Nhân kỷ niệm 41 năm trận đánh đặc biệt này, Kiến Thức đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với phi công Thân Xuân Hạnh – nguyên là sĩ quan dẫn đường của một trong 2 tổ bay Il-28 thực hiện trận đánh đầu tiên và cũng là cuối cùng của không quân ném bom:
Máy bay chiến thuật mang tầm chiến lược
Năm 1961, đoàn học viên không quân chiến đấu đầu tiên của Việt Nam (gồm cả học viên thợ máy và phi công) lên đường sang Liên Xô học tập. Một nhóm các học viên trong số này được tuyển đi học lái máy bay ném bom chiến thuật Il-28 (số còn lại học MiG-17). Tháng 10/1964, đoàn học lái Il-28 về nước đóng tại sân bay Gia Lâm. Tuy nhiên, lúc này phía bạn vẫn chưa chuyển giao máy bay.
Phải tới giữa năm 1965, Liên Xô mới chuyển giao 8 máy bay Il-28 (gồm cả 3 loại: trinh sát ảnh, ném bom và huấn luyện). Toàn bộ lực lượng phi công, cán bộ kỹ thuật được biên chế thành đơn vị T16, nằm trong Trung đoàn Tiêm kích 921 Sao Đỏ.
|
Đơn vị máy bay ném bom Il-28 của Không quân Nhân dân Việt Nam.
|
Theo ông Thân Xuân Hạnh, Il-28 là loại máy bay trinh sát – ném bom tức là thực hiện 2 nhiệm vụ trinh sát (mang 2 máy ảnh: chụp chính diện và phối cảnh) và ném bom.
Il-28 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1A (dùng trên máy bay tiêm kích MiG-17) cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 902km/h, bán kính tác chiến gần 1.000km, trần bay tối đa hơn 12.000m.
Theo các tài liệu nước ngoài, Il-28 có khả năng mang tối đa 3 tấn bom trong buồng bom. Nhưng thực tế, “việc mang bao nhiêu bom phải phụ thuộc vào buồng bom và giá bom, ví dụ như loại bom phá mảnh OFAP 250-270 thì Il-28 mang tối đa 8 quả (hơn 2 tấn) hoặc nó có thể mang 1 quả bom nguyên tử 3 tấn”, ông Thân Xuân Hạnh nói.
Ngoài ra, ở đuôi máy bay còn có một ụ pháo 23mm 2 nòng do sĩ quan (kiêm vô tuyến điện) điều khiển.
Tuy đã nhận được máy bay, phi công đã huấn luyện xong nhưng suốt từ năm 1965 cho tới năm 1967, đơn vị T16 vẫn chưa được một lần xuất kích đánh trận. Tháng 6/1967, toàn đội phi công được cử đi bổ túc ở Liên Xô hơn 1 năm để huấn luyện bay ném bom trên biển ở độ cao cực thấp (50m) với tốc độ cực lớn (900km/h), bay cả ban ngày và ban đêm với mục đích chính là để ném bom tấn công tàu chiến Mỹ ngoài khơi.
|
Máy bay ném bom Il-28 chứa được tối đa 3 tấn bom, trang bị tháp pháo đuôi 2 nòng 23mm.
|
Năm 1968, đội phi công hoàn thành khóa huấn luyện về nước, và đội kỹ thuật cùng máy bay đưa từ Trung Quốc về (do địch đánh phá dữ dội nên từ năm 1967 toàn bộ máy bay chuyển sang Trung Quốc). Tháng 10/1968, đơn vị T-16 được tổ chức lại thành Tiểu đoàn 929, trực thuộc Binh chủng Không quân.
Dù vậy, suốt giai đoạn từ năm 1968 cho tới năm 1972, Tiểu đoàn 929 vẫn chưa được cấp trên giao phó bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào.
Lý giải cho điều này, phi công Thân Xuân Hạnh cho biết: “Tuy Il-28 là máy bay ném bom chiến thuật nhưng đối với Việt Nam lúc đó thì Il-28 có thể xem là mang tầm chiến lược. Nghĩa là chỉ sử dụng vào thời điểm quan trọng nhất, cam go nhất phải mang được chiến thắng và có ý nghĩa. Đã ra quân là phải đánh thắng”. Có lẽ vì thế mà trong suốt những năm hoạt động, Il-28 chưa được phép xuất kích khi thời cơ chưa thực sự chín muồi.
Trận đầu đánh thắng
Tháng 9/1972, Tiểu đoàn Không quân ném bom 929 chính thức giải thể, các bộ phận thợ máy và phi công được chuyển sang các đơn vị tiêm kích, vận tải khác. Trớ trêu thay, trong suốt 8 năm mòn mỏi chờ đợi mà không được chiến đấu, chỉ 1 tháng sau đơn vị giải thể thì cấp trên lại giao nhiệm vụ xuất kích oanh tạc mục tiêu trên đất Lào.
|
Phi công - dẫn đường Thân Xuân Hạnh (người bắt tay với cán bộ chỉ huy) sau chuyến bay huấn luyện.
|
Mặc dù tình hình hết sức gấp gáp nhưng đội ngũ phi công và thợ máy đoàn 929 vẫn nỗ lực hết sức thực hiện trận đánh đầu tiên. Sáng 9/10/1972, 2 chiếc Il-28 (số hiệu 2008 và 2014) được cơ động từ Gia Lâm về Nội Bài.
Đặc biệt, trong số 2 chiếc này, chiếc Il-28 2014 vốn là máy bay trinh sát ảnh được thợ máy Tiểu đoàn 929 cải tiến làm nhiệm vụ ném bom. Sở dĩ có việc này do sau thời gian dài khai thác sử dụng, số máy bay ném bom Il-28 hao hụt dần phần vì hết hạn sử dụng, phần vì bị tai nạn (mất một chiếc).
Sau cải tiến, đích thân phi công – dẫn đường Thân Xuân Hạnh đã trực tiếp kiểm tra, bay thử và ném bom ở trường bắn Hòa Lạc thành công. Và trong trận đánh đầu tiên này, ông Thân Xuân Hạnh cùng phi công điều khiển Nguyễn Văn Trừ và xạ thủ - vô tuyến điện Ngô Văn Trung cũng điều khiển chiếc 2014 (mang 8 bom OFAP 250-270). Tổ bay 2008 gồm các ông: Bùi Trọng Hoàn (phi công), Nguyễn Đình Nhẫn (dẫn đường), Nguyễn Hùng Cường (xạ thủ- vô tuyến điện).
"Mục tiêu oanh tạc là căn cứ quan trọng lực lượng địch (phỉ Vàng Pao và cố vấn Mỹ) ở Buôn Loọng trên đất Lào. Căn cứ này nằm ở độ cao lớn, dựa vào địa hình hết sức hiểm trở, quân địch tổ chức hệ thống phòng thủ chặt chẽ, làm cho bộ binh, đặc công ta khó tấn công. Để đảm bảo bí mật, 2 tổ bay sẽ cất cánh tự đi, tự về không có dẫn đường, chỉ huy mặt đất theo hướng đã vạch trước", ông Thân Xuân Hạnh cho biết.
Đúng 17h07 ngày 9/10, biên đội máy bay ném bom Il-28 cất cánh từ sân bay Nội Bài, chiếc này cất cánh cách chiếc kia 1 phút. "Chúng tôi bay từ Nội Bài lên Mường Xén (Mộc Châu) rẽ trái về phía Đông Nam nhằm hướng Sốp Khao rồi quặt trở lại đánh vào Buôn Loọng, độ cao so với địa hình là 600m", ông nói.
Tới khu vực mục tiêu, nhờ tầm nhìn tốt nên cả 2 tổ bay phát hiện được mục tiêu. "Chiếc 2008 cắt bom vào khu nhà (doanh trại) địch ở đầu tây sân bay trong khi chiếc 2014 của tôi thì ném vào khu trung tâm sân bay có trận địa pháo, sở chỉ huy và kho xăng dầu, hậu cần của địch. Sau mỗi loạt bom, các ụ pháo ở đuôi Il-28 đồng loạt nã đạn 23mm bắn bồi vào mục tiêu (khoảng 450 viên đã được bắn ra). Toàn bộ căn cứ địch chìm ngập trong khói lửa, kho xăng địch cháy tận đến nửa đêm mới tắt", phi công Thân Xuân Hạnh - người trực tiếp cắt bom bồi hồi nhớ lại giây phút lịch sử đó.
|
Phi công - dẫn đường Thân Xuân Hạnh (người ngồi dưới, quay mặt) cùng phi công điều khiển máy bay Nguyễn Văn Trừ (ngồi trên khoang lái) và xạ thủ - vô tuyến điện Ngô Văn Trung.
|
Trận đánh giành thắng lợi giòn giã, 2 tổ bay sau đó đã bay về hạ cánh an toàn trong niềm vui sướng của đồng đội sau nhiều năm…không được đánh. “Trong cuộc đời chưa khi nào tôi sung sướng bằng khi chiến thắng trở về trận đánh ngày hôm đó, cả đêm ấy tôi không thể nào không ngủ được”, phi công Thân Xuân Hạnh chia sẻ.
Trận đánh Buôn Loọng là trận đầu tiên và cũng là cuối cùng của máy bay ném bom Il-28. Đây cũng có thể xem là trận đánh có “1-0-2” của lực lượng không quân ném bom duy nhất trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam.
Từ khi thành lập năm 1959 cho tới ngày nay, Il-28 có lẽ là loại máy bay được thiết kế hoàn toàn cho nhiệm vụ ném bom duy nhất có trong trang bị chiến đấu của không quân ta. Trong khi các loại máy bay khác như MiG-17/21, F-5, Su-27/30 được xếp vào loại tiêm kích hoặc Su-22, A-37 là cường kích dù chúng đều có thể mang bom.
Sau trận này, những chiếc Il-28 không còn xuất kích thêm lần nào nữa. Năm 1973, quân đội ta có tổ chức duyệt binh lớn và đã có kế hoạch đưa Il-28 vào đội hình bay diễu qua lễ đài. Tuy nhiên, do các máy bay hết hạn sử dụng nên cuối cùng đã không thực hiện.
Tuyển thợ máy, học phi công
Đại tá Phi công Thân Xuân Hạnh sinh năm 1938 tại Bắc Giang. Ngày 3/3/1954, ông nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1961, ông được cử đi học hàng không ở Liên Xô cùng nhiều đồng đội khác. Đáng lưu ý, ở trong nước ông được tuyển chọn đi học thợ máy nhưng sang Liên Xô được chuyển sang học phi công lái máy bay chiến đấu.
Cuối năm 1964, ông và nhiều đồng đội khác về nước. Đến năm 1967, ông cùng các phi công lái Il-28 tiếp tục sang Liên Xô học bổ túc ném bom ở độ cao cực thấp. Sang năm 1968, ông về nước và phục vụ chiến đấu tại Tiểu đoàn máy bay ném bom 929 cho tới tận năm 1972.
Tháng 12/1972, ông được cử học chuyển loại lái chuyên cơ Il-18 tại Trường cao cấp Hàng không Liên Xô trong thời gian 9 tháng.
Đến năm 1985, ông chuyển loại sang lái máy bay chở khách Tu-134 và đảm nhiệm vai trò giáo viên – Chủ nhiệm bay của Đoàn bay 919 (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam) cho tới ngày về hưu năm 2001.
Hoàng Lê