"Mẹ muốn chị đi học nên em phải nghỉ ở nhà"
Thí sinh Ánh (Cao Bằng) nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Luật Hà Nội với số điểm 26,75. Thí sinh này đã có tên trong danh sách đỗ nguyện vọng 1 của trường. Niềm vui chưa được bao lâu, nỗi buồn đã ập đến.
Ánh - thí sinh đỗ đại học - chia sẻ với chúng tôi, vì gia đình năm nay có 2 chị em cùng đỗ đại học, chị đỗ Đại học Y Thái Nguyên, em trúng tuyển vào Đại học Luật Hà Nội. Hai chị em ở với mẹ, điều kiện gia đình khó khăn, vì vậy mẹ chỉ có thể cho một người đi học.
Ánh đã quyết định nhường cho chị gái đi học và có những dự định mờ nhạt cho tương lai. Ánh nói: "Em không có ý định ôn thi lại vào một trường được miễn học phí nữa, em cũng sẽ không theo con đường học hành nữa vì em không muốn mẹ phải khổ, em sẽ đi làm".
|
Nhiều thí sinh đỗ đại học nhưng không thể tiếp tục ước mơ của mình. Ảnh minh họa. |
Ánh giải thích thêm trong thất vọng: "Đã có thời em mơ ước làm báo nhưng sớm phải gác lại khi trường xét tuyển năng khiếu, trong khi em chưa có sự chuẩn bị và hình dung nào rõ ràng, vì vậy em nộp trường Luật với hy vọng đỗ. Nhưng giờ đây khi đỗ rồi, bao nhiêu lý do khiến em cảm thấy nản và không còn động lực để mơ ước nữa: chuyện vào trường trong hoàn cảnh gia đình không có điều kiện, chuyện ra trường công việc khó khăn và mẹ em thì không còn khỏe nữa". Cô bé 18 tuổi quyết định "gác lại" giấc mơ đại học trong khi bao nhiêu người đang ao ước.
Sợ thất nghiệp
Bên cạnh những đam mê, một số thí sinh lại phải nhồi nhét vào đó những "tính toán" không phù hợp lứa tuổi nhưng lại vô cùng thiết thực. Đó là trường hơp của thí sinh Yến (Hải Dương). Yến cho rằng, do số điểm vừa tầm của mình 23,5 nên quyết định đăng ký vào một trường phù hợp.
May mắn Yến đã có tên trong danh sách đỗ đại học. Tuy nhiên, thí sinh này đã phải đặt lên bàn cân kết quả của mình để cân - đo - đong - đếm xem ra trường công việc của bản thân sẽ ra sao khi theo học. Và cuối cùng cô bé sớm thất vọng khi biết rằng ra trường khả năng không có việc làm sẽ rất cao.
Chia sẻ của Yến cũng giống như rất nhiều các thí sinh khác dù đỗ nhưng vẫn nơm nớp lo sợ "đầu ra" khó xin việc. Một số tiếp tục dấn thân đối mặt, một số trong trường hợp của Yến quyết định không đi học nữa dù kết quả đã vẹn toàn.
Đỗ vào trường không mong muốn
Không giống hoàn cảnh éo le của Yến, thí sinh Thành (Quảng Bình) cũng mang trong mình lý do khiến em có thể đỗ nguyện vọng bổ sung nhưng không muốn đi học. Em trượt nguyện vọng 1 Học viện Cảnh sát Nhân dân, với số điểm 24,5. Số điểm đó có cơ hội rất cao vào ngôi trường em nộp nguyện vọng 2 sắp tới.
Tuy nhiên, thí sinh này cho biết đang phân vân có nên theo học hay không khi mà ngôi trường nguyện vọng 2 ấy em không hề mong muốn, thậm chí trong tiềm thức em cũng chưa biết gì về khoa ngành mình đăng ký. "Có lẽ em sẽ dừng lại, không đi học cho dù có kết quả đỗ đi chăng nữa", Thành tâm sự trong thất vọng.
Nếu năm sau, các khối trường Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát có phương thức tuyển sinh mới có lẽ thí sinh này sẽ không tham gia tuyển sinh nữa vì Thành cho biết mình học lệch khá nhiều.
Cùng trường hợp của Thành, thí sinh Giang được 27,5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi vì chọn Học viện Cảnh sát nên trượt. Hiện tại, Giang và người nhà thí sinh này đang trong tâm trạng rối bời vì hầu như các trường đã tuyển đủ chỉ còn rơi rớt một vài trường mà em chẳng thích trường nào.
Giang cho biết, dù có đỗ thì em cũng sẽ thi lại vào năm sau. Cô gái trẻ có cơ hội đỗ Đại học đợt xét tuyển bổ sung này quả quyết "đỗ cũng không đi học" vì đó là ngôi trường mà Giang không hề mong muốn.
Theo Phụ Nữ TPHCM