- Là một trong những trường có điểm chuẩn cao nhất, ông có thể cho biết tình hình tuyển sinh của Đại học Y Hà Nội đến thời điểm này?
- Đại học Y Hà Nội đã làm xong thủ tục nhập học cho 1.032 tân sinh viên năm nay. Trong số này, 2 thủ khoa đạt 29,75 điểm (không kể điểm cộng), 50 thí sinh trúng tuyển thuộc diện tuyển thẳng và đều vào ngành Bác sĩ đa khoa.
Điểm trúng tuyển của trường từ 23 đến 27,75, chênh lệch giữa các ngành được rút ngắn. Ngành Bác sĩ đa khoa, trường tuyển 500 chỉ tiêu và chỉ tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất môn Sinh, Toán, Hóa quốc gia và quốc tế. Nếu tuyển thẳng cả người giành giải nhì, ba, không biết điểm chuẩn của ngành này sẽ “vọt” đến đâu.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả tuyển sinh năm nay?
- Tôi thấy có 2 điều thú vị và bất ngờ.
Thứ nhất, số lượng thí sinh ở khu vực phía Nam trúng tuyển vào Đại học Y Hà Nội tăng. Năm 2014 chỉ có 5 thí sinh (Quảng Nam 2, Kon Tum 2 và Khánh Hòa 1) thì năm nay, con số này là 14 em. Trong đó, riêng khu vực Tây Nguyên có 5 học sinh, còn lại là các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai và Đồng Tháp.
Thứ hai, trong số 1.032 thí sinh trúng tuyển, chỉ 133 người không được cộng điểm ưu tiên, còn lại đều là những thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Trong đó, khu vực 1 có 249 em, khu vực 2: 349, khu vực 2 nông thôn: 441, khu vực 3: 133 em được cộng điểm ưu tiên.
Số thí sinh trúng tuyển vào trường nằm trong diện được cộng điểm ưu tiên chiếm đến gần 90%. Trong đó, thí sinh được cộng nhiều nhất 5,5 điểm là Trương Thị Thanh ở Thanh Hóa. Tổng điểm 3 môn thi của em này cũng đạt 27,75 điểm.
|
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh. Ảnh: Lê Phan. |
Năm nay, Bộ GD&ĐT trao cho thí sinh nhiều quyền hơn. Những năm trước, thí sinh bị “cột chặt” lựa chọn của mình. Chính vì vậy, có những em thích trường này nhưng vì “không cảm thấy chắc chắn” phải thi trường kia. Năm nay, biết điểm rồi mới lựa chọn, những em điểm cao hoàn toàn ung dung được lựa chọn những trường, ngành mình thích. Hình thức “trao quyền” vào tay người học này sẽ công bằng hơn cho thí sinh.
Với điểm ưu tiên chiếm tới 90%, nó không còn nhiều ý nghĩa và nên xem xét lại các khu vực ưu tiên, trường hợp đặc biệt mới được ưu tiên. Đối với vùng núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc…, việc ưu tiên là cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực.
- Với một kỳ thi THPT quốc gia, ông thấy công tác tuyển sinh của Đại học Y Hà Nội có gì thay đổi?
- Chưa năm nào chúng tôi nhàn như năm nay. Không những thế, trường còn chọn được những thí sinh như mong muốn và không vất vả trong việc xác định điểm chuẩn. Mọi năm, xác định điểm chuẩn là bài toán “cân não” không thể đùa, nhưng năm nay, hoàn toàn dễ dàng và chúng tôi tuyển sinh rất nhanh.
- Nhưng còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau, thưa ông?
- Việc điều chỉnh rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn 10 ngày từ đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung là Bộ GD&ĐT đã tiếp thu ý kiến của dư luận. Về mặt kỹ thuật, năm tới, chúng ta cần có sự đầu tư hệ thống công nghệ thông tin để thí sinh không phải vất vả trong việc rút, nộp hồ sơ; cũng không nhất thiết phải cho thí sinh tới 4 nguyện vọng.
Theo Lê Phan/ Zing