Nguồn gốc pháo phản lực ĐKB
Từ giữa những năm 1960, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một số tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad cực kỳ hiện đại thời điểm bấy giờ. Một tiểu đoàn pháo phản lực trang bị BM-21 có thể đồng loạt bắn tới 720 quả đạn trong vòng 20 giây trùm lên một khu vực rộng với khả năng sát thương khủng khiếp.
Tuy nhiên, BM-21 Grad lúc bấy giờ lại không phù hợp với chiến tranh du kích mà quân giải phóng miền Nam đang áp dụng. Vì vậy, Việt Nam đã đưa ra đề xuất Liên Xô cải tiến BM-21 Grad phù hợp hơn với chiến trường ở Việt Nam.
|
Pháo phản lực ĐKB được trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Pháo binh. |
Tiếp nhận đề xuất hợp lý từ Việt Nam, chính phủ Liên Xô khi đó đã lệnh cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo các xí nghiệp sản xuất tập trung cải tiến pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad phù hợp với cuộc chiến tranh du kích ở Việt Nam. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các kĩ sư tài ba của Liên Xô đã phát triển xong hệ thống pháo phản lực mang vác hạng nhẹ được định danh là Grad-P.Nhưng khi đưa sang Việt Nam vào năm 1966, Grad-P được bộ đội Việt Nam gọi là DKZ-66, sau đó tiếp tục được đổi tên một lần nữa – pháo phản lực ĐKB (ý nghĩa tên gọi là: loại ĐKZ chuyên dùng chiến đấu ở chiến trường B).
Pháo phản lực ĐKB có kết cấu đơn giản gồm ống phóng (có thể mang vác) 9P132, đạn rocket lắp đầu nổ phá mảnh 9M22M 122mm (tầm bắn 11km), bệ pháo 3 chân và bộ điều khiển.Trong trạng thái chiến đấu, toàn bệ phóng có trọng lượng 55kg, khi hành quân chia làm 2 phần (nòng pháo nặng 25kg và bệ 28kg). Thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu: 2,5 phút và ngược lại: 2 phút.
Nhìn chung, pháo phản lực Grad-P hay là ĐKB ngay khi đưa vào chiến trường Việt Nam đã phát huy được hiệu quả tuyệt vời. Toàn bệ phóng nhỏ gọn, dễ mang vác, cơ động trong địa hình rừng núi trong khi vẫn đảm bảo hỏa lực mạnh, phù hợp với chiến thuật đánh nhanh - rút gọn.
Nối tầng ĐKB đập tan tành căn cứ Mỹ-VNCH
Từ năm 1967, bộ đội quân giải phóng miền Nam đưa vào sử dụng rộng rãi pháo phản lực ĐKB và gây ra thiệt hại lớn cho quân địch. Điển hình như trận đánh ngày 11/2/1967, 54 khẩu ĐKB của Trung đoàn 84A chỉ trong 15 phút đã hủy diệt 150 máy bay Mỹ-VNCH ở sân bay Biên Hòa.
Tuy nhiên, địch cũng nhanh chóng tìm ra phương án đối phó với uy lực khủng khiếp của ĐKB. Theo đó, Mỹ-VNCH đã tăng chiều sâu tuyến phòng thủ, đồng thời tăng cường bình định đẩy lực lượng ta ra xa. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho ta khi mà tầm bắn của ĐKB giới hạn.
Trước tình hình đó, cần phải có loại vũ khí có uy lực lớn, dễ cơ động như ĐKB nhưng tầm bắn xa hơn. Tư lệnh Binh chủng Pháo binh Nguyễn Thế Lâm nhiều lần trao đổi những suy nghĩ của mình với Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự Hoàng Đình Phu. Ý tưởng của Tư lệnh Nguyễn Thế Lâm tiếp thêm quyết tâm nghiên cứu tăng tầm ĐKB cho cán bộ Viện Kỹ thuật quân sự.
|
Đạn phản lực ĐKB rời bệ phóng. |
Sau một thời gian nghiên cứu, các cán bộ Viện Kỹ thuật quân sự quyết định dùng giải pháp nối tầng ĐKB tăng tầm bắn. Vấn đề cần giải quyết là, khớp nối hai động cơ phải bảo đảm tính vững chắc, độ ổn định, đồng thời khớp nối và tầng một phải cắt bỏ khỏi hệ thống khi tầng hai bắt đầu làm việc. Trong quá trình đạn bay làm sao phải điểm hỏa tầng hai, khi tầng một cháy hết.
Để giải quyết, các cán bộ kỹ thuật của ta đã áp dụng nguyên lý quán tính để điều khiển kim hỏa nhoi lên điểm hỏa tiếp cho tầng hai làm việc gọi là cơ cấu "ngòi nhoi". Cách điểm hỏa này khắc phục được độ tản mát lớn của đạn khi dùng ngòi nổ hẹn giờ. Ngoài ra, giá đỡ đạn ĐKB nối tầng phải tính toán đủ độ dài để khi phóng bảo đảm độ ổn định.
Sau nhiều lần nghiên cứu, cải tiến, thử nghiệm, tháng 11/1969, bản thiết kế pháo ĐKB nối tầng chính thức được giao cho các nhà máy quân giới. Nhà máy Z117 sản xuất ống nối, Nhà máy Z113 sản xuất "ngòi nhoi". Kết quả bắn thử nghiệm sau sản xuất, ĐKB nối tầng đạt 18km, đường đạn đi ổn định, độ tản mát không lớn.
Sau đó, bản thiết kế cải tiến ĐKB nối tầng được miền Bắc gửi vào cho Quân giới Quân khu 5 và Xưởng B109 (miền Đông Nam Bộ) sản xuất để phục vụ bộ đội.
Ngày 2/5/1970, Đoàn Pháo binh Biên Hòa đã dùng ĐKB nối tầng bắn vào căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh), nơi đóng quân của Sở chỉ huy Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 Mỹ. Bão lửa ĐKB nối tầng trùm lên mục tiêu địch cách trận địa ta 18km gây cho chúng nhiều thiệt hại. Quân khu 5 còn sử dụng ĐKB nối tầng bắn vào căn cứ Sơn Trà (khu vực an toàn nhất của Mỹ ở Đà Nẵng). Sĩ quan và binh lính địch rất hoang mang với loại vũ khí này và chúng gọi là "B-52 cộng sản".