"Sợ chủ tịch phường như sợ... cọp!"
Đầu tháng tư, nắng hầm hập, chị Thạch Thị Hoành nhìn trước ngó sau, rồi thỏ thẻ: “Coi chừng có người theo dõi. Đã từng có nhà báo xuống đây rồi bị xã hội đen đòi đánh”.
Giải thích xong về sự cẩn trọng của mình, chị Hoành bắt đầu kể lại lúc hai vợ chồng chị bị bắt, bị lấy đồ đạc rồi giải về phường. Chị Hoành bị kéo đi, còn chồng chị, anh Lý Huy Bình bị kẹp cổ dẫn về công an phường.
Đó là sáng ngày 20/3, ông Chủ tịch Tú dẫn theo hàng chục người, gồm dân phòng, công an xuống khu nhà ở và mua bán của bà con. Ông Tú chắp tay sau lưng dẫn đầu đám người trên, li cà phê đong đưa sau mông tiến thẳng vào, miệng không ngớt chỉ đạo: “Hốt”.
Lực lượng dân phòng còn chưa kịp thực hiện mệnh lệnh, ông chủ tịch sốt sắng lao vào chụp một cái cân của chị Hoành. Điều đáng nói, khu vực chị Hoành và rất nhiều hộ dân khác mua bán là một khu đất rộng gần 4.000 mét vuông, tách biệt hẳn với mặt đường số 6, khu phố 2.
|
Ông Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đang tạo ra bức xúc dư luận vì hình ảnh phản cảm.
|
Không đồng tình với cách hành xử trên, nhiều người dân phản ứng, đòi lập biên bản, ông Tú chỉ đạo công an bắt giữ.
Ngoài vợ chồng chị Hoạch còn có nhiều người khác. Ngay cả bà lão 75 tuổi tên Võ Thị Biên, sống bằng nghề làm thuê giữ đồ đạc cho dân, mỗi ngày tiền công chỉ có 30.000 đồng cũng bị dẫn về phường.
Tổng cộng có 6 người dân bị dẫn về trụ sở từ 9 sáng đến 22 giờ cùng ngày mà không có lí do, không lập biên bản thu giữ tài sản và bắt người. Bức xúc, người dân quay phim cũng bị ông Tú chỉ đạo công an ép xóa ảnh.
“Hai ngày không mua bán được gì. Tôi bán gà trong nhà cũng bị ông Tú cho người xộc vào tự ý mở tủ đem đi 30 kg gà mà không lập biên bản. Bây giờ mỗi khi nghe đến hơi ông Tú là chúng tôi sợ như cọp”, chị Lê Thị Thanh Loan, nhà số 5, đường số 6, phường Hiệp Bình Chánh nói.
Tố cáo đến thanh tra Chính phủ
Theo tìm hiểu của phóng viên, đường số 6, phường Hiệp Bình Chánh trước đây là đường đất, hoang hóa được nhà nước giao cho Công ty thuốc lá Vĩnh Hội xây nhà cho cán bộ nhân viên. Dự án đứng im nhiều năm, tệ nạn xã hội phát sinh.
Năm 2010, chính quyền thành phố giao gần 4.000 mét vuông đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh sử dụng. Hai ông bà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
Ngay khi có đất, bà Ánh làm giấy phép kinh doanh và các hộ dân vào kinh doanh. Số đất trên cũng được làm hạ tầng, đảm bảo phòng cháy chữa cháy được Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an TP HCM chứng nhận đạt.
Gần 150 sạp kinh doanh các loại hàng hóa hợp pháp được phép hoạt động từ năm 2010 đến nay.
Năm 2013, ông Trần Minh Tú được bổ nhiệm về làm Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh. Nhậm chức, ông ban hành thông báo số 30/TB-UBND ngày 10/3/2014 về việc lập lại trật tự lòng lề đường và giải tỏa chợ tự phát trên tuyến đường trên.
Điều đáng nói là trong khi người dân mua bán trong khu đất của mình, có giấy đăng kí kinh doanh hợp pháp, không lấn ra ngoài đường thì ông Tú vẫn dẫn người xộc vào cưỡng chế tài sản và bắt người. Trong khi các hộ dân đang khiếu nại vì tính trái pháp luật của thông báo trên thì ông Tú tỏ ra sốt sắng một cách bất thường.
Trước thái độ hung hăng của lực lượng phường, bà Phạm Thị Ánh làm đơn tố cáo gửi đến các cấp và Thanh tra Chính phủ.
Ngày 28/3, trụ sở tiếp dân của Trung ương đảng và nhà nước gửi công văn trả lời tố cáo của bà, đồng thời chuyển đơn đến UBND quận Thủ Đức giải quyết theo thẩm quyền thì mọi việc mới tạm yên. Tuy nhiên, các hộ dân mua bán trong khu vực trên vẫn nơm nớp lo sợ và cực kì hoang mang.
“Chúng tôi đang rất bức xúc vì cách hành xử không tôn trọng pháp luật của ông Chủ tịch Trần Minh Tú. Việc ông tự ý lấy tài sản của dân, vào tận nhà dân mở tủ là không thể chấp nhận được. Không những thế, ông Tú còn không cho lập biên bản và tự ý bắt người làm dư luận địa phương rất bất bình”, bà Phạm Thị Anh nói.
Trong một diễn tiến khác, phóng viên đã cố gắng liên lạc với ông Trần Minh Tú để làm rõ nội dung tố cáo nhưng chưa được.
Theo một thế giới