ĐH Y Hà Nội: Nhận hồ sơ xét tuyển hệ bác sĩ với thí sinh có tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh đạt trên 21 điểm, hệ cử nhân phải từ 18 điểm trở lên. Trường cũng đặt thêm tiêu chuẩn: tổng điểm trung bình 3 môn Toán, Hóa, Sinh học ở 5 học kỳ THPT đối với thí sinh năm nay tốt nghiệp và 6 học kỳ đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014 từ 6,5 trở lên.
ĐH Bách khoa Hà Nội: Thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn xét tuyển đạt từ 20 điểm trở lên.Trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT (bản gốc) của thí sinh trúng tuyển khi đến trường làm thủ tục nhập học. Trường sẽ xây dựng điểm chuẩn và xét tuyển theo nhóm ngành.
|
Ảnh minh họa. |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền: nhận hồ sơ những thí sinh có kết quả học tập từng năm THPT đạt 6.0 trở lên, hạnh kiểm 3 năm từ khá trở lên, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia đạt từ 6,0 trở lên theo thang điểm 10.
ĐH Hà Nội: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ của kỳ thi này đạt 15 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số) được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Việc xét tuyển sẽ theo ngành đào tạo mà thí sinh đã đăng ký trước. Tổng điểm để xét tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên (nếu có) và điểm của môn thi chính đã nhân hệ số 2. Danh sách công bố công khai và xếp từ cao xuống thấp. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển sau.
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Thí sinh có quyền đăng ký xét tuyển vào bất kỳ ngành học nào còn chỉ tiêu trong các đợt xét tuyển tiếp theo nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng I.
Học viện Tài chính: Xét tuyển theo từng ngành. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.
Học viện tuyển thẳng các đối tượng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; Tuyển thẳng các thí sinh có tổng điểm 3 môn thi THPT quốc gia đạt 27 điểm trở lên, trong đó có môn Toán, không tính điểm ưu tiên.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Xét tuyển theo từng ngành. Điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.
Ngoài thực hiện tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, trường còn tuyển thẳng đối với thí sinh có 3 môn thi THPT quốc gia, trong đó có môn Toán và 2 môn bất kỳ, đạt 27 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên.
Điều kiện sơ loại không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng chính quy của Trường lên đại học.
ĐH Ngoại thương: Chỉ sơ tuyển những học sinh có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6.5 trở lên, hạnh kiểm học tập của từng năm THPT đạt từ khá trở lên.
ĐH Quốc gia Hà Nội: Dùng 1 bài thi Đánh giá năng lực phục vụ cho xét tuyển vào đại học.
Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính. Riêng với môn ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi Đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài (được mặc định trong máy tính) là 195 phút.
Bài thi gồm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định của từng phần khác nhau vì thí sinh phải lần lượt làm từng phần. Đó là phần 1 – tư duy định lượng (kiến thức Toán), phần 2 – tư duy định tính (kiến thức Ngữ văn) và phần 3 với 2 nội dung: Tư duy định lượng 2 (Khoa học tự nhiên) và Tư duy định tính 2 (Khoa học xã hội).
Các thí sinh phải đạt từ 70 điểm trở lên (trên 140 điểm) thì mới có cơ hội được xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia HN.