Việt Nam là một quốc gia có truyền thống sử dụng các loại vũ khí do Liên Xô (cũ) và Nga hiện nay sản xuất. Đặc biệt ở trang bị vũ khí cá nhân thì AK-47/AKM là loại súng trường tiến công tiêu chuẩn cho quân đội nhân dân Việt Nam.
AK-47 tất nhiên là một khẩu súng trường tiến công thành công nhất mọi thời đại tuy vậy có cũng có những hạn chế nhất định. Hạn chế lớn nhất của AK-47 là khó trang bị kèm theo các phụ hiện hỗ trợ tác chiến như kính ngắm hay súng phóng lựu kẹp nòng.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư các loại vũ khí cá nhân hiện đại cho các lực lượng chuyên trách nhằm tiến đến việc xây dựng quân đội chính quy-hiện đại. Hải quân đánh bộ là lực lượng được ưu tiên trang bị súng trường tiến công hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay TAR-21.
|
TAR-21 và các biến thể trang bị cho lực lượng Hải quân Đánh bộ Việt Nam.
|
IMI Tavor TAR-21 là viết tắt của cụm từ “súng trường tiến công thế kỷ 21”, nó được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn công nghiệp quốc phòng Israel (IMI). TAR-21 đã được chọn làm súng trường tiến công tiêu chuẩn cho quân đội Israel từ năm 2009.
Quá trình phát triển TAR-21 được triển khai vào năm 1995, các nhà thiết kế đã đưa ra giải pháp phát triển một loại súng trường tiến công tiêu chuẩn đáp ứng hầu hết các điều kiện chiến tranh hiện đại cho hầu hết các lực lượng kể cả trong môi trường tác chiến đô thị.
Nhà thiết kế Zalmen Shebs đã lựa chọn thiết kế súng theo kiểu bullpup (toàn bộ khối khóa nòng, băng đạn nằm sau cò súng). Thiết kế này cho phép súng nhỏ gọn hơn, linh hoạt hơn trong khi vẫn đảm bảo được chiều dài nòng súng để duy trì tầm bắn xa.
Súng được sản xuất bằng vật liệu composite công nghệ cao giúp giảm trọng lượng và tăng độ bền cơ học. Thân súng được thiết kế rất “hầm hố” đại diện cho một bước tiến mới trong thiết kế súng trường thế kỷ 21. Súng được trang bị tích hợp kính ngắm quang học MARS có laser chấm đỏ giúp xạ thủ tác chiến dễ dàng hơn.
|
Biến thể dùng cho lực lượng đặc biệt CTAR-21.
|
TAR-21 hoạt động theo nguyên tắc trích khí dài với bệ khóa nòng gắn khóa nòng xoay, khóa nòng của TAR-21 có 7 rãnh. Súng có thể tống vỏ đạn ra bên trái hoặc bên phải tùy thuộc vào tay thuận của xạ thủ, tuy nhiên việc sửa đổi này đòi hỏi phải tháo lắp ở bộ phận khóa nòng nên không thể thực hiện một cách nhanh chóng.
Nòng súng TAR-21 được thiết kế với 6 rãnh khương tuyến, tỷ lệ xoắn 178mm (tương đương với tỷ lệ xoắn của khẩu M16A2 của Mỹ). Súng sử dụng hộp tiếp đạn 5,56x45mm tiêu chuẩn NATO cơ số 30 viên. TAR-21 sử dụng loại đạn M193 cho bộ binh và đạn M855 nặng hơn cho các tay thiện xạ.
Khóa an toàn kiêm chọn chế độ bắn nằm ngay phía sau cò súng và có thể điều chỉnh từ 2 bên, súng có 2 chế độ bắn bán tự động và tự động hoàn toàn. Súng có tốc độ bắn 750-900 viên/phút, sơ tốc đầu nòng 870-910 m/s tùy biến thể, tầm bắn hiệu quả khoảng 500 mét. Súng có thể gắn súng phóng lựu kẹp nòng M203 40mm của Mỹ.
TAR-21 là một súng trường thiết kế module nên có thể sản xuất nhiều biến thể khác nhau trên một bộ khung duy nhất, gồm:
- TAR-21 là biến thể tiêu chuẩn sử dụng cho bộ binh đa chức năng, súng có chiều dài 720mm, nòng súng dài 460mm, trọng lượng rỗng 3,27kg.
|
Hải quân đánh bộ Việt Nam được trang bị hầu hết các biến thể của TAR-21. Trong ảnh là biến thể GTAR-21 với súng phóng lựu kẹp nòng.
|
- GTAR-21 là biến thể với thiết kế đặc biệt để gắn súng phóng lựu kẹp nòng M203 40mm. CTAR-21 là biến thể rút gọn của TAR-21, súng có chiều dài 640mm, nòng súng dài 380mm, trọng lượng rỗng 3,18kg.
- STAR-21 là biến thể thiện xạ với 2 chân chống phía trước để tăng độ ổn định khi bắn, trọng lượng rỗng 3,67kg.
- MTAR-21 là biến thể tiểu liên với chiều dài chỉ 590mm, nòng súng dài 330mm, trọng lượng rỗng chỉ 2,95kg.
- Zittara là tên gọi của biến thể MTAR-21 sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép, súng có một vài sửa đổi để phù hợp với loại đạn 5,56x30mm MINSAS của Ấn Độ.
Hải quân đánh bộ Việt Nam được trang bị các biến thể gồm: TAR-21 tiêu chuẩn, CTAR-21 chuyên dùng cho các đơn vị đặc nhiệm và GTAR-21. TAR-21 được các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là một trong 10 súng trường tiến công tốt nhất thế giới.
Việc đầu tư TAR-21 cho Hải quân đánh bộ cho thấy sự nhạy bén của Bộ Quốc phòng trong việc nhanh chóng đưa hải quân tiến thẳng lên hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Quốc Minh