Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, chính phủ Mỹ đang xem xét việc bán hàng trăm tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-7 cho Không quân Hàn Quốc.
Cơ quan Hợp tác Quốc phòng Mỹ (DSCA) đã gửi thông báo tới Quốc hội Mỹ đề nghị thông qua việc bán cho Hàn Quốc 260 tên lửa đối không tầm xa AIM-120C-7 AMRAAM cùng linh kiện, phụ tùng, thiết bị huấn luyện. Nhiều khả năng hợp đồng này sẽ được chấp thuận.
Lô tên lửa AIM-120C-7 này sẽ được dùng để trang bị cho tiêm kích đa năng tiên tiến của Không quân Hàn Quốc, như F-16C/D, F-15K. Với loại tên lửa hiện đại này sẽ cho phép tiêm kích Hàn Quốc tiêu diệt máy bay tiêm kích MiG Triều Tiên trước khi chúng kịp phát hiện máy bay Hàn Quốc.
|
Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120.
|
AIM-120 AMRAAM là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn hiện đại có khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết do Tập đoàn Raytheon của Mỹ nghiên cứu phát triển từ những năm 1970. Hiện nay, loại tên lửa này có mặt trong trang bị Không quân Mỹ, Hải quân Mỹ và 25 quốc gia đồng minh.
Loại tên lửa này được thiết kế phát triển từ tên lửa tầm trung AIM-7 Sparrow với trọng lượng nhẹ, nhỏ hơn so với AIM-7. Tên lửa được kết cấu với các bộ phận gồm: bộ phận dẫn đường; đầu nổ; động cơ và bộ phận lái.
AIM-120 dài 3,6m, đường kính thân 17,7m, sải cánh 52,5cm và trọng lượng phóng tên lửa là 150,7kg. Nó có khả năng lắp đầu đạn thuốc nổ phân mảnh nặng 18,1kg.
Về mặt động cơ, AIM-120 thiết kế với động cơ rocket hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu HTPB (hydroxyl terminated polybutadiene) cho phép tên lửa đạt tốc độ tối đa Mach 4. Về tầm bắn, tùy từng biến thể tên lửa mà có tầm bắn tên lửa, với loại AIM-120C-7 xuất khẩu Không quân Hàn Quốc, tầm phóng tối đa tới 105km.
|
F-16 phóng tên lửa không đối không AIM-120.
|
Phương thức dẫn bắn tên lửa AIM-120C-7 cũng như là các biến thể khác, trong tác chiến diệt mục tiêu tầm xa, máy bay nhận dữ liệu mục tiêu trước khi rời bệ phóng từ hệ thống radar máy bay phóng, hoặc có thể nhận hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại hoặc từ kênh liên kết dữ liệu máy bay tiêm kích khác hoặc từ máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy đường không.
Sau khi phóng, tên lửa sẽ tiếp tục được máy bay phóng gửi cập nhật dữ liệu mục tiêu cho phép tên lửa tự điều chỉnh hướng (bám mục tiêu). Tới khoảng cách nhất địch (tầm theo dõi mục tiêu của radar trên tên lửa) thì đầu tự dẫn radar chủ động kích hoạt và tìm, khóa, tấn công mục tiêu mà không cần máy bay mang phóng chỉ thị. Đặc điểm này cho phép phi công bắn nhiều tên lửa cùng lúc vào nhiều mục tiêu.
Hoặc, nếu tác chiến chống mục tiêu ở cự ly gần, đầu tự dẫn radar chủ động của AIM-120 có thể kích hoạt ngay sau khi rời bệ phóng và tự tìm mục tiêu.
Trong chiến đấu, việc bắn AIM-120 ở cự ly gần sẽ được phi công nói ngắn gọn “Fox 3 close” (đây là mã quy định của khối NATO). Tuy nhiên chiến thuật này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì AIM-120 sẽ “bắt bám” mục tiêu đầu tiên mà nó phát hiện bất kể “bạn – thù”.
Hoàng Lê