Trong cuộc duyệt binh quy mô lớn ngày 27/7 nhân kỷ niệm 60 năm đình chiến giữa hai miền Triều Tiên, Ngoài những vũ khí đã từng xuất hiện trong các cuộc diễu binh trước đó, lần đầu tiên Triều Tiên công khai trực thăng đa năng hạng nhẹ MD-500 có nguồn gốc từ Mỹ hiện biên chế trong quân đội nước này.
Sự xuất hiện của một loại trực thăng Mỹ trong biên chế trong Quân đội Triều Tiên khiến nhiều người không khỏi tò mò về nguồn gốc của nó. Trực thăng MD-500 đã đến Triều Tiên từ khi nào và bằng cách nào? Làm thế nào mà một loại trực thăng do Mỹ sản xuất lại có thể xuất hiện trong biên chế Quân đội Triều Tiên khi mà Mỹ chưa bao giờ ngưng cấm vận vũ khí đối với Bình Nhưỡng.
|
Trực thăng MD-500 lần đầu lộ diễn rõ nét nhất trên bầu trời Bình Nhưỡng ngày 27/7.
|
Trang mạng Livejournal đã tiết lộ về bí mật nguồn gốc của MD-500 trong biên chế Quân đội Triều Tiên, theo đó giai đoạn 1984-1985 Triều Tiên đã bí mật tìm cách mua trực thăng MD-500 từ công ty Hughes của Mỹ. Tổng cộng có 87 chiếc đã lên kế hoạch mua lại thông qua một bên thứ 3 nhằm qua mặt các nhà chức trách Mỹ.
Trong 87 chiếc lên kế hoạch mua có một chiếc biến thể MD-500C, 20 chiếc MD-500D và 66 chiếc MD-500E. Hợp đồng được thực hiện thông qua công ty Delta-Avia Fluggeräte GmbH của Tây Đức. Trên các giấy tờ được trình lên các cơ quan chức năng Mỹ phê duyệt, lô trực thăng này được ghi xuất khẩu cho các khách hàng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nigeria và Nhật Bản.
Nhưng trên thực tế, khách hàng cuối cùng của lô hàng này chính là Triều Tiên, bằng các biện pháp tinh vi này Triều Tiên đã qua mặt được các nhà chức trách Mỹ, tất nhiên không thể thiếu sự phối hợp của các đối tác.
Hành trình đến Triều Tiên của lô trực thăng này khá vòng vèo. Ban đầu nó được chuyển đến Antwerpen của Bỉ bằng đường biển từ Los Angeles (Mỹ), sau đó lại được chuyển lên tàu đến cảng Rotterdam, Hà Lan, tại đây lô trực thăng này lại được chuyển lên một tàu hàng của Liên Xô sau đó chuyển đến Triều Tiên.
Lô trực thăng MD-500 đầu tiên đã được chuyển trót lọt đến Triều Tiên vào tháng 11/1984. Lô thứ 2 đã được lên kế hoạch để chuyển giao trong năm 1985 nhưng đã bị các nhà chức trách Mỹ phát hiện và ngăn chặn. Không rõ bao nhiêu chiếc trực thăng MD-500 đã được chuyển đến Triều Tiên trong lô hàng đầu tiên.
|
Chiếc MD-500 được trang bị 2 tên lửa chống tăng có điều khiển 9K11 Malyutka.
|
Những chiếc trực thăng MD-500 đã được Triều Tiên “độ” lại bằng cách trang bị cho nó 4 tên lửa chống tăng 9K11 Malyutka trên 2 điểm treo ở hai bên hông trực thăng. Việc vũ trang lại giúp cho loại trực thăng này có khả năng chống tăng khá mạnh.
Theo các bức ảnh trong lễ duyệt binh có ít nhất 6 chiếc MD-500 bay trong lễ duyệ tbinh và không loại trừ khả năng con số MD-500 trong biên chế quân đội Triều Tiên còn nhiều hơn thế. Tình trạng của các trực thăng này qua ảnh chụp cho thấy trạng thái hoạt động rất tốt như vậy Triều Tiên không gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động loại trực thăng này.
MD-500 đang được sử dụng rộng rãi cho các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới nên Bình Nhưỡng có thể đã tiếp cận được nguồn cung cấp linh kiện cho trực thăng này theo cái cách mà họ đã sở hữu nó.
Có lẽ quốc gia lo lắng nhất với sự xuất hiện của MD-500 tại Triều Tiên là Hàn Quốc. Seoul cũng có một loại trực thăng tương tự là 500MD, mặc dù tên gọi khác nhau nhưng ngoại hình 2 loại trực thăng này rất giống nhau và cùng một nhà sản xuất. Bình Nhưỡng có thể lợi dụng sự giống nhau về ngoại hình màu sơn, phù hiệu để tiến hành các vụ đột kích vào bên trong lãnh thổ Hàn Quốc.
Bình Đức