“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
Tiến công hay phòng ngự là 2 hình thức căn bản của chiến tranh. Binh pháp từ cổ chí kim đều công nhận, trong chiến đấu phòng ngự, một người giữ chỗ hiểm trăm người khó vượt qua,
Trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước vừa qua, kẻ địch với bản chất xâm lược nên thường xuyên ở vị trí của người xây đồn đắp lũy để ngăn cản ta. Từ Pháp với các tháp canh khống chế giao thông cho đến Mỹ là siêu cường số một, lắm bom nhiều pháo vẫn phải xây lô cốt, boong ke dọc đường sá để kiểm soát giao thông và dân cư.
|
Lô côt phòng ngự của quân Mỹ trong chiến tranh.
|
Đồn bốt của địch cũng được xây dựng càng ngày càng tinh vi phức tạp hơn. Theo Lịch sử Binh chủng Đặc công Việt Nam, sự tinh vi phức tạp đó thể hiện ở chỗ: “Đồn bốt từ chỗ xây hình vuông, hình chữ nhật chuyển qua xây theo hình tam giác, hoặc 5-6 cạnh, từ xây bằng gạch, gỗ, đất tiến lên xây bằng xi măng cốt thép. Trước đây chủ yếu dựa vào các ổ đề kháng ở 4 góc và hệ thống công sự chiến đấu ở tuyến ngoài thì nay chúng đã làm công sự ngay trong nhà ngủ, xây dựng ngăn cách nhau thành nhiều ô.
Để tăng cường sức đề kháng ở tung thâm đồng thời chi viện hoả lực cho các lô cốt ngoại vi được kịp thời, địch đã xây thêm lô cốt cố thủ, nửa chìm nửa nổi và hệ thống boong ke ngầm, hệ thống hào giao thông dày đặc.
Về vật chướng ngại, ngoài những lớp rào xung quanh, chúng rào cả trên mặt công sự, trùm lên lô cốt hầm ngầm. Chúng xây dựng nhiều hào, hố chông, hầm chông, cài lựu đạn, mìn dày đặc giữa các lớp rào và chân lô cốt. Chúng đốt sạch vùng xung quanh căn cứ nhằm dễ phát hiện ta và nuôi nhiều chó, ngỗng, vịt hơn trước. Việc bố phòng của địch luôn thay đổi sau mỗi lần bị đánh”.
Vì vậy, đối với quân ta, nghiên cứu các hình thức công đồn sao cho sử dụng người ít để hạn chế thương vong mà đạt hiệu quả cao là rất cần thiết. Từ những yêu cầu thực tế đó, lực lượng Đặc công Việt Nam đã ra đời và lập nhiều chiến công đi vào huyền thoại.
Bí quyết đột nhập của đặc công
Như đã trình bày ở trên, sự bố phòng của địch luôn luôn thay đổi ngày một chặt chẽ hơn, phương tiện để phát hiện kẻ đột nhập cũng tinh vi, hiện đại hơn.
Lấy ví dụ sự bố phòng của kho bom thành Tuy Hạ, trong cuốn Một thời rừng Sác, Đại tá Lê Bá Ước mô tả: “Với hàng chục lớp rào tổng hợp bằng dây thép gai đủ loại, rào đơn, rào kép, bùng nhùng, mái nhà, cơ động cố định...còn thêm hệ thống mìn trái, lựu đạn, pháo sáng dầy đặc rải từ xa. Một bờ đập cao 3m dựng đứng như bức tường, chân đê có hào sâu ngập nước. Phía trong là hai lớp rào. Chó béc giê, ngỗng trắng cùng với hệ thống đèn sáng đủ cỡ. Khoảng trăm mét, xây một tháp canh. Chưa thật yên tâm, chúng bố trí thùng đại liên đổ dầu ma-dút cứ ba mét một ,đốt cháy sáng. Cạnh sát kho là quân cảng được canh gác ngày đêm. Toàn bộ hệ thống bố trí này tưởng chừng như một con mèo cũng khó lọt qua”.
|
Chiến sĩ đặc công mặc "áo giáp" cỏ đột nhập mục tiêu trong huấn luyện.
|
Nhưng cái khó ló cái khôn. Đúng như James G. Zumwalt viết trong cuốn Chân trần chí thép: “Mìn bên trong các hàng rào thép gai tạo cảm giác an toàn cho những người phòng thủ, nhưng cũng gián tiếp tạo thuận lợi cho phe xâm nhập. Do có mìn nằm giữa các hàng rào nên người ta không thể vào đấy để cắt cỏ - thế nên cỏ mọc rất um tùm. Cỏ cao tạo ra tấm ngụy trang lý tưởng cho những kẻ đột nhập vào căn cứ. Do quá tự tin vào mạng lưới bảo vệ, binh tướng ở trong doanh trại để cho cỏ mọc tự do từ vành đai ngoài cùng vào tận trong cùng, giúp cho người đột nhập có thể ẩn nấp trong suốt hành trình của mình”.
Trong thực tế chiến đấu, lực lượng đặc công Việt Nam đã đột nhập vào căn cứ địch dựa vào thủ thuật ngụy trang bằng cỏ.
Việc ngụy trang của đặc công, qua thực tế nhiều lần rút kinh nghiệm đã được phát triển tới mức nghệ thuật. Khi các chiến sĩ bôi bùn đất lên người và nằm im, con mắt thường khó có thể phát hiện ra, vì chẳng có gì khác biệt giữa họ với môi trường xung quanh.
Đáng nể nhất trong kỹ năng của đặc công Việt Nam là khả năng kiên nhẫn nằm im trong lòng đất hoặc lòng cát nóng bỏng cả ngày trời. Trong nhiều câu chuyện về trận đánh đặc công, các chiến sĩ có khi phải ngụy trang rồi nằm im cả ngày trời giữa hàng rào thép gai trong căn cứ địch vì không kịp rút ra sau khi đi trinh sát.
|
Tổ chiến đấu đặc công tự tạo thành thang để vượt qua hàng rào dây thép gai.
|
Các chiến sĩ đặc công Việt Nam cũng được huấn luyện những kỹ năng khác như trèo tường, nhảy qua hàng rào. Trên các bài phóng sự ảnh đăng tải ở báo Quân đội Nhân dân luôn có hình ảnh chiến sĩ đặc công bằng tay không leo lên được bức tường đá xây thẳng đứng cao đến 4, 5 m. Phổ biến nhất là cảnh ôm súng nhảy qua hàng rào thép gai.
Trong chiến tranh, kỹ năng nhảy qua rào của Đặc công Việt Nam một thời khiến chính quyền, quân đội Sài Gòn hoảng sợ và tự huyễn hoặc rằng do đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam được Liên Xô viện trợ loại giày lò xo có thể nhảy cao và xa hơn bình thường. Thực tế đó chỉ là kết quả của việc luyện tập không ngừng.
Để vô hiệu hóa những chướng ngại vật trên đường tiếp cận mục tiêu, có lẽ “đội quân thú” là khó khăn lớn nhất với đặc công. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở nhiều mục tiêu quan trọng, Mỹ nuôi nhiều chó béc giê và ngỗng để phát hiện người xâm nhập. Đôi khi chúng còn thả rắn ra xung quanh căn cứ khi trời tối và đến sáng thì gọi rắn về.
Để “làm mù, điếc” đội quân này, chiến sĩ đặc công ta sử dụng nhiều thủ thuật. Vì những con ngỗng rất sợ rắn nên trước khi đột nhập đến gần, bộ đội ta ném vào gần đàn ngỗng những thân cây khoai môn hay dọc mùng hoặc thân cây bèo khiến ngỗng tưởng là rắn mà rụt cổ nằm im. Để làm “điếc” mũi chó thì trước khi đột nhập, chiến sĩ đặc công chỉ mặc độc một chiếc quần đùi rồi nằm phơi sương vài đêm cho hết hơi người.
Và với những kỹ năng và mưu trí đó, chiến sĩ đặc công Việt Nam thực hiện nhiều cuộc tấn công vào những căn cứ mà địch cho là an toàn nhất như: Tân Sơn Nhất, kho xăng Nhà Bè, kho bom Tuy Hạ, tổng kho Long Bình đều lần lượt bị đặc công đánh bất ngờ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Vũ Tiến Đức