Với khả năng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo phi công lái các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, 4++ và 5, cũng như có thể được chuyển đổi thành một máy bay chiến đấu hạng nhẹ. Yakovlev Yak-130 thực sự là mẫu
máy bay huấn luyện – chiến đấu đa năng tốt nhất của Không quân Nga hiện nay.
Chính vì vậy, từ lâu Moscow đã ấp ủ dự định biến Yak-130 trở thành mẫu máy bay chủ đạo cho thị trường xuất khẩu vũ khí của nước này. Trong vòng hai hoặc ba năm tới, Nga đã lên kế hoạch xuất khẩu một số lượng lớn những chiếc Yak-130 cho các thị trường truyền thống cũng như một số thị trường tiềm năng.
|
Yak-130 - một trong những thành tựu hàng không quân sự nổi bật của Nga .
|
Trong triển lãm hàng không quốc tế Farnborough được tổ chức tại Lodon, Sergei Kornev - lãnh đạo bộ phận xuất khẩu máy bay và thiết bị quân sự đặc biệt của công ty Rosoboronexport mô tả Yak-130 không chỉ là một mẫu máy bay huấn luyện tốt nhất thế giới hiện nay, mà nó còn có thể được sử dụng như một máy bay cường kích hạng nhẹ. Đây được xem là thế mạnh của Yak-130 đối với các khách hàng tiềm năng.
Đơn giản và linh hoạt
Yak-130 từ lâu đã được xem như là một trong những niềm hy vọng chính của ngành công nghiệp hàng không quân sự Nga. Dự án phát triển Yak-130 được
Liên Xô bắt đầu triển khai từ những năm 1980. Với mục tiêu là thiết kế một mẫu máy bay huấn luyện cơ bản, có khả năng mô phỏng hệ thống bay của các mẫu máy bay chiến đấu hiện đại của Liên Xô lúc đó và cả trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ dự án trên đã bị đình chỉ vô thời hạn.
Sau đó nhà máy Yakovlev của Nga - nơi sản xuất ra Yak-130 tiếp tục phát triển dự án trên với sự hỗ trợ từ công ty hàng không Alenia Aermacchi của Italy. Theo các điều khoản được ký kết giữa hai bên, Alenia Aermacchi sẽ cung cấp các thiết bị hàng không cho việc phát triển Yak-130 cũng như sẽ là đại lý cung cấp chính thức mẫu máy bay này trên thị trường thế giới. Và lợi nhuận của những chiếc Yak-130 sẽ được chia đều cho mỗi bên, nhưng sau đó phía Italy đã từ bỏ dự án hợp tác trên với Yakovlev, và tập trung cho chương trình M-346 (kiểu dáng khá giống Yak-130).
|
Người anh em đến từ Châu Âu của Yak-130, máy bay huấn luyện M-346 của công ty Alenia Aermacchi .
|
Còn Yakovlev vẫn kiên trì phát triển mẫu máy bay huấn luyện Yak-130 dành cho Không quân Nga, cũng như cho xuất khẩu. Sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, Yak-130 đã được các tướng lĩnh Nga đánh giá là một mẫu máy bay đáng tin cậy, dễ sử dụng và có định hướng thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.
Cựu chỉ huy lực lượng Không quân Nga và Anh hùng lực lượng vũ trang Nga Vladimir Mikhailov sau khi thực hiện một giờ bay với chiếc Yak-130 đã thốt lên rằng. “Tôi chưa bao giờ lái một chiếc máy bay nào có chế độ lái đơn giản và linh hoạt như thế”.
Xét về mặt tổng thể, việc huấn luyện và đào tạo một phi công mới là điều không hề dễ dàng, nhất là khi đang lái một chiếc máy trên không và khả năng hoạt động của chiếc máy bay huấn luyện đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình đào tạo. Để giải quyết vấn đề này các nhà thiết kế Yak-130 đã tạo ra một mẫu máy bay có thiết kế thân thiện hết sức có thể với phi công lái chúng, ngay cả ở lần bay thử đầu tiên.
|
Khả năng của Yak-130 khiến nhiều chuyên gia quân sự hàng không nể phục.
|
Một điểm đặc biệt nữa của Yak-130 là nó có thể mô phỏng của hệ thống lái nhiều loại máy bay khác nhau, tùy thuộc vào loại máy bay mà phi công chọn. Bên cạnh đó, nó còn được thiết kế để tái lập trình lại ngay khi đang bay trên không.
Có thể lấy ví dụ như việc Yak-130 có khả năng chuyển đổi hệ thống lái mô phỏng từ một chiếc tiêm kích Su-30 sang hệ thống lái mô phỏng của mẫu máy bay hiện đại nhất của Mỹ hiện nay là
F-35 với hệ thống lái hoàn toàn khác biệt.
Chương trình huấn luyện bay của Yak-130 có độ an toàn khá cao, bản thân học viên lẫn giảng viên đang bay trên một chiếc Yak-130 hoàn toàn có thể dự đoán được trước mọi tình huống có thể xảy ra trên không. Trong trường hợp xấu nhất là phi công mất khả năng kiểm soát máy bay trên không, thì trung tâm điều khiển mặt đất sẽ tiến hành tiếp quản và hạ cánh máy bay thông qua thiết bị điều khiển vô tuyến từ xa.
Yak-130 còn có thể bay một cách an toàn trong một bài bay tấn công ở một góc 40 độ với tốc độ từ 200 đến 800km/h. Điều mà không có bất kỳ một máy bay huấn luyện nào có thể làm được.
|
Máy bay huấn luyện Yak-130 là một trong những vũ khí chủ lực trong thị trường xuất khẩu vũ khí của Nga. |
Hơn cả một máy bay huấn luyện
Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm đã nói trên Yak-130 không chỉ đơn thuần là một mẫu máy bay huấn luyến, nó có thể dễ dàng được chuyển đổi thành mẫu máy bay chiến đấu hoặc cường kích hạng nhẹ khi cần thiết.
Yak-130 được trang bị hệ thống vũ khí khá đa dạng từ không đối không cho tới hỗ trợ hỏa lực mặt đất, với thiết kế gồm 9 giá treo vũ khí phía dưới cánh, thân và hai bên cánh. Nó có thể mang theo gần 3 tấn vũ khí các loại, như tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, các loại bom có trọng lượng từ 250 đến 500kg và nhiều loại vũ khí khác.
Theo các quan chức thuộc Không quân
Nga, chi phí vận hành một chiếc Yak-130 trong các chiến dịch quân sự có qui mô hạn chế như tiêu diệt các phần tử khủng bố, bảo vệ biên giới hay chống buôn lậu, cạnh tranh hơn khá nhiều so với việc sử dụng những tiêm kích đắt tiền như Su-30 hay Su-35.
Bên cạnh đó Yak-130 có thể dễ dàng được triển khai ở bất kỳ đâu, chỉ cần một đường băng cất cánh tiêu chuẩn và không cần trải nhựa. Qui trình bảo dưỡng của Yak-130 khá đơn giản, điều này giúp cho việc triển khai nhanh chóng lực lượng máy bay chiến đấu hỗ trợ đường không gần khu vực diễn ra chiến sự, hoặc những nơi điều kiện cơ sở hạ tầng hàng không không tốt.
|
Với hệ thống vũ khí đa dạng, Yak-130 có thể dễ dàng chuyển đổi thành một mẫu máy bay chiến đấu khi cần thiết.
|
Triển vọng xuất khẩu rộng mở
Cho đến hiện tại Yak-130 vẫn chưa được Nga chuyển giao cho bất kỳ khách hàng nước ngoài nào. Ngoài hợp đồng duy nhất đang được thực hiện là đến từ Bộ quốc phòng Nga với 70 chiếc Yak-130 trang bị cho lực lượng không quân nước này, với chính sách ưu tiên cho đơn hàng nội địa trước tiếp theo mới là đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, khả năng Yak-130 trong quá trình được sử dụng bởi Quân đội Nga đã nhanh chóng tạo nên tiếng tăm cho nó và mở ra tiềm năng xuất khẩu lớn cho mẫu máy bay này. Kéo theo đó một số lượng lớn đơn hàng đến từ Algeria, khi nước này đặt mua 16 chiếc Yak-130, tiếp theo sau đó Syria với 36 chiếc, Bangladesh 26 chiếc và Belarus là 4 chiếc.
Ngoài các đơn hàng trên, hiện nay Yak-130 cũng được một số khách hàng châu Á quan tâm tới, nhất là các quốc gia Đông Nam Á. Khu vực có truyền thống mua các mẫu máy bay chiến đấu của Nga.
Máy bay huấn luyện – chiến đấu đa năng Yak-130 có phi hành đoàn gồm 2 người, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 10 tấn. Với tốc độ bay tối đa 1050km/h, trần bay 12.500m và có phạm vi hoạt động lên tới 2.546km.
Trà Khánh