|
Những ca khúc gợi nhớ về ký ức mùa xuân một thời. |
Những năm gần đây, với sự bùng nổ của thị trường giải trí, hàng chục bản nhạc chào năm mới được trình làng mỗi dịp xuân về. Nhưng người ta không thể nào quên được những bản nhạc xuân đặc sắc, mang dấu ấn riêng của làng giải trí Việt những năm 90.
Trong dịp chào xuân Ất Mùi 2015, mời quý độc giả cùng nghe lại những ca khúc nhạc xuân bất hủ của thập niên 90.
1. Thì thầm mùa xuân
"Thì thầm mùa xuân" là một sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Châu với sự trình bày của ca sĩ Mỹ Linh. Bài hát diễn tả sự e ấp tình đầu của cô gái trẻ trong tiếng gọi mùa xuân của đất trời.
Những hình ảnh trong MV "Thì thầm mùa xuân" ra đời năm 1993 của Mỹ Linh mang đậm dấu ấn thời đại với quần đen, áo phông sơ vin rất điển hình. Đây cũng được coi là bài hát khởi nghiệp của Mỹ Linh.
2. Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh
"Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" là bài hát được cố nhạc sĩ Xuân Hồng thai nghén trong 2 năm trời. Từ một câu hát ngẫu hứng khi ra thăm Hà Nội năm 1974, cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã nhớ mãi để rồi Miền nam giải phóng, Bắc Nam sum họp, cố nhạc sĩ đã hoàn chỉnh bài hát và cho ra mắt năm 1980. Sau đó, bài hát được Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương phổ biến rộng rãi.
Bài hát ca ngợi chiến thắng vàng son của dân tộc ta trước đế quốc Mỹ, ca ngợi Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày xuân hòa bình đầu tiên với sự hân hoan của toàn dân.
3. Mùa xuân làng lúa làng hoa
Ca khúc "Mùa xuân làng lúa làng hoa" được nhạc sĩ Ngọc Khuê sáng tác vào một buổi chiều đông năm 1981 khi ông đi qua cánh đồng làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm, cạnh Hồ Tây). Ông bất giác nhận ra giữa Hà Nội không chỉ có làng hoa (Ngọc Hà) mà còn có một làng lúa bát ngát, xanh tươi nằm ngay cạnh Tây Hồ lộng gió.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa - làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu.
4. Lắng nghe mùa xuân về
Bài hát "Lắng nghe mùa xuân" về được nhạc sĩ Dương Thụ viết vào khoảng đầu những năm 90 và nhanh chóng được phổ biến sau đó. Ông viết ca khúc này trong những ngày ông sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại mang đậm cái buồn phảng phất của Hà Nội.
Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ rằng ông viết bài này không phải viết nhạc xuân. Nhưng vô tình nó lại vào thời khắc giao thừa, vào cái lúc mà hoa đào hé nở, giọt mưa xuân phảng phất bên thềm, nên tự nhiên nó trở thành một bài nhạc xuân. Ông viết bài hát cho bản thân mình và để mặc cho những dòng tâm sự cứ tuôn chảy. Có lẽ vì thế khi nghe ca khúc này, người nghe thấy gì đó thoáng buồn, lưu luyến và tiếc nuối những ngày tháng cũ vừa trôi qua.
Tuấn Lê