Giải mã đóng góp của Việt Nam trong phát triển Su-25 Nga

Google News

(Kiến Thức) - Đáng ngạc nhiên khi Việt Nam góp một phần không nhỏ trong chương trình phát triển máy bay cường kích Su-25 của Liên Xô.

Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động và sử dụng rất nhiều loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị chiến tranh hiện đại nhất vào thời điểm đó. Không ít trong số đó sau 1975 đã được quân đội ta thu giữ và sử dụng. Không những vậy, ta chuyển một phần những chiến lợi phẩm này cho các nước bạn bè anh em để phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu qua đó có phương pháp đánh giặc hiệu quả. Với các nước bạn, đặc biệt là Liên Xô thì những món quà như vậy là đặc biệt quý giá. Với khả năng của mình, Moscow không chỉ dừng lại ở việc tìm ra phương pháp khắc chế vũ khí đối phương mà còn ứng dụng những ưu điểm lấy được trên chúng để nghiên cứu chế tạo ra vũ khí mới ưu việt. Điển hình là chương trình nghiên cứu những máy bay F-5E và A-37B để chế tạo ra máy bay cường kích chi viện hỏa lực tầm gần Su-25.
“Area 51” của Liên Xô
Đó là vào mùa hè năm 1976, căn cứ không quân Akhtubinsk thuộc vùng thảo nguyên Astrakhan mênh mông vắng bóng người, nhận được hai lô hàng bí mật.
Có rất ít người thấy những lô hàng này và càng ít hơn số người biết bên trong những thùng hàng kia thực sự ẩn chứa gì. Đó những mảnh tháo rời của hai chiếc máy bay F-5E Tiger II và Cessna A-37B Dragonfly mà Việt Nam tịch thu được từ sân bay Biên Hòa sau chiến thắng 30/4/1975 gửi sang. Dù có một mạng lưới tình báo gián điệp khổng lồ để thu thập những thông tin về vũ khí Mỹ, nhưng có lẽ phải nhờ tới người bạn như Việt Nam thì các chuyên gia hàng không Liên Xô mới được làm việc với những chiếc máy bay chiến đấu thực sự và nguyên lành của Mỹ. Chương trình nghiên cứu chúng diễn ra nhanh chóng nhưng trong lặng lẽ nhất có thể.
 F-5 hoạt động trong Không quân Nhân dân Việt Nam sau 1975.
Chiếc F-5E được ưu tiên phân tích trước, các kỹ sư Liên Xô đã gặp khá nhiều khó khăn để lắp ráp lại thành công tiêm kích Mỹ trong điều kiện không có một tài liệu hướng dẫn cụ thể nào.
Đây là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ được Mỹ phát triển để trở thành “máy bay chiến đấu quốc tế”. Tức có thể trang bị, sử dụng đại trà cho các đồng minh của Washington trên khắp địa cầu để chống lại những mối đe dọa từ những máy bay MiG của Liên Xô. Để đảm bảo được sứ mạng này, F-5E có thiết kế nhỏ nhẹ, đơn giản, giá thành thấp, dễ vận hành, bảo dưỡng. Còn đối với quân đội Mỹ, cụ thể là không quân, loại máy bay chiến đấu “tí hon” như F-5 không được coi trọng thậm trí là xem thường. Họ ưa thích những chiếc chiến đấu cơ phản lực to lớn, cơ bắp và hầm hố như F-105 Thunderchief hoặc F-4 Phantom. Những thế hệ F-5 đời đầu thậm trí còn không được trang bị radar, hoạt động như những máy bay cường kích hỗ trợ mặt đất. Sau này chúng bị mang ra hóa trang thành các máy bay Liên Xô, làm bia tập cho không quân Mỹ trong các đợt huấn luyện chiến đấu. Người Nga gọi F-5 là máy bay chiến đấu của “thế giới thứ ba”, “máy bay chiến đấu thuộc địa”.
Mùa đông năm 1976, sau khi những công việc nghiên cứu dưới mặt đất kết thúc, Liên Xô bắt đầu thử nghiệm khả năng của F-5 ở trên bầu trời. Chương trình thử nghiệm được xây dựng với khoảng 25-30 chuyến bay, có 18 lần cho “đối đầu” với MiG-21 để đánh giá.
Kết quả đạt được đã khiến các chuyên gia hàng không Liên Xô rất bất ngờ.
Chiếc F-5E số serial 7300807 trong quá trình thử nghiệm tại Liên Xô 
Theo cảm nhận của Anh hùng Liên Xô, đại tá Vladimir Kandaurov, một trong 3 phi công thử nghiệm lái chiếc F-5E thì khi vừa tiếp xúc với máy bay đã thấy thiết kế buồng lái của máy bay rất thân thiện với phi công, có bàn đạp phanh mà ở Liên Xô lúc đó chỉ sử dụng cho xe tải hạng nặng, cách bố trí bảng điều khiền tuyệt vời, kính buồng lái được chế tạo bằng vật liệu quang học tốt, ngăn việc bị chói lóa trong mọi điều kiện….
Trên lý thuyết, F-5E thua thiệt rất lớn sao với MiG-21 ở nhiều tham số quan trọng như sức mạnh của radar, tốc độ tối đa (2M và 1,6M), tốc độ leo cao (225 m/s và 175 m/s), lực đẩy/trọng lượng MiG-21 gấp 2 lần…. Nhưng khi thử nghiệm, gần như MiG-21 chỉ phát huy được lợi thế về radar, tức là phát hiện ra F-5E trước và phóng tên lửa tấn công. Trong trường hợp cận chiến, đánh quần, F-5E lại dành được nhiều chiến thắng bởi sự cơ động dễ dàng của một máy bay nhỏ nhẹ, được thiết kế khí động tốt, hệ thống điều khiển và ngắm bắn hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt khi phải quần lộn với gia tốc lớn. MiG-21 không thể theo kịp F-5E trong điều kiện như vậy. Khi cho MiG-23 cận chiến với F-5E kết quả thậm trí còn đáng thất vọng hơn nữa. Sự nhanh nhẹn khó tin của F-5E có thể trừng phạt bất cứ đối thủ nào.
Ẩn đằng sau chiếc “máy bay chiến đấu thuộc địa” là sức mạnh của một con quái vật thực sự. Bài học lớn nhất rút ra sau chương trình thử nghiệm là khi đối đầu với F-5 phải sử dụng triệt để chiến thuật “bắn-chuồn”, không sa vào cận chiến với loại máy bay này.
Máy bay cường kích tốc độ cận âm A-37 của Không quân Mỹ tại căn cứ Biên Hòa, trước 1973.
Mẫu cường kích phản lực hai động cơ Cessna A-37B Dragonfly cũng mang lại cho người Nga nhiều bài học quý. Giống như F-5, A-37 là máy bay nhỏ nhẹ, đơn giản, dễ sử dụng, bảo trì, sửa chữa có thể phù hợp với nhiều quốc gia. Được sinh ra từ yêu cầu trực tiếp trong cuộc chiến tranh Việt Nam, rất nhiều A-37 đã được đưa sang miền Nam để hoạt động như một máy bay hỗ trợ bộ binh mặt đất cũng như ném bom hạng nhẹ. Riêng về A-37B, Không quân VNCH được trang bị khoảng 254 chiếc. Chúng còn có biệt danh là Super Tweet.
Các kỹ sư hàng không Liên Xô rút ra một số ưu điểm của dòng máy bay này. Đầu tiên là về lớp giáp thép bọc kín khung vực buồng lái. Điều này làm họ thoáng liên tưởng tới máy bay cánh quạt huyền thoại Il-2. Lớp giáp này hết sức giá trị khi ta biết rằng đại đa số số máy bay Mỹ bị hạ ở Việt Nam cũng như máy bay Liên Xô ở Afghanistan bằng các loại súng cá nhân. Tiếp theo, thùng nhiên liệu được làm bằng polyurethane chống cháy, chia ra từng ô nhỏ, một dạng vật liệu có những tính năng cực tốt như đàn hồi hơn cao su, bền chắc hơn kim loại, chống dầu, chống xé rách, chịu nén, chống va đập…Với loại vật liệu và cấu trúc như thế, thùng nhiên liệu rất bền, chắc, khó cháy nổ khi trúng đạn. Một phát hiện nữa là trong thiết kế các dây mạch của A-37B sử dụng tối thiểu các mối hàn, thay vào đó là các mối kẹp, rất thuận lợi cho việc sửa chữa trong điều kiện chiến tranh.
Hóa thân vào Su-25
 Su-25 hóa ra lại sử dụng một số công nghệ của F-5E và A-37 mà Việt Nam cung cấp cho Liên Xô.
Hai mẫu F-5E Tiger II và A-37B Dragonfly sau khi trải qua các thử nghiệm của không quân được chuyển lại Cục thiết kế Sukhoi nghiên cứu. Lúc bấy giờ, cùng với sự điều chỉnh lại học thuyết quân sự của Liên Xô, Sukhoi đang phát triển một máy bay cường kích mới để hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất. Máy bay này mang tên thử nghiệm là T-8.
Trên cơ sở tham khảo hai mẫu máy bay Mỹ, Sukhoi đã có được những điều chỉnh quý giá cho chương trình cường kích của mình. Có thể kể đến như hệ thống điều khiển, phân phối tải, thùng nhiên liệu polyurethane học hỏi từ A-37B trong khi cánh được thiết kế lại để có sự linh hoạt như của F-5E. Kết quả, mẫu T-8 hoàn thiện với cái tên Su-25 và được coi như cường kích đáng gờm nhất thế giới từ khi xuất hiện tới nay.
Anh Trần

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Kiên -

Dù sao thì chúng ta cũng có công lao...nên vui vì điều này

ad -

Đọc kĩ hẵng thắc mắc
Bạn đọc kĩ phần cuối bài xem, "Trên cơ sở tham khảo hai mẫu máy bay Mỹ, Sukhoi đã có được những điều chỉnh quý giá cho chương trình cường kích của mình. Có thể kể đến như hệ thống điều khiển, phân phối tải, thùng nhiên liệu polyurethane học hỏi từ A-37B trong khi cánh được thiết kế lại để có sự linh hoạt như của F-5E."

Đúng là thời điểm đó mẫu thử nghiệm chương trình Su-25 định danh là T-8 đã bay thử nghiệm chuyến đầu tiên. Nhưng trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu thì chiếc bay thử chưa chắc đã là chiếc được sản xuất loạt, người ta còn phải điều chỉnh chán chê mới cho ra bản chính thức để sản xuất loạt được.

Khi đó, với sự trợ lực của Việt Nam thì Sukhoi có được một số công nghệ từ A-37, F-5 để ứng dụng cải tiến mẫu thử T-8. Trên cơ sở đó hoàn thiện ở các mẫu thử tiếp sau.

hno -

Lạ nhỉ, theo mình biết thì Su-25 bay thử lần đầu tháng 2/1975, nghĩa là trước khi giải phóng miền Nam vậy thì sao lại có sự liên quan được???

Minh -

Được, kể ra Việt Nam tự làm được nữa thì quá ngon

Hiển thị thêm bình luận