Cuối những năm 1950, sự phát triển mạnh của các vệ tinh nhân tạo phục vụ cho các mục đích quân sự đã đặt ra nhu cầu cho việc phát triển một vũ khí có khả năng diệt vệ tinh khi cần thiết nhằm ngăn chặn, gián đoạn thông tin của đối phương.
Năm 1959, Mỹ bắt đầu tiến hành chương trình phát triển vũ khí chống vệ tinh. Chương trình phát triển đầu tiên được mang tên Bold Orion (Hệ thống vũ khí 199B). Tên lửa Bold Orion được phóng từ máy bay ném bom B-47 Statojet. Tên lửa được thử nghiệm thành công vào ngày 19/10/1959. Tầng đẩy thứ 2 của tên lửa đã phát nổ cách vệ tinh Explorer 6 ở khoảng cách 6,4km. Khoảng cách này chỉ có đầu đạn hạt nhân mới đủ sức phá hủy mục tiêu.
|
Tên lửa diệt vệ tinh Bold Orion treo trên máy bay ném bom chiến lược B-47.
|
Năm 1962, Mỹ tiếp tục phát triển chương trình tên lửa chống vệ tinh mới Caleb. Tuy nhiên, tương tự như tên lửa Bold Orion chương trình này cũng không mấy thành công.
Đến năm 1967, Mỹ lại triển khai một chương trình tên lửa chống vệ tinh mới, Chương trình 437 sử dụng tên lửa Thor trang bị đầu đạn hạt nhân để phá hủy vệ tinh bên ngoài trái đất. Tên lửa Thor được đưa vào sử dụng hạn chế trong quân đội Mỹ trong giai đoạn 1967-1975.
Tuy nhiên, tên lửa chống vệ tinh sử dụng đầu đạn hạt nhân lại có nhược điểm lớn là ngoài việc phá hủy vệ tinh đối phương nó cũng có thể phá hủy luôn cả vệ tinh của Mỹ ở gần đó. Tên lửa Thor đưa vào sử dụng mà không được trang bị đầu đạn hạt nhân, nó chỉ mang tính chất biểu trưng nhiều hơn là giá trị sử dụng thực tế do độ chính xác không cao.
Năm 1978, Liên Xô đã chứng minh khả năng của họ trong việc phát triển các loại vũ khí có khả năng tiêu diệt vệ tinh của Mỹ. Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter đã chỉ đạo Không quân Mỹ phát triển một tên lửa diệt vệ tinh mới tinh vi hơn nhằm đáp trả lại Liên Xô.
Cùng năm đó, Không quân Mỹ bắt đầu triển khai chương trình Prototype Miniature Air-Launched Segment (PMALS - Mẫu thử nghiệm bộ phận phóng trên không thu nhỏ). Chương trình nhằm mục đích phát triển một tên lửa phóng từ trên không có khả năng tiêu diệt vệ tinh ở quỹ đạo thấp gần trái đất.
|
Tên lửa diệt vệ ASM-135 ASAT.
|
Năm 1979, Không quân Mỹ đã ký hợp đồng với LTV Aerospace để phát triển tên lửa chống vệ tinh mới được chỉ định ASM-135 ASAT. Tên lửa được thiết kế để phóng từ tiêm kích hạng nặng F-15A, để phóng tên lửa, F-15 phải thực hiện một động tác cơ động leo lên ở tốc độ siêu âm, màn hình hiển thị HUD trước mặt phi công được sửa đổi để tăng khả năng quan sát của phi công.
Tiêm kích duy trì góc tấn khoảng 65 độ ở tốc độ siêu âm cho đến khi tên lửa ASM-135 được tách ra khỏi máy bay và kích hoạt động cơ đẩy của nó. Phóng tên lửa trong điều kiện này là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phi công phải có nhiều kinh nghiệm.
ASM-135 là một tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, giai đoạn 1 của tên lửa được sửa đổi từ tên lửa AGM-69, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn nén xung LPC-415, Altair 3 được sử dụng làm giai đoạn 2 của tên lửa cùng giai đoạn 3 được phát triển mới. Giai đoạn 3 còn được gọi Miniature Homing Vehicle MHV(xe đầu dò thu nhỏ).
Tên lửa ASM-135 được trang bị hệ thống dẫn hướng kết hợp con quay lade hồi chuyển cùng dầu dò hồng ngoại. Cảm biến hồng ngoại này sử dụng 4 dải ngang và 4 dải dọc được sắp xếp theo kiểu xoắn ốc, nó được làm mát bằng chất lỏng heli được đặt trong một bình chân không.
Hệ thống dẫn hướng của MHV chỉ theo dõi các mục tiêu trong phạm vi tìm kiếm của cảm biến hồng ngoại mà không xác định độ cao, trạng thái hay phạm vi đến mục tiêu. Một số động cơ nhiên liệu rắn nhỏ được bố trí xung quanh đầu đạn để điều chỉnh quỹ đạo của nó. Đầu đạn sử dụng động năng của vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu chứ không sử dụng thuốc nổ.
|
F-15A phóng thử nghiệm ASM-135 ASAT.
|
Ngày 13/09/1985, chiếc F-15A mang số hiệu 76-0084 do Thiếu tá Wilbert D. "Doug" Pearson điều khiển đã phóng thành công một tên lửa ASM-135 ASAT cách khoảng 322km về phía Tây của căn cứ không quân Vandenberg, phá hủy thành công vệ tinh P87-1 ở độ cao 555km cách mặt đất.
Chiếc F-15 bay ở tốc độ Mach-1.22 rồi thực hiện một pha leo lên cao với góc tấn 65 độ, tên lửa ASM-135 được tách khỏi F-15 ở độ cao 11,61km cách mặt đất, đầu đạn MHV va chạm với vệ tinh ở tốc độ lên đến 24.140km/h.
Sự kiện này đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêu diệt thành công vệ tinh bên ngoài trái đất. Một hướng phát triển vũ khí mới được mở ra là sử dụng động năng của vụ va chạm tốc độ cao để phá hủy mục tiêu thay vì sử dụng thuốc nổ. Tuy nhiên, việc đánh chặn thành công vệ tinh này lại đặt ra một thách thức khác là mãnh vụn từ các vệ tinh bị phá hủy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vệ tinh đang hoạt động khác.
Tên lửa ASM-135 sau đó đã không được triển khai hoạt động trong Không quân Mỹ, chương trình phát triển dừng lại ở mức độ thử nghiệm công nghệ. Tiêu diệt vệ tinh “hại nhiều hơn lợi” sử dụng vũ khí này vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế do lo ngại ảnh hưởng đến các vệ tinh phục vụ cho mục đích dân sự trên toàn cầu.
Bình Đức