Pháo tự hành SU-100
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã nhận số lượng không nhỏ pháo tự hành chống tăng SU-100. Đây là thiết kế được Liên Xô phát triển ngay trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.
Pháo tự hành SU-100 thiết kế dựa trên khung bệ xe tăng hạng trung T-34-85. Xe pháo nặng 31,6 tấn, dài 9,45m, rộng 3m, cao 2,25m, kíp chiến đấu 4 người. Với động cơ V-2-34 có 12 xi lanh, công suất 500 mã lực, SU-100 có thể đạt tốc độ 48km/h, tầm hoạt động 320km.
Để chống lại xe tăng đối phương, SU-100 được bọc giáp trước dày 75mm, giáp bên hông 45mm và giáp nóc xe 20mm. Vũ khí chính của SU-100 là pháo D-10S cỡ nòng 100mm, có thể xuyên giáp dày 85mm của xe tăng Panther (Đức) từ cách xa 1,5km.
|
Pháo tự hành chống tăng SU-100 của Việt Nam.
|
SU-100 mang những đặc trưng của các pháo tự hành chống tăng: rẻ tiền, dễ sản xuất qui mô lớn, mang được pháo lớn hơn so với xe tăng T-34-85. SU-100 không có tháp pháo quay, nên kém linh hoạt, chỉ phù hợp cho phòng ngự, phục kích, phơi bày mặt trước có giáp dày.
Tuy chỉ tham gia vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh thế giới 2, nhưng SU-100 đã ít nhiều chứng tỏ được sức mạnh của mình.
SU-100 được xuất khẩu và viện trợ tới nhiều quốc gia trên thế giới. Sau này, một biến thể phù hợp với điều kiện sa mạc là SU-100M tiếp tục tham chiến ở Ai Cập, chống lại Isarel.
Ngày nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Nhân dân Triều Tiên vẫn tiếp tục sử dụng một số lượng nhỏ pháo chống tăng tự hành SU-100.
Pháo tự hành SU-122
Ngoài SU-100, Binh chủng Pháo binh Việt Nam còn có trong trang bị pháo tự hành SU-122. Thực tế thì đây là cách định danh của Việt Nam dành cho pháo tự hành 2S1 Gvozdika (dịch ra là hoa cẩm chướng) do Liên Xô sản xuất và đưa vào trang bị năm 1970.
Có lẽ sau cuộc chiến tranh chống Mỹ thì Việt Nam mới được viện trợ số lượng nhỏ 2S1 Gvozdika. Và có thể là để đồng bộ với cách gọi SU-100 thì chúng ta gọi nó là SU-122 (số 122 tương ứng với cỡ nòng pháo).
2S1 Gvozdika ra đời nhằm gia tăng sức mạnh cho các binh đoàn xe tăng và cơ giới hóa của Quân đội Liên Xô. Mỗi sư đoàn xe tăng Liên Xô được biên chế 36 pháo tự hành 2S1, trong khi mỗi sư đoàn bộ binh cơ giới có 72 xe.
|
Pháo tự hành 2S1 Gvozdika.
|
Pháo 2S1 được thiết kế sử dụng khung bệ xe bọc thép đa dụng MT-LB. Đóa “hoa cẩm chướng” này nặng 15,7 tấn, dài 7,3m, rộng 2,85m và cao 2,4m, với kíp lái 4 người.
Do phải hạn chế trọng lượng và kích thước, để có thể vận chuyển bằng các loại máy bay vận tải như An-12, An-124 hay IL-76, nên 2S1 chỉ được bọc giáp mỏng từ 15-20mm, đủ để chống lại vũ khí hạng nhẹ và mảnh bom, pháo. Bù lại, với động cơ diesel JMZ-238M công suất 300 mã lực, 2S1 có tính việt dã cao, đạt tốc độ tối đa 60km/h, bơi với tốc độ 5km/h, vượt lũy cao 0,8m, hố sâu 2,2m và có tầm hoạt động lên đến 500km.
Vũ khí chính của 2S1 là lựu pháo D-32 cỡ nòng 122mm, với chiều dài gấp 35 lần cỡ nòng, rất hiệu quả trong chống công sự cũng như các mục tiêu khác, kể cả xe tăng. 2S1 bắn được nhiều loại đạn, và thường mang theo cơ số đạn 40 viên gồm 35 viên đạn nổ, phá mảnh và 5 viên đạn nổ lõm chống tăng. Ngoài ra, 2S1 còn có một súng máy 7,62mm với 300 viên đạn.
|
2S1 có tốc độ bắn khá cao.
|
Trong chiến đấu, pháo 2S1 có thể đạt tốc độ bắn lên đến 5 phát/phút. Kíp lái được hỗ trợ bởi kính ngắm PG-2 và kính ngắm quang học dẫn bắn trực tiếp OP5-37.
Để chống tăng, 2S1 sử dụng đạn nổ lõm với đầu đạn BP-1, sơ tốc đầu đạn 740m/s, tầm bắn 2km, xuyên giáp 180mm. Khi bắn đạn đạn nổ, tầm bắn tối đa là 15km. Khi sử dụng kiểu đạn tăng tầm, tầm bắn đạt tới 21,9km.
Pháo tự hành 2S1 đã xuất hiện ở nhiều nước, và ngày nay vẫn nằm trong biên chế nhiều lực lượng, trong đó có Quân đội Nhân dân Việt Nam. Qua sử dụng, 2S1 đã chứng tỏ được uy lực của mình, với tư cách một pháo tấn công tiền duyên mạnh, chế áp công sự và bộ binh địch. Với ưu thế về khả năng việt dã cao, thích hợp với điều kiện địa hình phức tạp, 2S1 sẽ còn được “trọng dụng” trong thời gian tới.
Pháo tự hành SU-152
“Người anh em” thứ 3 trong “gia đình pháo tự hành họ SU” của Việt Nam là SU-152. Tất nhiên đây cũng là cách định danh của Việt Nam đối với loại pháo 2S3 Akatsiya do Liên Xô sản xuất từ những năm 1970.
Khác với 2S1 Gvozdika chú trọng tính cơ động cao, 2S3 Akatsiya (dịch ra là hoa phượng trắng) đề cao sức mạnh hỏa lực. Trong mỗi sư đoàn xe tăng, bộ binh cơ giới Liên Xô thường được biên chế 18 pháo tự hành 2S3 Akatsiya.
Pháo tự hành 2S3 được thiết kế trên khung gầm xe bánh xích GM-123 và GM-124. Bông “hoa phượng trắng” này nặng đến 25 tấn, dài 8,4m, rộng 3,2m và cao 2,8m, kíp lái 4 người. Tuy nặng hơn 2S1, nhưng 2S3 cũng có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải An-22.
|
Pháo tự hành 2S3 Akatsiya.
|
Lớp giáp của 2S3 cũng mỏng tương tự 2S1 với cỡ 15-20mm đủ chống vũ khí hạng nhẹ, mảnh đạn pháo.
Với động cơ diesel V-12 công suất 520 mã lực, 2S3 có thể đạt tốc độ tối đa 55km/h, vượt lũy cao 1,1m, hố sâu 2,5m và có tầm hoạt động lên đến 300km.
Vũ khí chính của 2S3 là pháo D-22 cỡ nòng 152mm, cơ số đạn 40 viên với đạn nổ phá OF-540 có thể đạt tầm bắn xa nhất tới 18,5km hoặc với đạn tăng tầm là 24km. Qua thử nghiệm, tốc độ bắn trung bình của 2S3 là 1,9 phát/phút. Khi bắn trực xạ công sự địch, tốc độ bắn tối đa là 3,5 phát/phút.
Để đối phó với tình huống chiến tranh hạt nhân, 2S3 Akatsiya được trang bị hệ thống chống vũ khí sinh hóa xạ, hệ thống chữa cháy tự động để bảo vệ kíp chiến đấu.
Lương Minh