Các nhà khoa học cho biết, con người có thể bắt đầu sợ nhện khi còn định cư ở cái nôi châu Phi, nơi các loài đa nhãn với nọc độc đáng sợ đã hiện diện cách đây nhiều triệu năm. Con người khi đó thường xuyên đối mặt với nguy cơ có thể bị những loài nhện cực độc tấn công trong điều kiện môi trường thời cổ đại.
Thậm chí nếu không cắn chết được nạn nhân, một con nhện dạng “góa phụ áo đen” có thể đẩy con người vào tình trạng bất lực trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần, khiến nạn nhân không thể nào tự bảo vệ được mình. Thực tế, nỗi sợ nhện là bản năng đã được hình thành khi con người còn sống cảnh ăn lông ở lỗ và buộc phải đối mặt với loài đa nhãn đáng sợ hơn gấp nhiều lần con cháu của chúng thời nay.
Hay nói cách khác, nỗi sợ hãi loài nhện là điều được khảm vào xương cốt, hiển thị trên thông tin gien di truyền của nhân loại. Tuy nhiên, nếu như chế ngự được nỗi sợ, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều điểm thú vị trong thế giới của loài nhện giống như câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện được chia sẻ bởi anh chàng có nickname Brass Brassett trong chuyến đi chữa lành tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Olifants West, Nam Phi.
Theo như đoạn clip ghi hình, người xem có thể thấy rõ hình ảnh một chú chim nhỏ đang bị mắc kẹt trong lưới tơ của một con nhện. Bất chấp những nỗ lực vùng vẫy của chú chim, độ kết dính của tơ nhện quá lớn khiến nó không thể làm gì. Kết quả nó đành phải bỏ cuộc và trở thành miếng mồi ngon cho kẻ ăn thịt.
Tác giả của hệ thống "thiên la địa võng" chằng chịt, tưởng thưa nhưng mà lại có độ kết dính vô cùng bền bỉ đó là loài nhện Golden Orb hay còn biết đến cái tên là Nephila. Đây là loài nhện có màu nổi bật, vô cùng thú vị được tìm thấy ở Nam Phi.
Các nhà khoa học hay gọi nhện Nephila dưới các cái tên như nhện chuối, nhện tơ vàng, nhện ăn rắn. Chúng có kích thước lên tới gần 6 cm chưa bao gồm chiều dài của chân và con cái thường lớn hơn so với con đực.
Những con nhện Nepila đực thường bị "xé xác" sau khi giao phối hoặc bị cuộn kín trong mạng nhện để biến thành thức ăn khi những con cái không giữ được bình tĩnh. Nhện Nephila là khả năng giăng những mạng rất dày và kiên cố để săn mồi. Chiều dài của mỗi mạng nhện có thể lên tới gần 2 m.
Những con côn trùng nhỏ khi vướng phải thường không thể thoát khỏi mạng nhện của chúng. Thậm chí những con rắn nhỏ hay chim cũng trở thành con mồi của chúng. Vì thế, người ta còn gọi chúng là loài nhện ăn rắn.
Khi con mồi mắc vào lưới tơ nhện cũng đồng nghĩa với việc sẽ trúng độc thần kinh và chất độc sẽ từ từ làm tê liệt con mồi. Các nhà nghiên cứu cho rằng những quan điểm cho rằng mạng nhện chỉ đơn thuần là một tấm lưới giúp loài này giăng bắt con mồi dường như là chưa đủ. Tơ nhện không chỉ là đóng vai trò một tấm lưới dính mà còn là một vũ khí giúp làm tê liệt con mồi bằng chất độc thần kinh.
Những chất độc thần kinh của nhện Nephila clavipes thực tế không mạnh lắm vì mục đích chỉ để gây tê liệt cho con mồi. Điều quan trọng hơn là nhện chỉ ăn những con mồi còn sống. Nếu chất độc thần kinh quá mạnh, con mồi có thể chết và nhện không thể ăn được sau này.
Theo Qúy Ánh/Tin Nhanh Chứng Khoán