Trong tháng 10/1966, Liên Xô đã gửi một phái đoàn công nghiệp quân sự đặc biệt đến Việt Nam, dẫn đầu là Đại tướng lực lượng Phòng không Quốc gia (PVO-Strany) B.F.Batitskiy, để kiểm tra kết quả của các chiến dịch và đề nghị hướng phát triển cho các hệ thống phòng không sau này, bao gồm cả việc nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không S-75.
|
Đài radar điều khiển hỏa lực RSN-75M Fan Song F với "lồng chim" phía trên radar quét góc rộng P-12. |
Và để chống lại môi trường nhiễu do các máy bay tác chiến điện tử gây nên, tướng B.F.Batitskiy đã cho phát triển một hệ thống phòng không S-75 mới với một “lồng chim” ngay phía trên radar quét góc rộng P-12 của đài RSNA-75. Cái “lồng chim” ấy chính là hệ thống quang học theo dõi và điều khiển tên lửa trong môi trường bị nhiễu nặng. Tuy nhiên hạn chế của hệ thống này là điều khiển tên lửa bằng tay và trong điều kiện thời tiết quang đãng, không có mây hoặc ít mây.
Hệ thống này được trang bị loại tên lửa mới, Avangard 5Ya23 (V-759), tên lửa này có thể phân biệt với các tên lửa thế hệ cũ là có một dải điện môi được sơn màu xám phía trước cánh mũi và có một ống dẫn khí gas giữa tầng khởi động và tầng đốt thứ 2.
Hệ thống này chính thức được định danh là S-75M2 Volkhov (NATO: SA-2D Guideline Mod.3) và được tiếp nhận vào trang bị trong tháng 4/1971. Tuy nhiên, đáng tiếc vì nhiều lý do mà sau cùng hệ thống này đã không được chuyển giao cho bộ đội miền Bắc Việt Nam.
Nên lúc này Việt Nam vẫn chỉ sử dụng hệ thống phòng không SA-75 Dvina chống lại chiến dịch không kích lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, đó chính là chiến dịch Linebacker II.
|
Tên lửa 5Ya23 (V-759), tên lửa này có thể phân biệt với các tên lửa thế hệ cũ là có một dải điện môi được sơn màu xám phía trước cánh mũi và có một ống dẫn khí gas giữa tầng khởi động và tầng đốt thứ 2.
|
Lệnh cấm của Mỹ về các chiến dịch không kích vẫn có hiệu lực trong khu vực Hà Nội và Hải Phòng, nhưng như là một kết quả của năm 1972 khi tấn công miền Bắc Việt Nam, các chiến dịch trên không được tiếp tục dọc theo các khu phi quân sự (Demilitarized Zone/DMZ). Trong tháng 11/1972, các tiểu đoàn tên lửa phòng không S-75 được triển khai ở khu vực này và trong đêm ngày 22/11/1972, một chiếc B-52D bị bắn hạ, chiếc "pháo đài bay" đầu tiên bị hạ bởi hỏa lực phòng không của bộ đội miền Bắc Việt Nam.
Khi Hiệp định hòa bình ở Paris bị trì hoãn, giữa tháng 12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh bắt đầu chiến dịch Linebacker II, một cuộc không kích cường độ lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, đánh phá các mục tiêu tại Hà Nội và Hải Phòng nhằm buộc miền Bắc Việt Nam chấp nhận các điều khoản trong Hiệp định của Mỹ.
|
Các phi đội B-52 tại căn cứ Utapao (Thái Lan) chuẩn bị thực hiện chiến dịch Linebacker II. |
Đợt tấn công đầu tiên của chiến dịch Linebacker II vào ngày 18/12/1972. Vào lúc 20h13 phút, Tiểu đoàn 59 thuộc trung đoàn Phòng không 261 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả tên lửa 11D từ cự ly thích hợp và sử dụng chiến thuật “bắn 3 điểm” hạ ngay 1 máy bay B- 52G (máy bay rơi xuống cánh đồng thuộc Phủ Lỗ và Đông Xuân, giữa tỉnh Vĩnh Phú và Hà Nội, cách trận địa gần 10 km). Đây là chiếc máy bay B-52G đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.
20h16 phút, tiểu đoàn tên lửa 52, trung đoàn 267, sư đoàn Phòng không 365 từ một trận địa ở Nghệ An bắn bị thương nặng một máy bay B-52 khi chúng vừa ném bom ở Hà Nội về. Đến ngày 19/12/1972, vào lúc 4h30 phút sáng, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn Phòng không 257 bắn rơi tại chỗ một máy bay B- 52D.
|
Các hố bom sau khi B-52 rải thảm. |
Cuộc không kích vào Hà Nội trong đêm 20/12/1972 chính là thảm họa đối với các phi đội B-52. Vào lúc 20h7 phút, tiểu đoàn 93, trung đoàn 261 bắn hạ 1 máy bay B- 52 rơi tại chỗ ở khu vực ga Yên Viên, cách Hà Nội hơn 10 km. Vào lúc 20h34 phút, tiểu đoàn 77, trung đoàn 257 bắn rơi chiếc B-52 thứ 2 trong ngày. 20h38 phút, 3 tiểu đoàn tên lửa 78, 79 và 94 tập trung hoả lực bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ 3.
Đêm 20 rạng ngày 21/12, lúc 5h11 phút, các tiểu đoàn 57, 77 và 79 chỉ trong 9 phút với 6 quả đạn đã bắn hạ 4 chiếc B-52. Riêng tiểu đoàn 57 với 2 quả đạn cuối cùng trong 2 phút (từ 5 giờ 9 phút đến 5 giờ 11 phút) bắn rơi 2 máy bay B-52. Tổng cộng đã có 9 chiếc B-52 bị hạ trong ngày 20/12/1972.
|
Kíp chiến đấu SA-75 Dvina chuẩn bị tham chiến |
Từ ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972, quân đội miền Bắc Việt Nam đã bắn rơi 34 chiếc máy bay ném bom B-52, trong đó có 17 chiếc rơi tại chỗ (chưa kể nhiều máy bay tiêm kích bom chiến thuật khác). Cuối cùng chiến dịch Linebacker II đã thất bại và 7h sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Nixon buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam.
|
Xác một chiếc B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội |
Trong suốt cuộc chiến, Liên Xô đã cung cấp cho miền Bắc Việt Nam 95 tiểu đoàn tên lửa phòng không SA-75 Dvina, trong đó đã có 56 tiểu đoàn bị thiệt hại trong chiến tranh, còn lại 39 tiểu đoàn sau cuộc chiến. Tổng cộng 7.658 tên lửa 11D (V-750) cung cấp cho miền Bắc Việt Nam và còn lại 852 quả sau chiến tranh. Có 5.804 quả tên lửa được phóng đi trong khi chiến đấu, 200 quả bị thiệt hại do các cuộc không kích, 600 quả bị lỗi, và nhiều quả được bắn trong khi huấn luyện.
Cuộc không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam có lẽ là cuộc chiến sử dụng hệ thống tên lửa phòng không lớn nhất trong lịch sử và có sự ảnh hưởng sâu sắc đến các cuộc chiến tranh hiện đại.
Hệ thống phòng không SA-75 Dvina mà miền Bắc Việt Nam sử dụng để bắn hạ B-52 là thế hệ đầu, cũ nhất trong gia đình hệ thống tên lửa phòng không S-75, khả năng kháng nhiễu kém hơn nhưng vẫn hạ gục Pháo đài bay B-52 của Mỹ và các máy bay tiêm kích bom chiến thuật khác.
Sự hiện diện đơn thuần của S-75 ở Việt Nam đã có một tác động bất lợi đến các hoạt động trên không của Mỹ, dẫn đến những gì mà các chuyên gia phòng không của Mỹ gọi là “tiêu hao ảo” (virtual attrition). Thậm chí nếu S-75 không bắn hạ nhiều máy bay thì sự hiện diện của nó cũng khiến đối phương phải dè chừng trong việc tấn công mục tiêu mà được nó bảo vệ.
Ví dụ như trong chiến dịch Linebacker II, Chỉ huy Không quân Chiến lược (Strategic Air Command/ SAC) đã phải rút lại 1/3 cuộc tấn công vào miền Bắc Việt Nam bằng B-52 vì sự hiện diện của S-75. Ngoài giá trị khả năng bảo vệ thụ động như vậy, các tiểu đoàn S-75 còn làm các máy bay tiêm kích bom chiến thuật mang ít bom hơn, vì nếu muốn chống lại các hệ thống tên lửa phòng không S-75 thì các máy bay này phải mang theo các thiết bị tác chiến điện tử có vỏ bọc phức tạp, mà khi mang các thiết bị này, các máy bay tiêm kích bom sẽ giảm bớt giá treo bom so với tiêu chuẩn. Mà sử dụng nhiều máy bay để tấn công môt mục tiêu được S-75 bảo vệ thì sẽ rất hao phí về máy bay cũng như vũ khí, phi công.
|
Máy bay tấn công chiến thuật tàng hình F-117 Nighthawk. |
Chính vì thế, Không quân Mỹ đã nghĩ ra một ý tưởng mới giúp máy bay hạn chế bị radar phát hiện, đó chính là công nghệ tàng hình. Máy bay sẽ được thiết kế và sử dụng vật liệu sao cho giảm khả năng bộc lộ tín hiệu trước màn hình radar môt cách tối thiểu nhất mà không cần tới các máy bay hay thiết bị gây nhiễu. Ý tưởng này đã cho ra đời mẫu máy bay tấn công tàng hình đầu tiên trên thế giới: F-117 Nighthawk và cuối những năm 1980, Không quân Mỹ cho ra đời máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit.
Tri Năng