Truyền thông Nga cho biết, gần đây Đài Loan một lần nữa đưa ra báo cáo nghiên cứu liên quan đến ý đồ quân sự chiếm đảo (Đài Loan) của Trung Quốc, phân tích hiện trạng và động thái phát triển của quân đội Trung Quốc, kiến nghị sử dụng các biện pháp đối phó Trung Quốc.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra 3 phương hướng chủ yếu tăng cường lực lượng phòng vệ đối phó Trung Quốc gồm: tấn công mạng; phòng không; tàu ngầm. Rất dễ thấy được, cuộc tấn công của Trung Quốc đối với Đài Loan chủ yếu là từ trên biển, mà mối đe dọa này ngày càng lớn, do Trung Quốc mới có một tàu sân bay mới.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc.
|
Hoàn toàn có thể lý giải được, lựa chọn đầu tiên của Hạm đội tàu sân bay Trung Quốc là gây áp lực đối với Đài Loan, để thúc đẩy hòn đảo này sáp nhập vào Trung Quốc, thực hiện sự thống nhất đất nước. Nhưng, khả năng Trung Quốc thông qua hành động quân sự để thu phục Đài Loan cũng không thể loại trừ. Dường như hiện tại Trung Quốc có khả năng thực hiện hành động này, mà không cần phải sử dụng đến tàu sân bay.
Chuyên gia cho rằng, về thực lực lục quân, Trung Quốc mạnh hơn Đài Loan ít nhất 100 lần. Nhưng để sử dụng lục quân, thì đầu tiên Trung Quốc phải phát động một cuộc tác chiến đổ bộ, để thiết lập vị trí cố định dọc tuyến bờ biển Đài Loan ngoài phạm vi 150 km. Về phương diện này, hải quân và không quân sẽ đóng một vai trò quan trọng, nhưng trong tác chiến trên không và trên biển thì quân đội Trung Quốc có ưu thế hơn.
Cần lưu ý rằng, chỉ trong 10 năm trước, thực lực trên biển và trên không của Trung Quốc và Đài Loan tương đối cân bằng, nhưng hiện tại tiến trình phát triển khác nhau của hai bên đã phá vỡ điều đó.
|
Cán cân quân sự Trung - Đài hiện tại đã ngiêng hẳn về Trung Quốc.
|
Một mặt, Mỹ sa lầy trong vũng lầy chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, không có đủ khả năng hiện đại hóa vũ khí trang bị cho Đài Loan. Mặt khác, với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc giúp cho Trung Quốc có thể tăng cường hơn nữa cho quân sự. Và hiện tại, binh lực của hai bên tại khu vực eo biển Đài Loan đã có sự thay đổi lớn, Trung Quốc chiếm ưu thế rõ ràng hơn so với Đài Loan.
Theo đó, so sánh không quân: máy bay ném bom Trung Quốc có 140 chiếc, trong khi Đài Loan không có chiếc nào; về máy bay tiêm kích, Trung Quốc có 800 máy bay còn Đài Loan chỉ có 420 chiếc; về máy bay cường kích, Trung Quốc có 500 chiếc, Đài Loan có 50; về máy bay vận tải, Trung Quốc có 120 máy bay, Đài Loan chỉ có 35 máy bay; về trực thăng, Trung Quốc 150 chiếc, Đài Loan có 35 chiếc.
|
Sức mạnh Không quân Đài Loan thua toàn diện Trung Quốc.
|
So đo sức mạnh hải quân: về tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc có 13 tàu, còn Đài Loan không có tàu nào; về tàu ngầm diesel, Trung Quốc có 60 tàu, Đài Loan chỉ có 4 tàu; về tàu khu trục, Trung Quốc có 25 tàu, Đài Loan chỉ có 4 tàu; về tàu hộ vệ, Trung Quốc có 48 tàu, Đài Loan chỉ có 14 tàu; về tàu hộ vệ hạng nhẹ, Trung Quốc có 330 tàu, Đài Loan có 90 tàu; về tàu sân bay đổ bộ trực thăng (tàu tấn công đổ bộ), Trung Quốc có 3 tàu, còn Đài Loan chưa có số liệu; về tàu đổ bộ, Trung Quốc có 90 tàu, Đài Loan cũng chưa đưa ra số liệu.
Đội tàu đổ bộ của Trung Quốc có thể chở được 60.000 lính thủy quân lục chiến, 4.000 xe thiết giáp và 50 trực thăng tiến cận bờ biển Đài Loan. Hiện nay Trung Quốc còn đồng thời đóng và thử nghiệm 6 tàu khu trục, 4 tàu hộ vệ hạng nặng, 10 tàu hộ vệ hạng nhẹ, 10 tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel, 1 tàu đổ bộ. Tốc độ đóng của những tàu này, ngay cả Mỹ cũng phải xếp sau.
|
Trung Quốc "đẻ" tàu chiến nhanh nhất thế giới hiện nay.
|
Tất nhiên, có một số yếu tố không được xem xét như hiện trạng lực lượng phòng không Đài Loan, kinh nghiệm thực hiện chiến dịch của lực lượng đổ bộ Trung Quốc. Nhưng không cần phải lý giải những số liệu thống kê này cũng có thể nhìn thấy được, quân đội Đài Loan cơ bản không có khả năng đối kháng với quân đội Trung Quốc.
Hiện nay trọng tâm của quân đội Trung Quốc là ngăn chặn Hải quân Mỹ xâm phạm eo biển Đài loan, để bảo vệ đồng minh trong khu vực của Mỹ. Nếu Obama hoặc tổng thống tiếp theo của Mỹ triển khai hoạt động quân sự quy mô tại một khu vực nào đó, chắc chắn không có thời gian để ý đến Đài Loan, giống như thời kỳ chiến tranh tại Iraq, chỉ là khi đó Trung Quốc vẫn không có đủ thực lực để thu phục Đài Loan.
Đối với Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ có một tốc độ xây dựng rất đáng sợ, rõ ràng là không chỉ để thu phục Đài Loan. Trung Quốc cần tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay động cơ hạt nhân, không phải để dạo chơi ở eo biển Trung Quốc, mà mục tiêu lâu dài là đến các khu vực biển lớn trên thế giới, ngang hàng với Mỹ, để bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Bằng Hữu