Hàng loạt má phanh tàu hỏa bị trộm

Google News

(Kiến Thức) - Hàng loạt má phanh của các toa  tàu hay còn gọi là guốc hãm đang đậu ở ga đã bị kẻ gian tháo mất, mang bán phế liệu. 


Hành vi này có thể gây những hậu quả khôn lường đối với quá trình vận hành của các đoàn tàu. Vậy những quy định của pháp luật để xử lý hành vi này lại chưa đủ sức răn đe các đối tượng thực hiện.
Trước đó, khoảng 6h sáng ngày 5/8, nhân viên phụ trách hóa vận ga Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đi kiểm tra những toa xe hàng trên đường ray số 1 để chuẩn bị cho công tác xếp hàng thì phát hiện 9 má phanh của các toa tàu hàng đã bị kẻ gian tháo trộm. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an thị xã Ninh Hòa khẩn trương điều tra và đã xác định được thủ phạm là 2 đối tượng Phạm Thành Nhân và Lê Thanh Toàn cùng trú tại thị xã Ninh Hòa.
Hàng loạt má phanh tàu hỏa bị trộm gây xôn xao dư luận. 
Hai đối tượng còn khai nhận ngoài vụ trộm trên trước đó đã trộm 12 má phanh của các toa tàu khác.
Đối tượng Lê Thanh Toàn khai: Do hai anh em hết tiền nên đã xuống đường sắt tháo đồ kiếm vài đồng. Lần đầu lấy 12 cục. Bán được hơn 300 ngàn hai anh em chia nhau. Lần thứ hai hai anh em lấy được 4 cục...
Mỗi khi thiếu tiền, chỉ cần một cái cờ – lê hoặc cái búa, trong vòng 5 đến 10 phút, Nhân và Toàn có thể tháo xong một má phanh. Mỗi má phanh nặng khoảng 5Kg đem bán sắt vụn được 30 ngàn đồng. Giá trị của các vụ trộm cắp là không lớn nhưng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng khi đoàn tàu vận hành thiếu các thiết bị đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Đình Tân - Giám đốc xí nghiệp vận tải đường sắt Phú Khánh nhấn mạnh: "Guốc hãm của đoàn tàu hay còn gọi là phanh bị mất đi thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn vì người lái tàu sẽ không điều khiển được đoàn tàu nhất là khi vào ga, khi tránh tàu nguy cơ rất cao là đổ tàu hoặc sẽ đâm vào các tàu khác."
Hậu quả nguy hiểm là vậy, song theo Nghị định 126 năm 2008 của Chính Phủ thì má phanh tàu hỏa không nằm trong danh mục các Công trình quan trọng về an ninh quốc gia vì thế không thể xử lý hành vi này theo điều 131 Bộ luật hình sự về tội phá hủy công trình quan trọng về ANQG.
Còn căn cứ để xử lý về tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS thì yêu cầu giá trị tài sản thiệt hại phải từ hai triệu đồng trở lên.
Theo công ty vận tải đường sắt Phú Khánh thì một chiếc má phanh mới có giá là 193 ngàn đồng và với những má phanh mà giá trị sử dụng còn từ 50 đến 60% thì giá trị còn thấp hơn nhiều.
Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Để phòng ngừa, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT quanh khu vực các ga, hiện nay Công ty vận tải đường sắt Phú Khánh đang phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm sao đảm bảo an toàn cao nhất cho các chuyến tàu.
Vương Long/ANTV