Đập Làng ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh
Hà Tĩnh có vị trí rất xung yếu, bởi phía hạ lưu có hàng chục hộ dân sinh sống, có tuyến đường sắt Bắc Nam nằm sát ngay thân đập.
Công trình Đập Làng được xây dựng từ những năm 70 và được đắp bằng phương pháp thủ công nên qua một thời gian vận hành, sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Hiện tại mặt đập bị bào mòn, thân đập bị xói lở và đã có những điểm rò rỉ, nước chảy thành dòng qua thân đập. Cống tiêu thoát bị hư hỏng gây khó khăn cho việc vận hành. Bên cạnh đó, đỉnh tràn lại cao gần bằng thân đập nên nước lũ đã nhiều lần tràn qua thân đập, làm sạt lở và cuốn trôi nhiều đoạn.
|
Nhiều công trình hồ đập ở Hà Tĩnh hiện đang tồn tại nguy cơ, thậm chí là ẩn họa, đe dọa sự an toàn . |
Ông Trịnh Xuân Cần, Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, vùng Thượng huyện có hồ chứa gắn liền với những công trình quốc gia tương đối lớn, vùng hạ huyện thường ngập sâu trong lũ nên những vùng này khó có đường vào ứng cứu. Hơn nữa, phương pháp xây dựng hồ chứa trước đây khi còn là rừng nguyên sinh thì khi có lũ, nó cũng điều tiết khác với thời điểm hiện tại, nên rất khó khăn trong công tác khắc phục sự cố.
|
Ông Trịnh Xuân Cần. |
Không chỉ ở Hương Khê mà nhiều công trình hồ, đập ở Hà Tĩnh đã bị xuống cấp, hư hỏng. Theo đó toàn tỉnh có 345 hồ đập lớn nhỏ thì có đến 129 đập bị thấm cả vai đập, thân đập lẫn nền đập. Có nhiều đập mức độ thấm lớn làm nước chảy thành dòng qua thân đập như: hồ Mục Bài, hồ Họ Võ, đập Trạng huyện Hương Khê; hồ Vực Rồng, hồ Khe Dẽ, hồ Cơn Trường huyện Hương Sơn; hồ khe Chẹt, hồ An Hùng, thuộc các huyện Vũ Quang, Can Lộc
Ông Nguyễn Đăng Nhật, Phó giám đốc sở NN&PTNT Hà Tĩnh, cho biết, trước tình trạng hồ đập xuống cấp nghiêm trọng thì để đảm bảo an toàn, sở đã rà soát lại, đánh giá lại toàn bộ chất lượng hồ chứa trên toàn tỉnh, từ đó phân hóa ra từng loại, xếp thứ ưu tiên và tranh thủ các nguồn lực của địa phương, của nhân dân, để khắc phục những công trình hư hỏng cấp bách để đảm bảo ít nhất trong mùa lũ nhất định.
|
Ông Nguyễn Đăng Nhật, Phó giám đốc sở NN&PTNT Hà Tĩnh. |
Thời gian qua, từ nguồn vốn của TW và của tỉnh, các địa phương ở Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để làm mới nâng cấp sửa chữa các công trình hồ đập. Tuy nhiên, do số lượng hồ đập xuống cấp lớn nên kết quả đầu tư chưa được là bao. Và mới đây, theo tiêu chuẩn 04, 05 của Bộ Nông nghiệp và & Phát triển Nông thôn thì tất cả các hồ đập của Hà Tĩnh đều không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa đồng bộ nên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác phòng chống bão lũ. Cụ thể tại công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ, một công trình thủy nông lớn đã được đầu tư kiên cố toàn bộ hệ thống; nhưng mỗi lần xả lũ lại gây ngập úng cho hàng loạt địa phương vùng hạ du.
Bên cạnh đầu tư, nâng cấp sữa chữa thì việc quản lý, vận hành hồ chứa đang là vấn đề được chính quyền và các ngành chức năng của Hà Tĩnh quan tâm. Nhất là vùng hàng năm thường chịu tác động nặng nề của thiên tai như Hà Tĩnh thì việc quản lý, vận hành an toàn hồ chứa đúng quy trình đảm bảo vừa tích nước phục vụ sản xuất vừa đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi mưa lũ đến phải được chú trọng.
Vương Long/ANTV