|
Kỳ thi năm nay được cho là không quá căng thẳng do được giảm tải |
Cô Đặng Thị Thanh Bình, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) khuyên, học sinh đã học và tích lũy kiến thức suốt cả năm học, thời điểm sát ngày thi vào lớp 10 chỉ nên đọc lại kiến thức, ngủ đúng giờ. Điều quan trọng nhất để làm bài thi tốt là tâm lý vững. Đối với môn Ngữ văn, cô Bình lưu ý, thí sinh đọc kỹ, phân tích đề nhằm xác định rõ yêu cầu của đề bài, từ đó mới vạch ra giấy nháp định hướng bài làm thế nào cho đúng, tránh trường hợp lạc đề.
Những câu hỏi nhiều điểm, thí sinh nên ưu tiên dành nhiều thời gian hơn để làm kỹ, làm sâu nội dung yêu cầu, câu hỏi ngắn, ít điểm hơn nên trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, không viết dài lan man. Qua những năm đi chấm thi, cô Bình cho hay, học sinh thường mắc lỗi, mất điểm oan ở những câu hỏi dễ. Lý do là không đọc kỹ đề hoặc viết quá dài, không trọng tâm, không trả lời được đúng yêu cầu của đề.
“Phần dễ ăn điểm của môn Ngữ văn chính là đọc hiểu, vì thế, thí sinh cần đọc kỹ và trả lời chắc phần này đã đạt 45% điểm của bài thi. Còn câu yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học và bài nghị luận xã hội, thí sinh khó “ăn” điểm tối đa và khó có sự chênh lệch điểm quá lớn giữa các thí sinh”, cô Bình nói.
Cô Nguyễn Kim Phương, giáo viên môn Toán, Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), chỉ ra những lỗi thí sinh thường gặp trong môn Toán là thiếu điều kiện đề bài cho, không đọc kỹ đề, tính toán đúng nhưng ghi đáp án sai… Cô khuyên thí sinh, thời điểm này xem lại một lượt các dạng bài, công thức tính. Khi vào phòng thi, điều đầu tiên, học sinh phải bình tĩnh, tự tin đọc kỹ đề và xác định câu hỏi, làm bài thật cẩn thận. Sau khi đọc đề, làm thứ tự từ dễ đến khó, câu nào chắc chắn thì nên làm trước và soát lại một lượt sau khi hoàn thành bài. Riêng bài hình, thí sinh chú ý khai thác tất cả các giả thiết đề bài cho, không có giả thiết thừa và vẽ hình thật chính xác. Như đề thi năm ngoái, câu B của bài hình nhiều em không đọc kỹ đề bài nên đã mất điểm rất đáng tiếc.
Căng thẳng trường tốp đầu
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), cho biết, kỳ thi năm nay có khoảng 89.000 thí sinh dự thi, trong đó khoảng 65.000 học sinh đỗ vào lớp 10. Như vậy, sẽ có khoảng 24.000 thí sinh trượt suất học trường công trong kỳ thi này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, chỉ có một số trường tốp đầu như: Chu Văn An, Kim Liên, Yên Hòa, Nhân Chính, Thăng Long, Việt Đức… có lượng học sinh đăng ký NV1 vào khá cao.
Thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ trong 2 ngày 17 và 18/7. Sáng 17/8, thí sinh thi môn Ngữ văn bằng hình thức tự luận, thời gian 120 phút; chiều thi Ngoại ngữ, thời gian 60 phút; sáng 18/7 thi môn Toán, thời gian 120 phút.
Quy chế thi lưu ý học sinh, trước ngày thi, đúng 9 giờ sáng 16/7, thí sinh có mặt tại phòng thi để làm thủ tục dự thi, nghe quy chế thi và đính chính thông tin sai sót nếu có. Thí sinh nhớ mang đầy đủ giấy báo thi, những vật dụng được mang vào phòng thi như: bút viết, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản…Việc thí sinh đến buổi tập trung tại các điểm thi này rất quan trọng, để tránh trường hợp ngày thi thí sinh đi muộn, mất thời gian tìm phòng, tìm đường.
Ông Phạm Hồng Chung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, đề thi năm nay gồm các câu hỏi chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS, chủ yếu chương trình lớp 9 đã được tinh giản. Đề được xây dựng trên cơ sở bám sát chỉ đạo về tinh giản kiến thức, kỹ năng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Do đó, thí sinh cần bình tĩnh ôn tập trong giới hạn nội dung ôn tập.
Thí sinh không được mang những vật dụng cấm vào phòng thi như: vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, bút xóa tài liệu, thiết bị công nghệ có khả năng gian lận trong quá trình làm bài thi. Thí sinh nhìn bài, trao đổi bài sẽ bị nhắc nhở, thậm chí lập biên bản. Đặc biệt, trong quá trình dự thi, thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi. Khi mang điện thoại vào phòng thi, nếu không sử dụng nhưng điện thoại có chuông kêu lên, bị phát hiện, thí sinh cũng sẽ bị lập biên bản.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 2 ngày 17 và 18/7, Hà Nội nắng nóng, dự báo lên tới 37-38 độ. Vì thế, phụ huynh lưu ý có kế hoạch đưa đón thí sinh đi và về giữa các buổi thi đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Theo Hà Linh/Tiền phong