Quân đội Nga, từ thời Sa Hoàng đã sử dụng rộng rãi những súng ngắn Nagant. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô ra đời, các chỉ huy Hồng quân muốn tìm kiếm một sự thay thế mới. Vấn đề là súng ngắn ổ xoay như Nagant M1895 hoạt động tốt, bền nhưng thiết kế lại gây khó khăn trong việc nạp đạn và gây thất thoát năng lượng của đạn.
Xem xét tới những mẫu súng ngắn tiêu biểu của nước ngoài thời đó. Ví dụ như Mauser C96, người Nga cũng sử dụng khá phổ biến loại súng Đức này cùng với các biến thể của nó, súng có nhược điểm là thiết kế cũ, thô, to, nặng, tốc độ bắn chậm. Colt M1911 cũng bị cho là quá to lớn, FN 1903 thì lại hạn chế về sức mạnh hỏa lực, Parabellum 1908 là một mẫu súng chất lượng cao nhưng quá đắt đỏ và cần thời gian dài để chế tạo.
Hồng quân Liên Xô đưa ra tiêu chí cho súng ngắn loại mới phải là một vũ khí có tầm ảnh hưởng lớn qua kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, sử dụng dễ dàng, mẫu mã đẹp và quan trọng là thiết kế đơn giản để thuận lợi cho việc chế tạo, kể cả trong các xưởng quân khí tương đối thô sơ.
Một ủy ban phụ trách vấn đề này đã chọn mẫu súng của nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng Fedor Tokarev. Khẩu súng này được chế tạo dựa trên những học hỏi từ Colt Browing 1911 và FN Model 1903, tuy nhiên các bộ phận đã được giản lược. Súng được chế tạo từ thép carbon, có xử lý bề mặt bằng quá trình oxy hóa độc đáo ngăn cản quá trình ăn mòn, han rỉ. Sự khác biệt lớn nhất của thiết kế mới là về đạn, súng sử dụng đạn 7,62 x 25 mm được chế tạo lại từ đạn 7,63 x 25 mm của những khẩu Mauser. Ý tưởng này được đánh giá rất cao vì đạn Mauser vốn được đánh giá có uy lực lớn và còn rất nhiều trong kho vũ khí của Liên Xô. Nó đã tiết kiệm được một lượng lớn thời gian và chi phí cho việc chế tạo đạn.
Bài kiểm tra đầu tiên diễn ra ngày 6/7/1930. Súng Tokarev được đánh giá so sánh với FN Browning 1922, Walther PP 7,65 mm, Parabellum P.08, Colt M1911 9mm và 2 thiết kế cạnh tranh trong nước của Prilutsk và Korovin. Súng Tokarev đã chứng minh được khả năng của mình khi những viên đạn bắn vào mục tiêu cách 25m có độ tản mát chỉ 7,5cm.
|
Một khẩu TT-33 được tháo rời. |
Tuy nhiên, thiết kế của Tokarev được yêu cầu phải nâng cao độ chính xác và an toàn. Quyết định kiểm tra bổ sung vào ngày 23/12/1930. Tháng 1 năm sau, đợt thử nghiệm cấp nhà nước được tiến hành ở trường bắn Solnechnogorsk, Moscow với sự tham gia của nhiều quan chức quân sự cấp cao.
Sau các bài kiểm tra trên trường bắn, ngày 12/2/1931, Hội đồng Quân sự Cách mạng Liên Xô ra lệnh sản xuất lô đầu tiên 1.000 khẩu, trang bị cho Hồng quân nhằm mục đích đánh giá toàn diện loại vũ khí mới với cái tên chính thức “súng ngắn bán tự động Tokarev cỡ nòng 7,62 mm năm 1930”. Tuy nhiên, người ta vẫn hay gọi chúng bằng cái tên không chính thức nhưng ngắn gọn “Tula-Tokarev” hay đơn giản là TT.
Năm 1932-1933, thiết kế trải qua một số sửa đổi đáng kể nữa để từ đó gắn liền với cái tên TT-33. Súng dài 195 mm, chiều dài nòng 116 mm, trọng lượng 910g, hộp tiếp đạn 8 viên. Năm 1939 xuất hiện thêm phiên bản băng tiếp đạn 12 viên thay vì 8 viên ban đầu.
Khẩu TT bắt đầu tham gia vào các cuộc xung đột ở Tây Ban Nha, chiến tranh biên giới với Nhật, chiến tranh Mùa Đông với Phần Lan và đặc biệt khi bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Những năm tháng này, dây chuyền sản xuất súng Tokarev ở nhà máy Tula đã chạy hết công suất để có được 600.000 khẩu TT cho Hồng quân và 100.000 khẩu mỗi năm sau đó. Năm 1941, khi Đức tấn công, Tula buộc phải di tản nhưng vẫn thực hiện được nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa những khẩu súng cũ. Cho đến khi quân Phát xít bị chặn đứng ở vòng cung Moscow, sản xuất dần dần được thiết lập lại. Những khẩu TT-33 giai đoạn này có ốp tay được làm từ gỗ. TT-33 đã gắn liền với hình ảnh những chỉ huy Hồng quân và những tiếng hô xung phong vang lên trên khắp các chiến trường.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ngoài Tula, súng còn được sản xuất ở Izhevsk. Một vài cải tiến đáng kể được thực hiện vào năm 1946. Việc sản xuất TT-33 được chấm dứt vào năm 1953 cùng với sự xuất hiện của loại súng ngắn mới ưu việt hơn là Makarov. Tính tới thời điểm đó, khoảng hơn 1,5 triệu khẩu TT-33 đã được tạo ra. Súng Tokarev vẫn được biên chế trong quân đội Liên Xô đến nhưng năm 1960 và sử dụng bởi cảnh sát Liên bang cho tới năm 1970.
|
Bức ảnh rất nổi tiếng ghi lại khoảnh khắc chính trị viên sơ cấp
Alexei Eremenko Junior Gordeevich phát động xung phong với khẩu TT-33 trong trận đánh ở Voroshilovgrad tháng 7/1942.
|
Sau khi Liên Xô tan rã, các băng nhóm mafia Nga bùng lên và hoạt động dữ dội, một trong những vũ khí yêu thích của chúng là khẩu Tokarev. Trong các vụ thanh trừng đẫm máu thường có sự góp mặt của loại vũ khí này, theo cảnh sát Nga, có đến 70% các vụ giết thuê, sát thủ sử dụng TT-33.
Một nhược điểm cố hữu của dòng súng TT khiến nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra là súng không có khóa an toàn. Búa được đưa về vị trí nghỉ giữa hai vị trí lên và đập, chính vì thế súng có thể nổ nếu chịu va đập, rung lắc mạnh. Cách duy nhất để giữ những khẩu súng này an toàn là tháo rời hộp đạn ra khỏi súng.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Liên Xô bắt đầu trao giấy phép sản xuất loại súng này cho nhiều quốc gia đồng minh thuộc khối Warszawa cũng như Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Iraq… Phiên bản chế tạo ở Việt Nam và Trung Quốc, được sử dụng ở Việt Nam có tên là K54, còn ở Triều Tiên là Type 68 (K68). Tổng cộng, thiết kế của Tokarev đã phục vụ trong quân đội của hơn 35 quốc gia với khoảng 3 triệu khẩu được sản xuất. Với các nhà sưu tâm súng, đặc biệt từ Mỹ và phương Tây, TT-33 là một món hàng khó có thể bỏ qua.
|
Các sĩ quan QĐND Việt Nam trong bài kiểm tra với súng TT-33/K54. |
Nói về chất lượng, những khẩu súng TT-33 được coi là tốt nhất là súng ở nhà máy Izhevsk trong giai đoạn 1947-1953, chúng có độ bền tương đương 10.000 phát bắn. Còn súng làm tại Tula thời trước CTTG 2 chất lượng cũng rất tốt nhưng trong giai đoạn chiến tranh, vì những khó khăn lớn, không thể có loại thép tốt làm nguyên liệu và yêu cầu phải sản xuất nhanh, nhiều, súng có chất lượng tồi, độ bền chỉ tương đương 700-800 phát bắn. Những phiên bản nước ngoài có chất lượng cao là loại Zastava M57 của Nam Tư và Tokagypt 58 của Hungary.
Anh Trần