Ẩn số tên lửa chống tàu siêu thanh YJ-12

Google News

(Kiến Thức) - YJ-12 là tên gọi tên lửa hàng trình chống tàu chiến lược của Trung Quốc nhưng năng lực của loại tên lửa này vẫn là ẩn số chưa có lời giải.

Chương trình phát triển tên lửa hành trình chống tàu tốc độ siêu âm YJ-12 được khởi xướng từ những năm 1990, mô hình của nó xuất hiện lần đầu tại triển lãm hàng không Chu Hải 2000. Tuy nhiên, sau lần xuất hiện bất ngờ này chương trình phát triển tên lửa YJ-12 bỗng nhiên “bặt vô âm tính”.

Một số nguồn tin cho rằng, sở dĩ tên lửa YJ-12 không xuất hiện tại các triển lãm tiếp theo là vì tên lửa đã nhận được đặt hàng số lượng lớn từ Quân đội Trung Quốc nên không cần thiết phải đem đi triển lãm nữa. Tuy nhiên, thực tế thì chương trình YJ-12 gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật.

Theo Jane Defence Weekly, YJ-12 bắt đầu được sản xuất quy mô nhỏ vào năm 2004 sau khi trải qua một quá trình nâng cấp lớn về mọi mặt.

“Nhái” Pháp hay Nga

Mô hình thiết kế ban đầu của YJ-12 sử dụng cửa hút không khí kép cho động cơ ramjet, kiểu thiết kế này được cho là sao chép từ tên lửa hàng không chiến thuật ASMP của Pháp.

Lần xuất hiện đầu tiên và duy nhất của YJ-12 vào năm 2000 hé lộ đây là một thiết kế giống một cách kỳ lạ với tên lửa không đối đất ASMP của Pháp, từ hình dáng khí động học, kích thước, trọng lượng.
Kiểu dáng YJ-12 trong lần xuất hiện đầu tiên.

Như mọi khi Trung Quốc một mực phủ nhận sao chép công nghệ, họ tuyên bố YJ-12 là một thiết kế mới hoàn toàn và không có gì liên quan đến Pháp. Một số chuyên gia quốc tế nhận định, YJ-12 là một sự kết hợp giữa ASMP và YJ-91 với sự trợ giúp kỹ thuật của Nga thông qua thiết kế Kh-31P. Sự thành công của YJ-12 là nhờ sự cho phép xuất khẩu Kh-31P của Nga sang Trung Quốc.

Nhà sản xuất Học viện Công nghệ cơ điện Sea Eagle Trung Quốc tuyên bố YJ-12 là tên lửa đầu tiên của họ được thiết kế dưới dạng module với khoảng 10 mô hình đang phát triển. YJ-12 được dự định phát triển thành 3 biến thể gồm: chống tàu (YJ-12 AShM), chống radar (YJ-12 ARM) và không đối đất (YJ-12 ASM).

Tuy nhiên, gần đây các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh về tên lửa có in chữ YJ-12 với một thiết kế hoàn toàn khác.  Thiết kế mới được trang bị 4 cửa hút không khí với 4 cánh ổn định ở giữa mỗi cửa hút không khí và 4 cánh lái ở đuôi.

Kiểu thiết kế này rất giống với tên lửa hành trình Kh-31 của Nga, thiết kế này làm cho tên lửa dài hơn và nặng hơn so với tiêu chuẩn các loại tên lửa hàng không chiến thuật trang bị cho máy bay. Jane Defence Weekly dự đoán trọng lượng của YJ-12 khoảng từ 2-2,5 tấn, chiều dài khoảng 7m.

Tầm bắn của YJ-12 được dự đoán từ 250-500 km, do kích thước và trọng lượng tên lửa lớn hơn so với Kh-31A/P của Nga nên số lượng có thể trang bị cho một máy bay bị giảm đáng kể.
Kiểu dáng khác lạ của YJ-12 trong một bức ảnh rò rỉ mới đây.


YJ-12 là một nỗ lực lớn của Trung Quốc trong việc phát triển một tên lửa hàng không chiến thuật tốc độ siêu âm nhằm cạnh tranh với các loại tên lửa hành trình chống tàu siêu âm như  BrahMos (Ấn Độ), P-800 Yakhont (Nga) và Hùng Phong-3 (Đài Loan).

Thời điểm bức ảnh được chụp không được xác định, tuy nhiên hình ảnh này cho thấy YJ-12 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Bởi thông thường nếu đã được sản xuất và trang bị rộng rãi cho quân  đội thì tên của nó sẽ không được in lên trên tên lửa như vậy.

Hệ thống dẫn đường trang bị cho tên lửa YJ-12 cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mặc dù chưa có thông tin chính thức nào về hệ thống dẫn đường cho tên lửa nhưng một số nguồn tin dự đoán tên lửa được điều khiển bằng hệ định vị quán tính và radar chủ động pha cuối.

Tên lửa chống tàu đắt nhất hành tinh

Yêu cầu mà Quân đội Trung Quốc đặt ra cho tên lửa YJ-12 là rất cao, tính năng kỹ thuật của tên lửa phải đạt ngang ngửa thậm chí là vượt mặt các loại tên lửa chống hạm siêu âm trên thế giới. Đối với biến thể chống radar, YJ-12 phải ngang ngửa tên lửa chống radar AGM-88 Harm của Mỹ.

YJ-12 là tên lửa đòi hỏi công nghệ cao, trong khi nền tảng khoa học kỹ thuật đặc biệt là vi mạch điện tử Trung Quốc không đáp ứng được. Do đó, tất cả các thiết bị điện tử đều phải thiết kế riêng. Đáng chú ý nhất là hệ thống vi mạch tích hợp (VLSIC) được sử dụng để điều khiển radar và hệ thống chiến tranh điện tử.

Kết quả YJ-12 trở thành tên lửa chống hạm “đắt nhất hành tinh”. Đơn giá không chính thức của YJ-12 vào năm 1999 đã là 1,8 triệu USD/quả, gấp đôi tên lửa chống tàu AGM-84 Harpoon.

Trong tháng 11/2012, Jane Defence Weekly xác nhận từ các nguồn tin của Nga cho hay, Trung Quốc tiếp tục mua tên lửa chống tàu siêu âm Kh-31 từ Nga bởi loại tên lửa mà Trung Quốc sao chép từ Kh-31 là YJ-91 cho hiệu quả không cao. Không loại trừ khả năng YJ-12 sẽ lặp lại vấn đề như trên YJ-91.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Phan Nguyễn