham trên các xe tăng của Anh, Mỹ có tác dụng chống lại vũ khí cá nhân và mảnh đạn pháo của đối phương rất tốt.
Pháo tự hành Bhim được trang bị pháo chính 155mm với chiều dài nòng gấp 52 lần cỡ đạn, pháo chính có tầm bắn với đạn pháo ERFB-ВВ thông thường trên 40km, nếu sử dụng đạn pháo có điều khiển V-LAP tầm bắn tối đa lên đến 52km.
Hệ thống ổn định 2 trục, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép bắn với độ chính xác rất cao. Pháo có tốc độ bắn tiêu chuẩn là 2 viên/phút, tối đa 8 viên/phút. Với 6 khẩu pháo tự hành Bhim thực hiện chế độ bắn loạt có thể kiểm soát một khu vực rộng đến 25km2.
|
Pháo 155mm của Bhim bắn xa 40km.
|
Cơ số đạn dược cho pháo từ 40-50 quả, nó có thể bắn tất cả các loại đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO. Ngoài ra, pháo tự hành còn được trang bị súng máy đồng trục 7,62mm. Tháp pháo có góc nâng từ -5 đến 75 độ, quay 360 độ.
Pháo tự hành Bhim được trang bị động cơ MTU-838 Ka 501 công suất 400 mã lực, tốc độ di chuyển trên đường nhựa 60km/h, dự trữ hành trình 450km. Pháo còn có hệ thống điều khiển hỏa lực rất hiện đại với một hệ thống định vị tự động dựa trên hệ thống con quay laser hồi chuyển.
Pháo thủ và chỉ huy được trang bị hệ thống quan sát mục tiêu ảnh nhiệt cho phép tác chiến bất kể ngày đêm. Ê kíp vận hành pháo gồm 4 người nhưng cơ chế tự động hóa tương đối cao cho phép vận hành chỉ với 2 người trong chế độ tự động.
Khả năng tính toán phần tử bắn của pháo rất nhanh, nó có thể khai hỏa chỉ sau khi dừng lại đúng 30 giây, một tính năng lý tưởng cho chiến thuật “bắn-chuồn”. Mặc dù tính năng của pháo tự hành Bhim đã được chứng minh qua thử nghiệm, Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu số lượng lớn tháp pháo T-6 cùng giấy phép sản xuất trong nước.
|
Tuy nhiên dự án Bhim đã "đóng băng" cho tới tận ngày nay vì vấn đề hối lộ.
|
Tuy nhiên, nhà chức trách Ấn Độ đã cáo buộc công ty Denel đưa hối lộ các quan chức quốc phòng Ấn Độ vào năm 2005 nên dự án pháo tự hành này bị đóng băng cho đến hôm nay. Nếu mọi chuyện suôn sẻ Ấn Độ đã trong biên chế một trung đoàn pháo tự hành Bhim ngang ngửa với các đối thủ khác của Nga, Mỹ.
Bình Đức