Bấy lâu nay, tưởng như Hải quân Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu tàu ngầm khi mua 2 chiếc kiểu Type 209 (đặt lại tên lớp là Cakra). Tuy nhiên, nếu lục lại lịch sử thì thực tế không phải vậy, mà Thái Lan mới là quốc gia đầu tiên ở khu vực có tàu ngầm.
Năm 1938, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã biên chế 4 chiếc tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Matchanu do hãng Mitsubishi (Nhật Bản) chế tạo. Những chiếc tàu ngầm này đã tham gia chiến tranh Pháp - Xiêm và chiến tranh thế giới thứ 2.
|
Tàu ngầm lớp Matchanu trong biên chế Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
|
Theo đó, từ tháng 10/1935, Mitsubishi đã thắng thầu hợp đồng cung cấp 4 tàu ngầm cho Hải quân Thái Lan với giá 820.000 bath mỗi chiếc. Sau đó, các sĩ quan và thủy thủ Thái Lan được cử đi đào tạo về tàu ngầm tại các trường của Hải quân Hoàng gia Nhật Bản. Việc đóng hai tàu ngầm đầu tiên bắt đầu vào tháng 5/1936, hai chiếc tiếp theo vào tháng 10, tại Kobe, Nhật Bản. Lần lượt vào ngày 4/9/1937 và ngày 30/4/1938, các tàu ngầm được chuyển giao cho Thái Lan, mỗi lần hai tàu. Bốn chiếc tàu ngầm lần lượt được đặt tên theo các nhân vật có khả năng lặn rất giỏi trong các bộ sử thi Thái Lan, đó là: HTMS Matchanu, HTMS Wirun, HTMS Sinsamut và HTMS Phlai-Chumphon.
Có rất ít thông tin chi tiết về lớp Matchanu, theo trang mạng Wikipedia thì Matchanu có lượng giãn nước 430 tấn (khi lặn), dài 51m, rộng 4,1m, mớn nước 3,6m, thủy thủ đoàn 33 người (gồm 5 sĩ quan. Tàu được trang bị 2 động cơ diesel 1.100 mã lực/chiếc và một động cơ điện 540 mã lực cho tốc độ tối đa 26,9km/h, tốc độ kinh tế 19km/h, tầm hoạt động lên tới 8.830km, lặn sâu tối đa 60m.
Đặc điểm về hỏa lực của Matchanu giống với thiết kế tàu ngầm thời đó khi bao gồm cả pháo và ngư lôi. Nó được trang bị một khẩu pháo 76mm, một khẩu đại liên 8mm và 4 ống phóng ngư lôi 450mm.
Tham gia chiến tranh nhưng không đánh trận nào
Sau khi được bàn giao, ngày 5/6/1938, các thủy thủ Thái Lan đưa cả bốn tàu ngầm rời cảng Kobe. Hải đội tàu ngầm Thái Lan dừng lại tiếp nhiên liệu ở Cơ Long (Đài Loan - lúc đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản) vào ngày 9/6/1938 và tại Manila của Philippines vào ngày 15/6/1938. Bốn tàu ngầm này đến căn cứ hải quân Sattahip vào ngày 25, và đã đến Bangkok trong sự chào đón nồng nhiệt vào ngày 29/6/1938.
Các tàu ngầm Matchanu được đưa vào biên chế ngày 19/7/1938, cùng với tàu bảo vệ bờ biển HTMS Sri Ayudhya cũng do Nhật Bản đóng.
|
Hai tàu ngầm lớp Matchanu tại cảng Kobe, Nhật Bản. |
Các tàu ngầm trải qua một số cuộc diễn tập trong năm 1938 và năm 1939. Tháng 11/1940, cuộc chiến Pháp - Xiêm bất ngờ bùng nổ. Hải quân đã được huy động để bảo vệ vùng biển phía đông của Thái Lan, và các tàu ngầm Matchanu đã được lệnh tiến hành trinh sát ở Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, cuộc chiến nhanh chóng kết thúc và các tàu ngầm này chưa hề tham gia trận đánh thực sự nào.
Tàu ngầm thành ... máy phát điện
Sau sự kiện Trân Châu Cảng, cùng với Nhật, Thái Lan chính thức tham gia chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, các tàu ngầm Matchanu không hề có cơ hội nào thể hiện sự hiệu quả, thay vào đó nó lại phải làm những nhiệm vụ kỳ cục với một chiếc tàu ngầm.
Ngày 14/4/1945, hai nhà máy điện Samsen và Wat Liab ở Bangkok đã bị không quân Đồng Minh ném bom. Để đáp ứng với yêu cầu của Sở Điện lực Bangkok, hai tàu ngầm Matchanu và Wirun được chỉ định phục vụ như là các máy phát điện cho tuyến tàu điện ngầm của thành phố.
|
Bản vẽ tổng thể tàu ngầm lớp Matchanu. |
Sau khi kết thúc chiến tranh, những loại vật tư, phụ tùng cho các tàu ngầm đã trở nên khan hiếm do sự chiếm đóng của quân Đồng Minh và sự giải trừ quân bị của Nhật Bản.
Sau cuộc nổi loạn Manhattan do một nhóm các sĩ quan hải quân tiến hành này 29/6/1951, ảnh hưởng và uy lực của Hải quân Hoàng gia Thái Lan bị suy giảm nhiều. Cả 4 tàu ngầm Matchanu bị cho ngừng hoạt động ngày 30/11/1951. Các tàu được neo đậu trên sông Chao Phraya, sau đó đem bán phế liệu. Một phần của cấu trúc thượng tầng của Matchanu được bảo quản tại Bảo tàng Hải quân ở tỉnh Samut Prakan.
Kể từ sau khi cho Matchanu nghỉ hưu, cho tới tận ngày nay Thái Lan vẫn chưa sở hữu lại tàu ngầm. Một phần do thiếu thốn tài chính, phần vì chính trị bất ổn khiến "ông lớn Đông Nam Á" này không thể có được các tàu ngầm, trong khi các quốc gia đi sau như Singapore, Việt Nam, Malaysia đều đã có đội tàu ngầm cho riêng mình. Indonesia bên cạnh việc mua tàu ngầm đã bắt đầu từng bước phát triển công nghệ đóng tàu.
Lương Minh