Đại học Quốc gia TP HCM có hướng dẫn gửi đến các trường thành viên, khoa trực thuộc về điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, điểm xét tuyển.
Thí sinh có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh của thí sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh; thi THPT quốc gia tại cụm thi do các trường đại học chủ trì, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống; kết quả thi đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT quy định (từ 15 điểm với đại học và 12 điểm cao đẳng).
Ngoài ra, thí sinh phải có hạnh kiểm từ loại khá trở lên (xét học kỳ I lớp 12); xét tuyển đại học điểm trung bình tổng cộng 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên; thí sinh xét tuyển cao đẳng từ 6 trở lên.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vừa đưa ra ngưỡng xét tuyển cho các ngành thuộc hệ đại trà là 18 điểm. Riêng ngành Kỹ thuật công nghiệp, Kinh tế gia đình, Sư phạm tiếng Anh và các ngành đào tạo hệ đào tạo chất lượng cao xét tuyển từ 17 điểm.
Trường cũng bổ sung các tiêu chí xét tuyển:
Xét tuyển từ cao xuống thấp theo điểm được tính theo đề án tuyển sinh của trường.
Trường hợp thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, ưu tiên xét tuyển người có điểm môn thi chính cao hơn.
Nếu có điểm xét tuyển, môn chính bằng nhau, ưu tiên xét tuyển thí sinh có điểm môn thứ hai cao hơn.
Đại học Kinh tế TP HCM quyết định ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký vào trường là 18. Đây là tổng điểm ba môn thi THPT quốc gia (cụm do trường ĐH chủ trì) theo tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa), khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) và khối D1 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh); không nhân hệ số.
Ngưỡng điểm này áp dụng cho học sinh THPT ở khu vực 3 (không ưu tiên), mỗi khu vực tiếp theo sẽ chênh lệch 0,5 điểm, mỗi nhóm đối tượng cách nhau 1 điểm.
Đại học Hoa Sen TP HCM công bố ngưỡng xét tuyển theo từng ngành, trong đó ngành Kinh doanh quốc tế 18 điểm, Quản trị Kinh doanh, Marketing là 17 điểm.
Hội đồng tuyển sinh nhà trường cho biết, trường hợp nhiều thí sinh có cùng mức điểm, sẽ sử dụng tiêu chí xét tuyển phụ để xác định điểm trúng tuyển.
Cụ thể: Tổ hợp xét tuyển có môn Toán + Anh: Ưu tiên xét điểm môn Anh trước, sau đó đến môn Toán. Tổ hợp xét tuyển chỉ có môn Toán hoặc tiếng Anh: Ưu tiên xét điểm môn Toán hoặc tiếng Anh. Đối với tổ hợp xét tuyển của nhóm ngành Thiết kế: Ưu tiên xét điểm môn Năng khiếu.
Nếu tổ hợp xét tuyển có 2 môn năng khiếu thì ưu tiên xét điểm môn Vẽ trang trí màu.
|
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) thông báo ngưỡng điểm xét tuyển bậc ĐH thấp nhất là 17 và cao nhất là 21. Trong đó, 2 ngành Y đa khoa và Răng hàm mặt sẽ xét tuyển từ 21 điểm.
Trường tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP HCM (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển). Đối với ngành khúc xạ nhãn khoa, điểm kỳ thi THPT quốc gia môn Anh văn đạt từ điểm 7 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển chính thức.
Đại học Đà Lạt vừa thông báo mức điểm xét tuyển CĐ - ĐH theo từng ngành, trong đó ngành Kỹ thuật hạt nhân xét tuyển từ 20 điểm. Các khối ngành sư phạm đều xét tuyển ở mức 17 điểm. Các ngành còn lại xét tuyển theo ngưỡng của bộ GD&ĐT.
Đại học Quốc tế thông báo điều kiện xét tuyển vào trường là có tổng điểm của tổ hợp môn thi không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 trở xuống.
Bên cạnh đó, thí sinh phải có hạnh kiểm từ loại khá trở lên (xét học kỳ 1 lớp 12); điểm trung bình cộng 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 ) phải từ 6,5 trở lên.
Đại học Luật TP HCM thông báo xét tuyển dựa vào kết quả học bạ và điểm thi THPT. Thí sinh có tổng điểm ba môn thi theo các tổ hợp môn xét tuyển trên đạt từ mức 15 điểm trở lên có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Hình thức tuyển sinh được thống nhất theo hai tiêu chí:
Tiêu chí 1: Xét tổng điểm theo tổ hợp của 3 môn thuộc các khối thi truyền thống ở 6 học kỳ THPT (tức xét học bạ), chiếm tỷ trọng 20% điểm trúng tuyển;
Tiêu chí 2: Xét tổng điểm theo tổ hợp của 3 môn thuộc các khối thi truyền thống trong kỳ thi THPT Quốc gia do các trường đại học chủ trì, chiếm tỷ trọng 80% điểm trúng tuyển.
Đại học Văn hóa TP HCM thông báo xét tuyển các tổ hợp bậc ĐH là 15 và CĐ là 12. Đây là điểm dành cho HSPT-KV3, mỗi khu vực cách nhau 0,5 điểm, mỗi nhóm đối tượng cách nhau 1 điểm.
Nhiều trường xét tuyển từ 15 điểm
Trước đó, Đại học Sài Gòn thông báo nhận hồ sơ xét tuyển có tổng điểm cao hơn 1 điểm so với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Cụ thể, hệ đại học 16 điểm, cao đẳng 13 điểm. Điểm trúng tuyển sẽ được xác định theo ngành học.
Đây là mức điểm dành cho 3 môn không nhân hệ số, đối với KV3 và nhóm không ưu tiên. Các khu vực kế tiếp sẽ được giảm 0,5 điểm. Năm nay, Đại học Sài Gòn tuyển sinh với 4000 chỉ tiêu (CĐ và ĐH) trong khi năm ngoái con số này chỉ là 2900.
Đại học Giao thông Vận tải TP HCM thông báo ngưỡng điểm tối thiểu để nộp hồ sơ vào trường là 15 (cao đẳng 12 điểm), áp dụng cho tất cả các tổ hợp. Nhà trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dành 90% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT với ngưỡng điểm nộp hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT; 10% chỉ tiêu dành cho xét từ kết quả học bạ THPT cho các ngành của trường. Ba ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm không xét kết quả học bạ THPT.
Điểm xét tuyển Đại học Nguyễn Tất Thành là 15, bằng ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT. Đây là mức điểm dành cho 3 môn không nhân hệ số, đối với KV3 và nhóm không ưu tiên.
Bên cạnh việc xét tuyển theo điểm thi THPT, trường còn tuyển sinh dựa vào học bạ: Xét kết quả điểm tổng kết học bạ 3 năm THPT cho các ngành đào tạo đại học và cao đẳng, ngưỡng điểm tối thiểu xét từ 6 trở lên đối với trình độ đại học và 5,5 đối với cao đẳng.
Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM thông báo xét tuyển nguyện vọng 1 bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT. Năm nay, trường cũng dành 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập 6 học kỳ THPT. Điều kiện xét tuyển là thí sinh đỗ tốt nghiệp, điểm trung bình 3 môn thi THPT phải từ 6 trở lên đối với hệ đại học và từ 5,5 điểm trở lên với hệ cao đẳng.
Năm nay, Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học bạ lớp 12. Công thức tính điểm xét tuyển theo đề án này phức tạp hơn nhiều trường khác, bao gồm cả điểm thi THPT.
Cụ thể: XT = TBTN + (TB1 + TB2 + TB3) + UT_KV + UT_ĐT. Trong đó: XT là Điểm xét tuyển; TBTN là điểm trung bình 4 môn thi tốt nghiệp; TB1, TB2, TB3 lần lượt là điểm trung bình cả năm lớp 12 của tổ hợp 3 môn được dùng để xét tuyển; UT_KV, UT_ĐT là điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu có).
Trường dành 25% tổng chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển này.
Đại học Công nghiệp TP HCM thông báo xét tuyển với điều kiện thí sinh có điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên diện chính sách) lớn hơn hoặc bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT. Năm nay, dự kiến chỉ tiêu của trường là 7.200, giảm 800 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Đại học Kiến Trúc TP HCM vừa thông báo, chỉ những thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT mới được đăng ký xét tuyển. Bên cạnh đó, thí sinh thi vào ngành có môn năng khiếu đạt điểm ≥ 5,0 đối với môn thi năng khiếu mới được xét tuyển.
Theo Zing News