Thí sinh cẩn thận mất tiền oan
Chiều 21/7, một đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đang cập nhật toàn bộ dữ liệu điểm thi của tất cả thí sinh trong cả nước, chuẩn bị sẵn sàng công bố trên trang web của Bộ, cũng như các báo điện tử đã đăng ký kết nối.
Bộ GD&ĐT cập nhật xong điểm, sẽ thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, thí sinh không nên truy cập các trang giả mạo, dẫn đến mất tiền oan, vị này nói.
|
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Cũng trong ngày 21/7, Bộ GD&ĐT có công văn về việc tra cứu điểm thi năm 2015.
Công văn trên nêu rõ: Bộ GD&ĐT đang cập nhật dữ liệu điểm thi THPT quốc gia từ các hội đồng chấm thi nên chưa có dữ liệu để thí sinh và nhân dân tra cứu. Sau khi xử lý dữ liệu xong, Bộ GD&ĐT sẽ thông báo để thí sinh và nhân dân tra cứu trên trang http://thi.moet.gov.vn và thông qua các trang báo điện tử đã đăng ký kết nối với Bộ.
|
Công văn của Bộ GD&ĐT về tra điểm thi THPT quốc gia. |
Bộ GD&ĐT lưu ý, "hiện nay, có một số thông tin và trang mạng mời gọi tra cứu điểm thi đều không đúng. Vậy Bộ GD&ĐT thông báo để thí sinh và nhân dân cảnh báo đề phòng".
Cụm thi xét tốt nghiệp nhiều điểm liệt
Trước đó, ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết, tất cả các cụm thi đã gửi dữ liệu về Cục này. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dữ liệu điểm thi, dự kiến công bố điểm thi sớm nhất vào ngày 22/7.
Theo ông Nghĩa, thí sinh thi tại cụm do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì có kết quả không cao, nhiều em bị điểm liệt. Tại các cụm thi do trường đại học chủ trì, phổ điểm thi cao hơn.
Nhận xét chung, phổ điểm tại nhiều vùng sẽ có trung bình từ 5-6 điểm, số thí sinh đạt điểm 9, 10 giảm.
Ông Nghĩa cho biết, khi kết quả thi được công bố, trước ngày 31/7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận, đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển. Các trường lấy đó làm căn cứ thông báo điều kiện xét tuyển vào các khoa, ngành của trường.
Bộ GD&ĐT đánh giá, điểm xét tuyển vào các trường tốp giữa có thể tăng nhưng những trường tốp trên dự đoán không thay đổi nhiều so với các năm trước.
Dự đoán tỷ lệ "chọi" không cao
Ông Trịnh Minh Thụ - Phó hiệu trưởng Đại học Thủy Lợi, Hà Nội, nhận định: Năm nay, tỷ lệ "chọi" vào các trường đại học sẽ không cao. Lượng thí sinh ảo ở nguyện vọng 1 cũng giảm, các trường sẽ xét tuyển gần đủ chỉ tiêu ở nguyện vọng này. Vì vậy, thí sinh ảo có thể tăng cao ở các nguyện vọng bổ sung.
Về điểm thi, ông Thụ cho rằng, Bộ GD&ĐT chấm thang điểm 10, lấy đến 0,25 điểm, tạo thuận lợi hơn trong khâu xét tuyển. Bởi, lượng thí sinh có mức điểm bằng nhau sẽ thấp hơn các năm.
Bên cạnh đó, phần mềm dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT sẽ cập nhật thông tin xét tuyển của các trường, từ đó thí sinh đánh giá được khả năng đỗ - trượt của mình. Theo quy chế, từ ngày 1/8 đến 20/8, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng. Trong 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ đăng ký trường khác.
Để tạo điều kiện cho người tham gia đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường cho thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Bộ sẽ có phần mềm thống nhất về quy trình. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được các trường công bố trước ngày 25/8.
Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng này, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Sau khi kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng 1, sẽ có bốn đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trước việc thí sinh lo ngại trang web tra cứu điểm thi THPT quốc gia tắc nghẽn vì đông người truy cập, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi xây dựng cổng thông tin, đã tính toán để đảm bảo thông suốt.
Ông Trinh dự đoán, thí sinh sẽ truy cập điểm thi nhiều trong 3 ngày đầu tiên.
Chúng tôi không dám chắc sẽ thông suốt 24/24 giờ của cả quá trình mà không tắc nghẽn, nhưng chúng tôi đảm bảo cho thí sinh tra cứu thuận lợi, không gặp khó khăn, ông Trinh nói.
Theo Zing News