Bè hút cát, tái lấn chiếm vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Video: Nguyễn Ngọc
Thời gian qua, tại khu vực vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại tái xuất hiện tình trạng các bè hút cát của người dân lấn chiếm nơi neo đậu của tàu thuyền. Các bè hút cát này phục vụ cho việc trồng tỏi, hành của một số cá nhân, nhóm người trên đảo.
Không chỉ vậy, nơi đây còn phát sinh thêm một số bè nổi chứa ngư lưới cụ của ngư dân. Điều này không những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tàu thuyền và phương tiện thủy nội địa ra vào, tránh trú gió bão mà còn gây bồi lắng vũng neo đậu tàu thuyền.
|
Bè bơm hút cát ở khu vực vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn.
|
Sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, mỗi lần vá lưới, đồ nghề khuân lên, vác xuống mất nhiều công sức, nên ông Nguyễn Tấn Châu (trú huyện Lý Sơn) làm chiếc bè nổi chứa ngư lưới cụ ngay trên vũng neo trú tàu thuyền và biến chiếc bè thành nơi ăn uống, nghỉ ngơi.
Tuy nhiên bè chứa ngư cụ này của ông Châu lại là vật cản gây khó cho tàu thuyền ra vào, neo đậu. “Tôi làm bè để trú ngụ vậy thôi. Ban ngày thì vá lưới, thu lưới, cơm nước thì về nhà ăn, có lúc đói quá, lưới rách nhiều thì nấu ăn ngay luôn trên bè”, ông Châu nói.
Theo ghi nhận của PV, tại vũng neo trú tàu thuyền Lý Sơn có hàng chục bè cát neo đậu, bơm hút vật liệu lên bờ. Việc này không chỉ gây ra tình trạng bồi lấp như đã từng xảy ra trước đó, mà những bè cát tự phát còn lấn chiếm cả không gian vũng neo trú tàu thuyền.
Được biết, năm 2022 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo chính quyền phối hợp cùng cơ quan chức năng di dời bè cát ra khỏi vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Tuy nhiên, sau một thời gian hàng chục bè cát lại về hoạt động trong khu vực này, trở thành nỗi lo cho nhiều tàu thuyền.
Theo người dân Lý Sơn, để hành, tỏi cho năng suất cao, có hương vị thơm ngon, mỗi năm một lần, nông dân phải cào hết lớp cát cũ năm trước, sau đó phủ lên bề mặt một lớp cát mới.
|
Các bè bơm hút cát hoạt động làm xuất hiện nguy cơ bồi lắng tại vũng neo đậu.
|
Những năm trước đó, cát biển được người dân khai thác ở ven bờ hoặc đào sâu phía dưới lớp đất mặt ruộng để lấy. Nhưng sau thời gian dài khai thác, hiện số cát biển ở những vị trí và khu vực này đã cạn kiệt. Vì vậy, để có cát thay thế, người dân làm bè nổi đặt máy hút, rồi đưa ra khu vực biển nằm cách bờ nhiều chục mét để hút cát lên, đưa vào bờ sử dụng.
Theo người dân Lý Sơn, bình quân số lượng cát mới cần sử dụng để thay lớp đất cũ khoảng 3m3/sào (500m2/sào). Với diện tích đất trồng tỏi, hành hàng năm của Lý Sơn khoảng 300 ha, lượng cát cần sử dụng là không hề nhỏ.
Chính quyền huyện Lý Sơn đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nếu có nhu cầu khai thác cát để phục vụ trồng tỏi, phải làm hồ sơ trình cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền tỉnh phê duyệt, cấp phép. Các trường hợp khai thác trái phép sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Theo Nguyễn Ngọc/ Báo Tiền Phong