Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm máy bay tuần tra chống ngầm thế hệ mới Y-8FQ (hay gọi là GX-6 High New 6). Theo tạp chí Navy Recognition thì Y-8FQ “hội tụ” đủ khả năng có thể so sánh với máy bay chống ngầm P-3C Orion (Mỹ), Atlantique 2 (Pháp) và Il-38 (Nga).
Vậy 3 “sát thủ” đối thủ gồm P-3 Orion, Atlantique và Il-38 mạnh cỡ nào?
P-3C Orion
Máy bay tuần tra hải quân do Tập đoàn Lockheed (Mỹ) nghiên cứu phát triển từ đầu những năm 1960. Tính tới năm 2012, có tất cả 734 chiếc P-3 được chế tạo và đang hoạt động tích cực ở nhiều quốc gia trên thế giới, gồm cả Hải quân Mỹ.
Máy bay P-3 được thiết kế dựa trên khung thân cơ sở máy bay chở khách thương mại Lockheed L-188 Electra dùng cho nhiệm vụ tuần tra biển, trinh sát, tác chiến chống tàu mặt nước và tác chiến chống ngầm.
P-3 được sản xuất với rất nhiều biến thể, cho tới ngày nay chủ yếu các máy bay đều được nâng cấp lên chuẩn P-3C. Máy bay có chiều dài 35,6m, cao 11,8m, sải cánh 30,4m, trọng lượng cất cánh tối đa 64,4kg.
P-3C lắp 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Allison T56-A-14 (công suất 4.600 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ tối đa 750km/h, bán kính chiến đấu 2.490km, trần bay 10.400m, hoạt động liên tục trên không 16 tiếng.
Máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion.
Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến đã qua nâng cấp nhiều lần trong 50 năm hoạt động. Ngoài những hệ thống điện tử này, “bộ máy” giúp P-3C săn lùng tàu ngầm gồm: hệ thống phao âm thu tín hiệu AN/ARR-78(V), phao âm AN/ARR-72, 2 thiết bị ghi âm chỉ số phao âm và phân tích tần số âm thanh AQA-7, thiết bị ghi tín hiệu hệ thống định vị thủy âm AQH-4.
P-3C thiết kế với một đuôi dài “kỳ dị” (như chiếc đuôi xuất hiện trên Y-8FQ) chứa hệ thống phát hiện từ tính lạ ASQ-81. Do đây là thiết bị có độ nhạy tín hiệu từ tính rất cao nên người ta buộc phải bố trí ở phần đuôi máy bay trong lớp vỏ sợi thủy tinh, nằm xa các khí tài điện tử trên máy bay. Đây cũng là cách bố trí thường thấy trên máy bay tuần tra săn ngầm.
ASQ-81 có thể phát hiện tín hiệu từ tính bất thường từ một chiếc tàu ngầm trong từ trường của trái đất. Phạm vi hạn chế của thiết bị này đòi hỏi máy bay phải bay ở độ cao thấp để xác định vị trí tàu ngầm. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều tàu ngầm trên thế giới được trang bị hệ thống tên lửa đối không, nếu máy bay bay thấp có thể dễ trở thành “kẻ bị săn”.
Máy bay P-3C Orion mang 10 bom chùm Mk-20 ở 6 giá trên cánh và 4 giá dưới thân.
Về hệ thống vũ khí săn tàu ngầm, P-3C Orion thiết kế với khoang chứa trong thân và 10 giá treo trên cánh mang được 9,1 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối hạm tầm ngắn AGM-84, bom thông thường, bom hạt nhân, ngư lôi chống ngầm. Với số lượng vũ khí khổng lồ này, nó hoàn toàn có thể đánh chìm không chỉ một tàu ngầm mà nhiều chiếc, hơn nữa nó có khả năng đánh chìm chiến hạm mặt nước.
Atlantique 2
Atlantique 2 là máy bay tuần tra hải quân tầm xa do hãng Breguet Aviation (Pháp) sản xuất; được thiết kế chủ yếu cho vai trò tác chiến chống tàu ngầm và chống tàu mặt nước. Ngoài ra, nó có thể đảm nhiệm vai trò giám sát mặt biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, rà phá thủy lôi.
Atlantique 2 ra đời cùng thời với máy bay tuần tra săn ngầm Lockheed P-3 Orion, vào đầu những năm 1960. Máy bay dài 31,62m, cao 10,89m, sải cánh 31,62m, trọng lượng cất cánh tối đa 46,2 tấn.
Máy bay Atlantique 2 trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt Rolls-Royce Tyne Rty.20 Mk 21 (6.100 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ 648km/h, tầm bay hơn 9.000km, hoạt động liên tục trên không 18 tiếng, trần bay 9.145m.
Máy bay tuần tra săn ngầm Atlantique 2 phóng tên lửa AM-39.
Atlantique 2 trang bị hệ thống radar đa chế độ Thomson CSF Iguane có độ nhạy cao để phát hiện mục tiêu kích thước nhỏ qua kính tiềm vọng ở đầu mũi. Hai hệ thống cảm biến thủy âm học trên máy bay làm nhiệm vụ phát hiện, xác định và theo dõi tàu sẽ sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu thủy âm học Sadang của radar Thomson CSF.
Tương tự cách bố trí trên P-3 Orion, Atlantique cũng thiết kế đuôi kéo dài chứa hệ thống phát hiện từ tính lạ Sextant Avionique.
Atlantique 2 chỉ có khả năng mang tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm: tên lửa hành trình chống tàu AM-39 Exocet, bom, ngư lôi, thủy lôi. Trong 3 “thợ săn” thì Atlantique có tải trọng vũ khí thấp nhất, tên lửa AM-39 Exocet cũng có tầm bắn ngắn hơn so với AGM-84 (P-3C Orion) và Sea Eagle (Il-38).
Il-38
Il-38 là máy bay tuần tra hải quân và tác chiến chống ngầm do Tổ hợp Hàng không Ilyushin (Nga) thiết kế dựa trên khung thân cơ sở máy bay vận tải Il-18. Máy bay được thiết kế để triển khai cho hoạt động trinh sát biển, giám sát, tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, tìm kiếm cứu nạn.
Il-38 dài 39,6m, cao 19,16m, sải cánh 37,42m, trọng lượng cất cánh tối đa 63,5 tấn. Máy bay trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Progress AI-20M (công suất 4.250 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ tối đa 724km/h, tầm bay 9.500km, trần bay 11.000m.
Máy bay tuần tra săn ngầm Il-38.
Máy bay được trang bị hệ thống điện tử phát hiện mục tiêu trên mặt biển gồm: radar khẩu độ tổng hợp/khẩu độ tổng hợp nghịch đảo, radar tìm kiếm-tấn công, cảm biến hồng ngoại nhìn phía trước độ phân giải cao, camera TV, hệ thống chế áp điện tử, hệ thống phát hiện từ tính (đặt ở đuôi kéo dài) và phao âm. Với các hệ thống cảm biến này cho phép nó phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly 90km, trên mặt biển 320km, theo dõi đồng thời 32 mục tiêu.
Máy bay Il-38 có khả năng mang 9 tấn vũ khí trong 2 khoang thân máy bay gồm: tên lửa chống tàu Sea Eagle (tầm bắn 110km), ngư lôi, bom. Đặc biệt, Il-38 mang được tên lửa không đối không tầm ngắn R-73RDM2 để tự phòng vệ chống máy bay tiêm kích địch trên không. Đây là điểm mới của Il-38 so với vũ khí của P-3C Orion và Atlantique 2.
Hiện, chưa rõ thông số kỹ thuật, trang bị điện tử trên “sát thủ săn ngầm” Y-8FQ của Hải quân Trung Quốc để có thể so sánh khả năng với 3 “thợ săn”. Tuy nhiên, người Trung Quốc chắc chắn sẽ nỗ lực để tạo ra một thiết kế có sức mạnh tương đương, hoặc hơn.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hoàng Lê (tổng hợp)