Tạp chí quân sự Jane’s dẫn lời các quan chức thuộc công ty quốc phòng LIG Nex1 tại triển lãm quốc phòng ADEX-2015 diễn ra tại Seoul cho biết, hệ thống tên lửa phòng không K-SAAM do công ty này phát triển sẽ chính thức được đưa vào thử nghiệm và đánh giá trước khi được trang bị cho Hải quân Hàn Quốc vào năm 2018.
Chương trình phát triển hệ thống tên lửa phòng không trên hạm thế hệ mới K-SAAM được LIG Nex1 triển khai từ năm 2011 và được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2013.
|
Gian hàng trưng bày của LIG Nex1 tại triển lãm quốc phòng ADEX.
|
Theo một nguồn tin tiết lộ với Jane’s cho hay, LIG Nex1 đã thực hiện tổng cộng 22 lần phóng thử nghiệm các tên lửa K-SAAM. Dự kiến công ty này sẽ phóng thử thêm ít nhất 10 lần nữa trước khi ký hợp đồng chính thức với Cơ quan quản lý các chương trình mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
K-SAAM là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung được thiết kế để bảo vệ biên đội tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc trước các loại tên lửa hành trình chống hạm, máy bay chiến đấu. Đây được xem là ứng viên thay thế cho các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn trên hạm RAM-116 đã lỗi thời do hãng Raytheon chế tạo.
Đạn tên lửa phòng không K-SAAM có chiều dài gần 2,1m, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính sau khi phóng và đầu dò hồng ngoại ở pha cuối. Các tên lửa K-SAAM sẽ được triển khai trên hệ thống ống phóng thẳng đứng VLS và mỗi tàu khu trục thế hệ mới của Hải quân Hàn Quốc sẽ có thể mang theo ít nhất 16 tên lửa K-SAAM.
|
Mô hình của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung trên hạm K-SAAM do LIG Nex1 phát triển.
|
Hiện tại, LIG Nex1 vẫn chưa tiết lộ bất cứ thông tin gì về K-SAAM nhưng khẳng định đây sẽ là hệ thống tên lửa phòng không trên hạm vượt trội hơn hẳn các hệ thống phòng không trước đây Hải quân Hàn Quốc từng sử dụng.
Hải quân Hàn Quốc bắt đầu đưa vào trang bị các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn RAM-116 đầu tiên vào năm 1999, theo một hợp đồng trị giá 24.9 triệu USD cung cấp 3 hệ thống RAM đầu tiên dành cho ba tàu khu trục lớp Chungmugong Yi Sun-sin (KDX-II) và sau này tiếp tục với các tàu khu trục lớp Sejong Đại đế (KDX-III), tàu khu trục lớp Incheon và tàu đổ bộ tấn công lớp Dokdo.
Tuấn Đặng