* Bài viết có tham khảo các cuốn sách Bách khoa tri thức toàn dân và Tri thức quân sự.
Tàu chiến hay chiến hạm, chiến thuyền, là loại tàu được đóng để dùng cho chiến đấu. Tàu chiến thường được đóng theo cách hoàn toàn khác với tàu chở hàng. Ngoài việc được trang bị vũ khí, tàu chiến được thiết kế để chịu thiệt hại và thường chạy nhanh hơn và di chuyển linh động hơn tàu chở hàng. Không như tàu chờ hàng, tàu chiến thường chỉ chở vũ khí, đạn dược và quân nhu cho thủ thủy đoàn của chính nó.
|
Thiết giáp hạm Iowa - một trong những tàu chiến lớn nhất trong lịch sử khai hỏa 9 khẩu đại pháo.
|
Trong lịch sử nhiều thế kỷ phát triển, con người đã tạo ra vô số tàu chiến đủ kiểu loại, bên cạnh đó xác lập nhiều kỷ lục:
Tàu bánh xe đầu tiên trên thế giới
Tàu bánh xe là tàu di chuyển bằng các bánh xe guồng đạp nước cỡ lớn lắp ở hai bên thân tàu (hoặc đầu hay đuôi), để đẩy con tàu đi trước khi chân vịt ra đời. Loại tàu kiểu này được ghi nhận là sáng chế tại Mỹ những năm 1800. Tuy nhiên, đấy không phải là chiếc tàu bánh xe đầu tiên trên thế giới.
Theo các ghi chép, “Tàu ngàn dặm” do Tổ Xung đóng vào thời Nam Tề - Trung Quốc và “thủy xa” do một người Trung Quốc tên là Từ Thế Phổ đóng vào thế kỷ thứ 6 được cho là những ghi chép đầu tiên liên quan đến tàu bánh xe. Trên thực tế, tàu bánh xe được được ghi chép rõ ràng đầu tiên là tàu chiến do Lý Cao thời Đường – Trung Quốc chế tạo.
Còn cuốn “Cựu Đường Thư – Lý Cao truyện” cho biết, loại tàu chiến này “có hai bánh, lướt cùng sóng gió như được căng buồm”. Đến thời nhà Tống, tàu bánh xe xuất hiện nhiều hơn, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến “tàu bánh xe Dương Ma”.
Tàu bánh xe là nguyên mẫu của tàu cơ khí thời nhà Minh, loại tàu có thiết bị đẩy bán cơ giới hóa. Mãi đến thế kỷ 16, ở châu Âu mới xuất hiện tàu bánh xe thực sự.
Tàu mái chèo đầu tiên trên thế giới
Tàu mái chèo là một loại tàu quân dụng làm bằng gỗ. Loại tàu này xuất hiện lần đầu tiên tại Venice vào thế kỷ thứ 7. Tàu có chiều dài 60m, rộng 7,5m, độ choàng nước khoảng 2m, tàu di chuyển chủ yếu bằng mai chèo.
Giữa thế kỷ 14 trở về trước, vũ khí chủ yếu trên tàu chính là mũi nhọn đầu tàu và cung nỏ, về sau tàu được trang bị hỏa pháo.
Tàu chiến bọc thép đầu tiên trên thế giới
Theo ghi chép trong cuốn “Tống hội yếu tập cảo – Thực hóa”, năm 1203, Tần Thế Phô đã chủ trì thiết kế đóng một con tàu vách thép, mũi tàu hình lưỡi cày, dài 9,2 trượng, rộng 1,5 trượng, sâu 5 thước, đáy rộng 8,5 thước. Tàu có kết cấu vững chắc, tấm đáy dày 9 tấc, thành tàu dày 3 tấc, khung đáy dày 9 tấc. Trên tàu có tấm bảo vệ làm bằng thép, mũi tàu thiết kế hình mũi cày sắc nhọn. Đội thủy thủ gồm 20 người, ngoài ra tàu có thể chuyên chở 70 binh lính.
Vì vậy, đó là một loại tàu chiến đường sông tốc độ cao có khả năng tự vệ và sức chiến đấu mạnh mẽ, đồng thời cũng là tàu chiến có vỏ thép bảo vệ đầu tiên trên thế giới.
Tàu đệm khí đầu tiên trên thế giới
Tàu đệm khí đầu tiên trên thế giới SRN-1 do kỹ sư người Anh Cockrell phát minh. Dưới sự tài trợ của Chính phủ Anh, chương trình chế tạo tàu đệm khí “SRN-1” được bắt đầu khởi công vào tháng 10/1958 và hoàn tất vào tháng 5/1959. Tàu dài 9,15m, rộng 7,32m, nặng 3,85 tấn; thân tàu thuôn dài hình bầu dục, có thể bay trên bộ và trên mặt nước.
|
Tàu đệm khí SRN-1.
|
Ngày 25/7/1959, tàu đệm khí “SRN-1” dễ dàng vượt qua eo biển Anh với tốc độ 96km/h, trở thành tàu đệm khí chở người đầu tiên trên thế giới, tuyên bố sự ra đời của tàu đệm khí kiểu mới.
Tàu đệm khí được ứng dụng rất rộng rãi trong quân sự, ví dụ như dùng để thiết kế tàu đổ bộ tốc độ cao, tàu chiến tên lửa tốc độ cao. Một trong những tàu đệm khí đổ bộ “khủng” nhất thế giới hiện nay là lớp Zubr của Hải quân Nga.
Tàu đo đạc vệ tinh đạn đạo đầu tiên trên thế giới
Đây là một loại tàu trợ giúp cho hải quân dùng trong các hoạt động hàng không vũ trụ và thử nghiệm đạn đạo, đo đạc đạn đạo, tàu vũ trụ. Tàu đo đạc đạn đạo đầu tiên được cải tạo từ tàu vận tải như tàu chở dầu, tàu chở hàng...
Các tài liệu ghi nhận, tàu đo đạc đạn đạo đầu tiên trên thế giới được trang bị cho Hải quân Mỹ. Những loại tàu này được cải tạo từ tàu vận tải đầu những năm 1960, dài 140m, rộng 19m, lượng giãn nước 10.600 tấn, thiết bị trên tàu khá đơn giản, chỉ có thể thu được một cách bị động tín hiệu số liệu phát ra từ tên lửa đạn đạo.
Tàu tuần dương đầu tiên
Tàu tuần dương đầu tiên trên thế giới xuất hiện trong chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc nước Mỹ. Quân miền Bắc đã dày công thiết kế, chế tạo ra một con tàu bọc thép kiểu mới, thân tàu chủ yếu chìm dưới mặt nước, phần nổi trên mặt nước được bao bọc bởi 5 lớp vỏ thép dày 2,5mm. Trên boong cũng bọc thép, tháp pháo xoay tròn nằm ở trung tâm boong tàu được bọc 8 lớp thép dày 2,5mm, khiến các tàu chiến cỡ lớn của quân miền Nam không tài nào đối phó được. Nó là tàu tuần dương bọc thép tiền thân của tàu tuần dương hiện đại.
Tàu tuần dương đầu tiên đã có trọng tải lớn, càng về sau, tàu tuần dương của các nước chế tạo ngày càng có tải trọng lớn hơn. Ví dụ như tàu Baltimore có lượng giãn nước 17.000 tấn, Cheveland lượng giãn nước 14.000 tấn của Mỹ và Sverdlov của Liên Xô cũ là những con tàu tuần dương khá nổi tiếng thời kỳ đầu.
Tàu tuần dương hạt nhân đầu tiên
Tàu tuần dương lớp Long Beach của Mỹ được đưa vào biên chế năm 1961 là chiếc tàu mặt nước động cơ hạt nhân đầu tiên trên thế giới và cũng là chiếc tàu tuần dương đầu tiên có vũ khí chủ yếu là tên lửa.
|
Tuần dương hạm động lực hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
|
Tàu có lượng giãn nước tối đa là 17.525 tấn, được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng nước nén C1W, 2 tua bin khí 80.000 mã lực cho tốc độ khoảng 55km/h.
Vũ khí, trang bị trên tàu gồm: 2 bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon mỗi dàn 4 quả; 2 bệ phóng tên lửa đối không tầm trung kiểu Beagle hoặc Standard mỗi dàn 2 quả; 2 khẩu pháo đơn nòng 127mm; 1 bệ phóng tên lửa chống ngầm ASROC mỗi dàn 8 quả; 2 bệ phóng ngư lôi chống ngầm mỗi dàn 3 quả. Phần boong phía đuôi tàu có thể làm sân bay trực thăng.
Tàu tuần dương hạt nhân lớn nhất thế giới
Trong lịch sử tàu chiến thì danh hiệu tàu tuần dương lớn nhất thế giới thuộc về Hải quân Liên Xô, đó là lớp tàu Kirov có lượng giãn nước toàn tải 28.000 tấn, lớn gấp khoảng 3 lần so với tàu tuần dương đạn đạo hiện đại Ticonderoga do Mỹ chế tạo cùng thời điểm.
Đây là tàu chiến cấp 1 sử dụng động cơ đẩy hạt nhân duy nhất trong lịch sử Hải quân Liên Xô và cũng là con tàu đầu tiên trên thế giới đi đầu trong việc sử dụng thiết bị phóng đạn đạo theo phương thẳng đứng.
|
Tuần dương hạm hạt nhân lớn nhất thế giới.
|
Theo đó, trên tàu được trang bị 20 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-700 Granit (tầm bắn 700km), 96 tên lửa phòng không tầm cao S-300F; 128 tên lửa phòng không 3K95 đều được đặt trong các ống phóng thẳng đứng. Ngoài ra còn có 40 tên lửa phòng không tầm thấp Osa-MA đặt ở các bệ phóng 2 ray. Đó là chưa kể các tổ hợp pháo hạng nặng AK-130, pháo phòng không AK-630 và tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Kashtan. Có thể nói, đây được xem là một trong những tàu chiến có hỏa lực mạnh nhất hiện nay.
Đại Dương