Gần đây, những thông tin về thiết kế, sức mạnh T-95 đã được “hé lộ” trong cuộc trò chuyện giữa Tổng biên tập trang Rosinformbyuro Vyacheslav Prunov với Thượng tướng Sergei Maev – người từng giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Ô tô - Tăng thiết giáp Bộ Quốc phòng Liên bang Nga giai đoạn 1996-2003. Đặc biệt, ông cũng là người chỉ huy việc nghiên cứu chế tạo xe tăng T-95 (còn được biết đến là Công trình thiết kế thử nghiệm “Hoàn thiện-88”).
Dưới đây là nội dung còn lại của cuộc trò chuyện:
- Thưa ngài, nhiều người để ý đến hình dạng không bình thường của T-95, khác với các xe tăng Nga khác, nó khá cao?
Các quân nhân của chúng ta không thoát ra được khỏi suy nghĩ là xe phải sát xuống mặt đất. Nhưng đó là khi chưa có đạn có điều khiển. Còn bây giờ, nếu viên đạn có điều khiển bay đến khối kim loại hay tìm nhiệt, đằng nào nó cũng tìm thấy mục tiêu, thậm chí cả khi mục tiêu nằm soài trên mặt đất.
- Có ý kiến cho rằng, với trình độ kỹ thuật điện tử như vậy, vấn đề “thị giác kỹ thuật” không thể được giải quyết đến cùng.
Tất nhiên, đã có những vấn đề nhất định khi khai thác xe. Ví dụ T-80, đến nay nó vẫn là chiếc xe tuyệt đối tin cậy. Vậy mà thoạt đầu ai cũng từ chối nó, bởi vì lúc đó nó chưa tin cậy. Và T-95 cũng có thể gặp phải những vấn đề tương tự. Nhưng tôi tin tưởng rõ ràng là, nhờ sự phát triển nhanh của công nghệ, những khiếm khuyết này có thể khắc phục được.
Vấn đề chủ yếu là đã tìm ra một phưong án kết cấu hoàn toàn mới. Chính anh đã nói, là T-64 khác với T-62, cũng như T-55 khác T-34, mà T-34 khác BT-7. Và T-95 là bước nhảy vọt kỹ thuật mới về chất.
|
Ảnh minh họa.
|
- Vậy Bộ Quốc phòng đã phán xét như thế nào với chiếc xe tăng cách mạng này?
Chúng tôi đã có kế hoạch là năm 2005 kết thúc thử nghiệm cấp quốc gia và cho sản xuất hàng loạt. Năm đầu tiên phải sản xuất 100 xe, sau đó là 300 xe. Khi đó điều này sẽ đi trước sự phát triển của chế tạo xe tăng thế giới 15 năm. Hai năm trước tôi thấy mô hình xe tăng Leopard tại triển lãm ở Paris, trong mô hình đó các nhà thiết kế Đức có ý định bằng cách nào đó lặp lại T-95 về bố trí kíp xe, đạn dược và đưa pháo ra ngoài và các yếu tố về thị giác kỹ thuật. Nhưng đó mới đơn giản chỉ là mô hình.
- Còn ở nước ta (Nga) đã có xe tăng thế hệ mới được hoàn tất?
Khi đó, chúng ta đã có hai mẫu xe tăng T-95 đã chạy được 15.000km. Những khẩu pháo 152mm trên T-95 đã bắn được 287 phát. Chúng tôi còn phải tạo ra mẫu thứ 3, tiến hành hoàn thiện toàn diện trên cơ sở mẫu thứ nhất và thứ 2, còn mẫu thứ 3 sẽ mang thử cấp quốc gia, đưa ra các thay đổi nào đó và đưa vào sản xuất hàng loạt. Và khi đó lẽ ra chúng ta đã có xe tăng tốt nhất thế giới.
- Nhưng đã xảy ra điều gì vậy? Vì sao người ta từ chối chiếc xe T-95 đã xong và bắt đầu công trình mới về Armata?
Khó giải thích điều gì đã xảy ra. Tại một trong các phiên họp của Uỷ ban Công nghiệp - Quân sự, khi các nhà đặt hàng phát biểu, còn Tổng cục trưởng Tổng cục Ôtô tăng thiết giáp lúc đó là Nikolai Ershov, tôi đã nói với họ là để kết thúc công việc với chiếc xe này phải làm thêm một xe tăng nữa, chi cho việc này gần 500 triệu Rub.
- Nhưng đó không phải là số tiền nhiều ghê gớm phải không?
Khi đó, chúng ta vẫn còn đủ sức để thực hiện việc này. Tổng cộng 2,2 tỷ Rub được dành cho việc chế tạo T-95. Khi tôi ra đi (rời khỏi chức vụ Tổng cục trưởng), chúng tôi vẫn còn 700 triệu. Và có thể dùng 400 triệu để làm chiếc thứ ba và 300 triệu dành cho thử nghiệm cấp quốc gia.
Nhưng người ta đã phản đối tôi rằng chiếc xe quá phức tạp về kết cấu, và người ta sẽ không làm chủ được nó, và sẽ rất đắt.
Tôi nói: “Đúng là nó đắt và phức tạp, nhưng bây giờ các anh sẽ tiêu không phải là 700 triệu Rub (chế một chiếc xe mới), mà nhiều hơn nhiều, các anh sẽ đơn giản hoá các tính năng và làm ra chiếc xe. Nó sẽ kém hơn về đẳng cấp”. Tôi đã nói thế này: “Các anh sẽ làm ra một quái thai”.
Tôi không biết điều gì đang xảy ra với Armata. Nhưng tôi nghĩ, Tổng công trình sư Andrei Terlikov cố đưa mọi thứ tốt hơn của T-95 sang “Armata”.
|
Mô hình xe tăng Armata.
|
- Có tin đồn là ở triển lãm tại Nizhniy Tagil người ta sẽ tháo T-90MS Tagil và đặt lên khung bệ 6 bánh tì của nó module chiến đấu mới phải không?
Theo tôi, thân xe sẽ không gặp vấn đề gì. Tôi được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng năm 1996, khi đó chiếc xe này đang ở giai đoạn thiết kế phác thảo. Tôi đã công bố chính mình lãnh đạo dự án này. Tôi bắt đầu tự tiến hành các cuộc tham vấn của các tổng công trình sư. Lúc đó ít tiền, bụng trống rỗng, nhưng đầu óc làm việc tốt. Thế nhưng khi đã có tiền nhiều, thì đầu óc lại làm việc kém hơn.
- Thế mà với “bụng trống rỗng” các nhà thiết kế ở Ural đã làm ra T-95 và tạo nên cuộc cách mạng trong chế tạo xe tăng, còn khung bệ bánh xích Armata vạn năng hạng nặng sẽ cũng là một bước tiến vọt như vậy?
Điều này thì tôi không biết. Tôi không thể trách cứ Armata, nhưng cũng sẽ không thổi phồng ý nghĩa của công trình này.
- Tôi được biết, trên Armata sẽ không lắp pháo 152 mm, mà là pháo 125 mm. Ông đánh giá thế nào, vì sao các nhà thiết kế lại chủ ý chấp nhận hạ thấp hoả lực?
Nguyên nhân là ở sự phức tạp khi sản xuất pháo tăng cỡ nòng lớn. Khẩu 152mm đầu tiên bị phá huỷ ở phát bắn thứ 86, chúng tôi đã rất lâu không thể hiểu được nguyên nhân. Hoá ra, áp suất bên trong đã lên đến 7.500 atmotphe, còn ở những xe tăng khác chỉ có 3.000 atmotphe. Tính ăn mòn của thuốc súng và sơ tốc đầu đạn rất cao. Và chúng tôi bắt đầu thay chiều dày của nòng pháo, nhằm thay đổi biên độ dao động của kim loại. Và thế là đạt được 280 phát bắn. Thêm nữa đạn pháo 152 mm là sản phẩm rất phức tạp. Vậy nên, có lẽ người ta đã quyết định chọn kết cấu cũ đã qua thử nghiệm.
|
Pháo 125mm là chưa đủ để giúp Armata chiếm ưu thế trên chiến trường.
|
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Ôtô - tăng thiết giáp Aleksandr Galkin từng cảnh báo: “Nếu từ chối dùng pháo 152 mm, toàn bộ ý tưởng sẽ thất bại”. Bởi vì người Mỹ có trong dự trữ pháo 140 mm. Họ chỉ cần tiến hành nâng cấp và sẽ đặt lên xe tăng Abrams pháo mới. Pháo 125 mm sẽ làm cho xe Armata không có khả năng cạnh tranh trên bãi chiến trường trong mọi tình huống. Và trên xe mới nhất thiết phải đặt pháo 152 mm.
- Hoá ra, chế tạo Armata, các nhà thiết kế đã thụt lùi một bước?
Chế tạo T-95, chúng tôi đã tạo ra một lớp xe mới. Tiếc là điều đó đã bị để mất. Nghịch lý là ở chỗ phải nâng tính năng của Armata đến mức của “Hoàn thiện-88”. Nhưng bên địch đâu có đứng yên tại chỗ.
- Ông cho là “Armata” sẽ kém hơn T-95?
Đương nhiên là nó sẽ kém hơn “Hoàn thiện-88”. Tôi nghĩ như vậy, nhưng cái mới không bao giờ có được đơn giản như vậy. Phải nắm lấy tất cả ý chí và hoàn thiện T-95 đến cùng. Năm 2005 chúng tôi đã có thể thực chất bắt tay vào sản xuất hàng loạt xe tăng mới. Bây giờ là năm 2013, vậy là ta đã mất 8 năm.
- Tuy nhiên, vì sao T-95 đã không được đưa vào trang bị? Vì sao đã đặt dấu chấm hết lên chiếc tăng tốt nhất thế giới đã được làm xong? Vì sao lại bắt tay vào làm một công trình thiết kế thử nghiệm mới, còn đầy nghi ngờ? Có thể, vấn đề là ở tiền bạc? Bởi vì Phòng thiết kế sống nhờ vào các nghiên cứu?
Xin Chúa tha tội cho tôi! Tôi thì cho là ở đây chỉ có động cơ cá nhân. Chỉ là Ershov (lãnh đạo Tổng cục Ô tô – Tăng thiết giáp kế nhiệm) muốn trở thành chiến sĩ xe tăng vĩ đại. Tôi đã từng cảnh báo anh ta: “Sau một năm người ta sẽ đuổi cậu đi”. Thực tế đúng như vậy.
Nguyễn Vũ