Đại học Quốc gia Hà Nội vừa chính thức công bố mức điểm xét tuyển năm 2015 vào các trường thành viên. Theo đó, các thí sinh phải có điểm bài thi từ 70 trở lên thì mới có cơ hội được xét tuyển.
Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có 7 trường thành viên gồm: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Giáo dục, Đại học Việt Nhật.
Mùa tuyển sinh 2015, nếu muốn vào các trường thành viên của ĐHQGHN thí sinh phải thi một bài thi Đánh giá năng lực. Riêng những thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN phải thi 2 bài thi: bài thi Đánh giá năng lực và bài thi Ngoại ngữ. Theo quy định, các thí sinh phải có điểm bài thi Đánh giá năng lực từ 70 trở lên, với trường Ngoại ngữ thì phải đạt tổng 140 điểm trở lên cho 2 bài thi Đánh giá năng lực và Ngoại ngữ thì mới có cơ hội được xét tuyển.
|
Các thí sinh phải có điểm bài thi đánh giá năng lực từ 70 trở lên thì mới có cơ hội được xét tuyển. |
Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính. Riêng với môn Ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi Đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài (được mặc định trong máy tính) là 195 phút.
Bài thi gồm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định của từng phần khác nhau vì thí sinh phải lần lượt làm từng phần. Đó là phần 1 - tư duy định lượng (kiến thức Toán), phần 2 - tư duy định tính (kiến thức Ngữ văn) và phần 3 với 2 nội dung: Tư duy định lượng 2 (Khoa học tự nhiên) và Tư duy định tính 2 (Khoa học xã hội).
Bài thi Đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, làm trong thời gian 195 phút trên máy tính. Trong đó gồm 50 câu hỏi kiến thức Toán, 50 câu hỏi kiến thức Ngữ văn, 40 câu còn lại, thí sinh được lựa chọn một trong hai nội dung kiến thức khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và kiến thức khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Với bài thi ngoại ngữ dành cho những thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ (tiếng Anh-D1, tiếng Nga-D2, tiếng Pháp-D3, tiếng Trung Quốc-D4, tiếng Đức-D5 và tiếng Nhật-D6) gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút.
Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên nhưng theo ma trận đề thi gồm 20% khó, 20% dễ và 60% trung bình chứ không phải tổ hợp lộn xộn. Trong quá trình tổ hợp, các đề cũng sẽ được cân bằng độ khó và mỗi thí sinh rút ra một đề. Vì vậy sẽ không có chuyện đoán mò hay đỗ do ăn may.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, khi trường công bố ngưỡng xét tuyển, thí sinh sẽ biết mình đã trúng tuyển hay chưa. Nếu trúng tuyển, thí sinh chỉ cần thi THPT quốc gia và đủ điểm tốt nghiệp là có thể vào ĐH Quốc gia học. Nếu chưa trúng tuyển đợt 1, các em vẫn dự thi THPT quốc gia và sử dụng kết quả để xét tuyển ở các trường ĐH khác.
Những em chưa trúng tuyển đợt 1, hoặc dự thi xong THPT quốc gia vẫn còn cơ hội đăng ký thi đánh giá năng lực đợt hai được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 8.
Như vậy, khi đăng ký dự kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh sẽ có cơ hội tối đa, nhân đôi, nhân ba cơ hội vào ĐH.
Trước đó, từ ngày 25/3, ĐHQGHN đã chính thức mở cổng đăng ký trực tuyến dự thi xét tuyển đại học chính quy đợt 1 năm 2015 tại địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn, mục “Đăng ký trực tuyến”.
Thời gian đăng ký dự thi xét tuyển đại học chính quy năm 2015 của ĐHQGHN chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 25/3 - 15/4; Đợt 2 từ ngày 20/6 - 10/7.
Về lịch thi: Đợt 1 sẽ kéo dài từ ngày 30 - 31/5 (ngày 1 - 2/6 dự phòng). Đợt 2 từ ngày 1 - 2/8 (ngày 3 - 4/8 dự phòng). Riêng thí sinh dự tuyển vào Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) sẽ dự thi môn Ngoại ngữ vào sáng 30/5 (đợt 1) và sáng 1/8 (đợt 2). Sau khi dự thi môn Ngoại ngữ sẽ dự thi Đánh giá năng lực vào một trong các buổi thi còn lại.
Địa điểm thi sẽ được đặt tại Hà Nội là ĐHQGHN, ở Đà Nẵng là trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, ở Nghệ An là trường Đại học Vinh, ở Thanh Hóa là trường Đại học Hồng Đức, ở Hải Phòng là trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ở Nam Định là trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định và ở Thái Nguyên là trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.
Minh Hiếu (Tổng hợp)